Trước đó, hôm 31/8, ông Nguyễn Quốc Hưng, Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư đã chủ trì buổi đối thoại với hàng trăm người dân thôn Văn Lâm (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) để giải quyết bất đồng trong việc ký kết hợp đồng lao động này.
Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động đón khách trở lại
Ngày 2/9, tuyến du lịch đường thủy Đình Các - Tam Cốc, thuộc Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đã hoạt động bình thường trở lại.
Đây là tin vui sau thời gian khu du lịch Tam Cốc – Bích Động phải tạm dừng để tiến hành các hoạt động phục hồi cảnh quan, bảo tồn, tôn tạo các giá trị lịch sử, văn hóa, đồng thời sắp xếp lại bộ máy tổ chức, công tác quản lý điều hành, dịch vụ chở đò, nội quy, quy chế quản lý khu du lịch.
“Với sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng người dân địa phương, sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động đã hoạt động bình thường trở lại”, Ban Quản lý Khu du lịch nhấn mạnh.
Ông Phạm Duy Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình xác nhận, kể từ sáng 2/9, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động đã chính thức quay trở lại hoạt động và đón khách du lịch.
“Lượng khách đến tham quan từ sáng rất đông”, ông Phong nói với báo chí.
Sáng nay, tại bến đò Đình Các - Tam Cốc đã có rất đông du khách đứng xếp hàng để đợi xuống thuyền đi tham quan.
Đánh giá lượng khách đến tham quan Tam Cốc – Bích Động sẽ rất đông, đặc biệt những ngày giữa kỳ nghỉ lễ 2/9, Ban quản lý Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách.
Du khách đến tham quan Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động sau khi nơi đây hoạt động trở lại.
© Ảnh : TTXVN - Đinh Thị Thùy Dung
Do đó, dù lượng khách đông nhưng cơ bản công tác tiếp đón đều diễn ra an toàn, để lại ấn tượng tốt trong lòng du khách, theo Ban Quản lý KDL.
Như Sputnik đưa tin, trước đó, từ ngày 8/7, Công ty TNHH Đầu tư - Thương mại - Dịch vụ Tràng An (đơn vị quản lý, khai thác Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, thành viên doanh nghiệp Xuân Trường của đại gia Nguyễn Văn Trường), đã ra thông báo về việc tạm dừng hoạt động khu du lịch Tam Cốc - Bích Động để sửa chữa, nâng cấp các công trình, hạng mục trong khu du lịch.
Tuy nhiên, trên thực tế, nguyên nhân chính dẫn tới việc tạm dừng hoạt động là do giữa doanh nghiệp với người chèo đò (người lao động) không thống nhất được việc ký hợp đồng.
Đa số những người lái đò đều không đồng tình với một số nội dung, điều khoản ghi trong hợp đồng lao động. Những lái đò ở Tam Cốc – Bích Động nhấn mạnh, lâu nay, việc chèo đò phục vụ du khách ở khu du lịch này đều thực hiện theo bản Hương ước của làng, đi chuyến nào thì lấy tiền chuyến đấy, cả người già và người chưa đến tuổi lao động đều có thể tham gia chèo đò phục vụ du khách và nhận tiền công.
Người dân thôn Văn Lâm nhấn mạnh, đò là do dân tự bỏ tiền ra để mua sắm, đóng theo Hương ước của làng thì hầu hết những người có hộ khẩu ở thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải đều có số đò, kể cả trẻ em, người già, người tàn tật... ai không chèo được thì có thể nhờ người khác chèo thay.
“Nếu bây giờ ký hợp đồng lao động thì những người già, người chưa đến tuổi lao động sẽ như thế nào?”, một lao động làm nghề chèo đò lâu năm ở đây bức xúc nói.
Việc không tìm được tiếng nói chung giữa công ty Tràng An với người lao động chính là nguyên nhân dẫn đến việc Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động phải đóng cửa, tạm dừng đón khách gần 2 tháng qua để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc ký hợp đồng lao động giữa những người lái đò và doanh nghiệp chủ quản.
Chủ tịch huyện Hoa Lư nhận trách nhiệm và đối thoại với dân
Hôm 21/8, khu du lịch này Tam Cốc – Bích Động đã mở cửa trở lại nhưng du khách vẫn chưa thể mua vé để tham quan vì đại đa số những lái đò ở đây vẫn chưa đồng ý ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp chủ quản.
Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động du lịch chung của tỉnh Ninh Bình cũng như doanh thu của doanh nghiệp và thu nhập của những người chèo đò.
