Chúng tôi đã nói về Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Khánh Toàn. Hôm nay chúng tôi sẽ cho các bạn biết thêm về một số học viên Việt Nam khác trong hệ thống Quốc tế Cộng sản. Họ đã vận dụng thành công những kiến thức học được ở Matxcơva vào thực tiễn hoạt động cách mạng ở quê hương.
Trần Ngọc Danh
Trần Ngọc Danh, em trai của Trần Phú, sang Nga với cái tên Blokov. Năm 1929, ông bắt đầu học tại Trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông (KUTV) và năm sau, ông được chuyển đến Trường Quốc tế Lênin, nơi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nòng cốt của lực lượng cách mạng.
Dương Bạch Mai
Trong những năm học ở Nga, Dương Bạch Mai mang họ Burov. Ngày 30 tháng 8 năm 1929, ngay khi vừa từ Pháp đến Matxcơva, ông ghi danh vào Trường phương Đông KUTV và nhận được thẻ sinh viên số 4783. Nhưng vào tháng 4 năm sau, ông được cử sang Pháp để làm việc với những người Đông Dương ở đó. Năm 1932 ông trở lại Việt Nam. Ông đã trải qua bốn năm bị giam cầm ở nhà tù Côn Đảo cùng với Lê Hồng Phong và Lê Duẩn. Ông đã tham gia tích cực vào các sự kiện cách mạng 1945 ở Sài Gòn, trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ. Sau khi chuyển đến Hà Nội năm 1954, ông tích cực tham gia vào đời sống chính trị xã hội của VNDCCH, đứng đầu Hội Hữu nghị Việt-Xô.
Bùi Công Trừng
Bùi Công Trừng đã học tại Trường phương Đông KUTV với bí danh Giao. Ông tốt nghiệp khóa học ba năm - từ năm 1927 đến năm 1930. Trong thời gian học tập ở Matxccơva, ông được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Komsomol. Sau khi trở về quê hương, ông bị thực dân Pháp bắt giam nhiều lần. Ông trở nên nổi tiếng với tư cách là nhà phê bình văn học. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông đảm nhiệm các công tác do Chính phủ giao, được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước. Bùi Công Trừng là tác giả của nhiều công trình về lịch sử và kinh tế Việt Nam.
Nguyễn Ngọc Vỹ
Nguyễn Ngọc Vỹ học ở Trường phương Đông KUTV với tên Kan từ năm 1932 đến năm 1934. Trước đó, theo lời giới thiệu của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, ông học hai năm tại trường quân sự Hoàng Phố, Trung Quốc, rồi phục vụ trong Hồng Quân Công Nông Trung Quốc. Vào tháng 1 năm 1931, ông được cử đi học ở Matxcơva nhưng bị chính quyền Quốc dân đảng bắt giữ và bị giam khoảng một năm trong nhà tù Trung Quốc. Ông được trả tự do và cuối cùng đến được Matxcơva nhờ sự hỗ trợ của Cứu tế Đỏ Quốc tế (gọi tắt MOPR) là một tổ chức dịch vụ xã hội quốc tế được thành lập bởi Quốc tế Cộng sản. Đây chính là tổ chức đã giúp giải thoát Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh khỏi nhà tù của đế quốc Anh ở Hồng Kông vào năm 1933. Nhân tiện, một số đồng bào của ông sau đó đã làm việc tại văn phòng trung tâm của tổ chức này ở Matxcơva. Khi Lê Hồng Phong về nước, Nguyễn Ngọc Vỹ kế nhiệm ông làm Bí thư Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài (còn gọi là Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng). Sau đó, tại quê hương, ông Nguyễn Ngọc Vỹ được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông được truy thăng quân hàm cấp tướng.
Hà Huy Tập
Hà Huy Tập đã học ở Mátxcơva với họ Nga là Sinichkin. Trong thời gian làm việc ở Trung Quốc, ông đã nộp đơn lên lãnh sự quán Liên Xô với yêu cầu cử ông đi học ở Nga. Ông tốt nghiệp khóa học ba năm tại Trường phương Đông KUTV vào mùa xuân năm 1932. Ông đã lên đường về Việt Nam qua Pháp, nhưng trên đường về ông bị Pháp bắt và bị trục xuất sang Bỉ. Do đó, vào mùa thu năm 1932, ông trở lại Matxcơva và tiếp tục học tại trường KUTV. Ông đã viết một số tác phẩm về những vấn đề của phong trào giải phóng dân tộc. Cuối cùng, ông rời Nga vào mùa xuân năm 1933.
Hà Huy Tập (24 tháng 4 năm 1906 – 28 tháng 8 năm 1941) là một nhà cách mạng Việt Nam, Tổng Bí thư thứ ba của Đảng Cộng sản Đông Dương.
© Ảnh : Public domain
Trần Đình Long
Trần Đình Long với tên Pevzner đã học tại trường KUTV từ tháng 3 năm 1928 đến tháng 11 năm 1931. Sau khi trở về quê hương, ông bị mật thám Pháp bắt tại Sài Gòn vì "tội vượt biên trái phép sang Nga". Tuy nhiên, bên công tố không tìm được chứng cứ cụ thể về điều này, và sau 4 tháng ngồi tù, ông được trả tự do. Trong thời gian Mặt trận Bình dân Pháp (tiếng Pháp: Front populaire) bao gồm Đảng Cộng sản, đang cầm quyền ở Pháp, ông đã viết bài cho một số tờ báo tiếng Việt. Ông là thành viên Ban biên tập tờ báo "Thời thế", đăng trên tờ báo này phần đầu các thiên ký sự dài "Ba năm ở nước Nga Xô viết". Năm 1938-1939, ông tham gia xuất bản các tờ báo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau Cách mạng tháng Tám, ông trở thành Trợ lý ngoại giao cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, và được coi là có khả năng ứng cử chức Bộ trưởng Ngoại giao.
Trần Văn Giàu
Trần Văn Giàu với bí danh Hồ Nam được ghi danh vào trường KUTV vào tháng 5 năm 1930. Trong thời gian học tập ở Matxcơva, ông đã viết cuốn sách "Những nguyên tắc tổ chức của chủ nghĩa bôn-sê-vích", cuốn sách nhỏ "Kỷ niệm một năm Nghệ An đỏ", nghiên cứu về sách lược của Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm 1932, ở tuổi hai mươi, ông trở lại Việt Nam. Ông là một trong những người lãnh đạo tổng khởi nghĩa ở thành phố Sài Gòn năm 1945. Sau khi trở về Hà Nội năm 1949, ông bắt tay vào nhiệm vụ mới trong ngành giáo dục. Ông đã viết hơn năm mươi công trình khoa học về lịch sử. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập Hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Trong các bài mạn đàm tiếp theo của loạt bài “Những trang sử vàng”, Sputnik sẽ nói về những mốc ngày tháng, sự kiện và giai đoạn đáng ghi nhớ trong lịch sử cảm thông và hợp tác giữa Nga và Việt Nam.