Như ấn phẩm lưu ý, khi Nuland khởi hành đến Nam Phi vào ngày 29/7 thì “danh tiếng của người này như một công cụ thô thiển để duy trì lợi ích bá quyền của Washington đã đến trước cả bà ta”. Tuy nhiên, như vị quan chức Nam Phi không muốn nêu tên nói với Grayzone, nhà ngoại giao Mỹ và đội ngũ tháp tùng rõ ràng không ngờ đến việc ở Niger xảy ra đảo chính lật đổ chính phủ thân phương Tây “chỉ vài giờ trước khi bà ta bắt đầu chuyến công du khu vực”.
“Trong hơn 20 năm làm việc với người Mỹ, tôi chưa bao giờ thấy họ trong tình cảnh tuyệt vọng đến thế”, - nguồn tin nói.
Theo ông, sau khi tới nơi Nuland "hoàn toàn bị bất ngờ" trước "làn gió thay đổi" bao trùm toàn bộ khu vực châu Phi.
Đồng thời, quan chức này lưu ý rằng đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đề nghị Nam Phi giúp đỡ ứng phó với các cuộc xung đột trong khu vực, bao gồm cả ở Niger.
“Đối với Nuland, việc nhận ra mình đang đàm phán từ thế yếu có lẽ giống như một sự thức tỉnh gắt gao”, - Grayzone tóm tắt.
Vào cuối tháng 7 một nhóm sĩ quan quân đội Niger xuất hiện trên truyền hình quốc gia thông báo Tổng thống Mohamed Bazoum đã bị lật đổ, họ tuyên bố đóng cửa biên giới và ban hành lệnh giới nghiêm. Chỉ huy Lực lượng bảo vệ Tổng thống, tướng Abdurahman Tchiani xuất hiện trên truyền hình quốc gia Niger với tư cách là người đứng đầu Hội đồng Quốc gia Bảo vệ Tổ quốc do những người tham gia đảo chính lập ra. Lãnh đạo phần lớn các nước phương Tây và tổ chức khu vực ECOWAS đã lên án cuộc đảo chính.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Nuland đã tổ chức một cuộc họp vào tháng 8 về tình hình ở Niger khi đích thân có mặt tại thủ đô nước này. Sau cuộc gặp, nhà ngoại giao Mỹ cho biết hành động của nhóm sĩ quan quân đội cướp chính quyền không phù hợp với hiến pháp nước này, nhưng Mỹ sẽ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp ngoại giao để tháo gỡ xung đột.