Trước tình trạng này, UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo UBND huyện Hoa Lư và các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc ký hợp đồng lao động giữa những người lái đò và doanh nghiệp chủ quản để sớm đưa hoạt động du lịch ở đây trở lại bình thường.
Ngày 31/8, UBND huyện Hoa Lư phối hợp cùng Sở Du lịch, Sở Tư pháp, Sở LĐ-TBXH tỉnh Ninh Bình, đại diện doanh nghiệp quản lý và khai thác Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động cùng chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan đã đối thoại trực tiếp với hàng trăm người dân chèo đò tại khu du lịch Tam Cốc - Bích Động.
Chia sẻ tại cuộc đối thoại, ông Nguyễn Quốc Hưng, Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư cho rằng, việc Khu du lịch Tam Cốc phải đóng cửa, tạm dừng đón khách trong thời gian qua là sự việc rất đáng tiếc và ông cũng nhận trách nhiệm chung.
Theo vị lãnh đạo, những mâu thuẫn giữa những người chèo đò với doanh nghiệp chủ quản chậm được giải quyết, trách nhiệm thuộc về UBND huyện Hoa Lư và chính quyền cấp xã, cấp thôn. Chính quyền từ cấp huyện đến cấp thôn đều chưa kịp thời nắm bắt tình hình, lắng nghe ý kiến của người dân để có hướng giải quyết.
“Với cương vị là Chủ tịch UBND huyện, bản thân tôi xin nhận trách nhiệm vì để xảy ra sự việc trên”, báo Lao động dẫn phát biểu của Chủ tịch huyện Hoa Lư cho biết và nhấn mạnh, cá nhân ông mong muốn người dân ở đây hiểu rằng, việc ký hợp đồng lao động là bắt buộc, vì vậy, các bên cùng ngồi lại để bàn bạc, giải quyết những khó khăn vướng mắc để làm sao đưa hoạt động du lịch ở đây trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất.
Quyền lợi của người lao động được đảm bảo
Ở góc độ của người dân, họ đồng tình với việc cần ký hợp đồng với doanh nghiệp chủ quản theo đúng quy định của pháp luật nhưng các điều khoản trong hợp đồng phải được xem xét kỹ và có sự thống nhất của toàn thể những người lái đò.
Theo người dân, đa phần những người lái đò đều là phụ nữ và người cao tuổi, chiếm tới 80%. Chính vì vậy, họ lo ngại, khi thực hiện việc ký hợp đồng lao động vì tuổi đã cao sẽ không được nhận vào làm, từ đó mất đi nguồn thu nhập lâu nay của gia đình.
Bên cạnh đó, tại khu du lịch này có trên 1.000 chiếc đò do người dân tự đầu tư mua sắm, có những gia đình có tới 3-4 chiếc đò, trong khi đó, số người chèo đò thực tế chỉ khoảng 600 người. Vấn đề này cũng cần được giải quyết.
Đại diện công ty Tràng An, doanh nghiệp quản lý KDL Tam Cốc – Bích Động cam kết sẽ ký hợp đồng lao động đối với tất cả những người từ 18 tuổi trở lên đúng theo quy định của pháp luật và Luật Lao động hiện hành. Đối với những người cao tuổi, nếu có đủ sức khỏe để chèo đò, đảm bảo an toàn cho bản thân và du khách thì doanh nghiệp vẫn ký hợp đồng bình thường.
Sở Tư pháp, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình cũng khẳng định với người dân rằng, quyền lợi của họ phải được doanh nghiệp đảm bảo khi đã ký hợp đồng lao động.
“Đến sáng 2/9, người dân địa phương đã trở lại chèo đò bình thường và đã ký hợp đồng lại với doanh nghiệp”, ông Phạm Duy Phong, Phó giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình nói với VTC News.
Thời gian tới, Ban quản lý Khu Du lịch Tam Cốc - Bích Động sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), các quy định của pháp luật về quản lý, bảo tồn, khai thác tuyến du lịch; thường xuyên đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật, tôn tạo, phục dựng cảnh quan, tu bổ các di tích lịch sử, văn hóa.
Khu du lịch cũng đảm bảo văn hóa, văn minh trong du lịch, an ninh trật tự và công tác vệ sinh môi trường, cảnh quan, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, du khách trong việc bảo vệ môi trường, giữ gìn không gian khu du lịch xanh - sạch - đẹp, tiến tới xây dựng nơi đây trở thành điểm du lịch nổi tiếng, bền vững của Ninh Bình cũng như của Việt Nam.