«Do thỏa thuận này hết hạn và Matxcơva rút phần tham gia của Nga, nên cần phải hình thành một cơ chế mới. Và rõ ràng là cơ chế này không thể hoạt động theo cách mà Ukraina mong muốn, cụ thể là để ngũ cốc Ukraina đi qua lãnh hải Ukraina đến lãnh hải Romania, tiếp theo đến lãnh hải Bulgaria, rồi sau đó đến Eo biển. Như vậy rất nguy hiểm. Vấn đề là ở chỗ khi những con tàu này khứ hồi, sẽ phải khám xét kỹ lưỡng xem có vận chuyển vũ khí hay không. Bởi không có thỏa thuận tương ứng nên không thể nói đến việc khám xét các con tàu này. Ngoài ra, nếu thiếu thỏa thuận thì sẽ không thể tiến hành bốc dỡ ngũ cốc thường xuyên từ các hải cảng của Ukraina. Xét theo tất cả những yếu tố đó, đề xuất của Ukraina có vẻ phi logic và không thể chấp nhận. Về phần Nga thì hồi năm ngoái ông Putin đã đưa ra sáng kiến biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một Trung tâm năng lượng và ngũ cốc. Theo nhãn quan của tôi, bây giờ mọi thứ chính là đang theo hướng này», - chuyên gia Unal nhận xét.
«Nói về việc cung cấp ngũ cốc an toàn từ các cảng Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ, cần đảm bảo rằng Ukraina không tấn công các tàu Nga. Theo như tôi hiểu, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ việc tiếp nối thỏa thuận ngũ cốc năm ngoái. Tuy nhiên, Nga kiên quyết yêu cầu là để được như vậy thì phương Tây trước tiên phải thực thi nghĩa vụ của họ. Hiện tại, có ấn tượng rằng với tư cách là người phát ngôn cho lợi ích của phương Tây, Ukraina thực ra lại không mấy quan tâm đến thỏa thuận ngũ cốc. Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có thể ký kết thỏa thuận ngũ cốc riêng. Có lẽ cũng ký kết cả với Ukraina. Trong trường hợp đó, ngũ cốc Ukraina có thể được bán theo con đường tái xuất khẩu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng muốn được như vậy, phải nhận được sự đảm bảo lẫn nhau rằng sẽ không ai tấn công các con tàu đi dọc theo hành lang này. Câu hỏi đó sẽ là nội dung then chốt trong cuộc gặp cấp cao sắp tới của hai nhà lãnh đạo Nga-Thổ», - chuyên gia khoa học chính trị khái quát.
Liệu có bàn vấn đề khu vực?
«Trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có khối lượng lớn các hướng cần được thảo luận: Đó là việc tạo lập Trung tâm khí đốt, thương mại, quan hệ kinh tế, nhà máy điện hạt nhân. Ngoài ra, cuộc trò chuyện của hai nhà lãnh đạo cũng có thể đề cập đến tình hình trong quan hệ giữa hai nước Azerbaijan và Armenia. Và tất nhiên là vấn đề Syria – như bình thường hóa quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, hồi hương người tị nạn và đổi mới các điều khoản của Thỏa thuận Adana nhằm kích hoạt cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa khủng bố - đó là loạt vấn đề có thể sẽ hiện hữu trong chương trình nghị sự của cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Thổ-Nga», - ông Hasan Unal kết luận.