Trước đó, dư luận đặc biệt quan tâm đến dự án này do lo ngại về một số tác động tiêu cực đến môi trường có thể xảy ra trong quá trình thực hiện dự án.
Bộ NN&PTNT sẽ làm việc với Bình Thuận
Theo đó, chiều 5/9, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) Triệu Văn Lực cho biết, Bộ đã thành lập đoàn công tác vào Bình Thuận để kiểm tra cụ thể.
“Ngay khi có thông tin báo chí phản ánh và báo cáo của địa phương, Bộ NN&PTNT đã thành lập đoàn công tác vào kiểm tra cụ thể. Thành phần đoàn gồm các cơ quan của bên Bộ”, - báo Pháp luật Online dẫn lời ông Lực nói.
Cùng ngày, có nguồn tin cho biết UBND tỉnh Bình Thuận sẽ sớm có thông cáo báo chí liên quan đến dự án hồ thủy lợi Ka Pét.
Hai ngày qua, thông tin về việc xây dựng dự án hồ chứa nước Ka Pét ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận được dư luận đặc biệt quan tâm. Chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2019).
Dự án có mục đích nhằm cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận. Đây là dự án đầu tư xây dựng mới có tầm quan trọng quốc gia.
Vấn đề dư luận băn khoăn nhiều nhất là tổng diện tích sử dụng đất của dự án là 639,00 ha, bao gồm: phần lớn là đất rừng sản xuất với 489,05 ha. Kế đến là đất rừng đặc dụng với 149,09ha và một phần rất nhỏ là đất rừng phòng hộ với 0,86 ha..
Theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hồi tháng 8/2022 do Công ty TNHH Mỏ Địa chất Miền Nam (đơn vị tư vấn) và đơn vị thực hiện lấy mẫu, đo đạc môi trường nền (Công ty TNHH Môi trường Dương Huỳnh, TPHCM), dự án sẽ làm mất lớp phủ thực vật, ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái nông nghiệp, gây mất nơi cư trú của động thực vật sinh sống trên khu đất dự án.
Tuy nhiên, ĐTM cho rằng, nhóm tác động do việc chuyển đổi lâu dài mục đích sử dụng khu đất dự án là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, tác động tích cực từ sự phát triển của dự án là hoàn toàn vượt trội hơn các tác động tiêu cực.
Cụ thể, dự án sẽ khắc phục tình trạng thiếu nước, điều tiết nguồn nước sông Ka Pét nhằm cấp nước tưới ổn định cho sản xuất nông nghiệp, cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II và sinh hoạt của người dân.
Dự án cũng góp phầnphòng chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP. Phan Thiết.
Trồng lại hơn 1.800 ha rừng
Liên quan đến việc hơn 600 ha rừng tại đây sẽ chuyển mục đích trồng lại ở nơi khác nhường đất cho hồ thủy lợi, công văn của Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết, kết quả kiểm kê, đánh giá hiện trạng có rừng của dự án là 619,58 ha.
Trong đó rừng đặc dụng là 137,95 ha; rừng phòng hộ là 0,51 ha; rừng sản xuất là 440,4 ha, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72 ha và đất không có rừng 60,14 ha.
Giải pháp xử lý cây rừng trong khu vực dự án, Sở NN& PTNT cho biết đang phối hợp xác định chính xác ranh giới vùng ngập tại bản đồ và thực địa. Ban QLDA Đầu tư Công trình NN&PTNT tỉnh khẩn trương trình Phê duyệt Dự án đầu tư và hồ sơ đánh giá tác động môi trường, lấy đó làm cơ sở thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng.
Sau khi Ban QLDA thực hiện các thủ tục đấu thầu chọn đơn vị tư vấn định giá giá trị lâm sản để tiến hành đấu giá, đơn vị nào trúng thầu sẽ đôn đốc đẩy nhanh khai thác, bàn giao mặt bằng.
Khi đầy đủ hồ sơ, Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh ban hành Quyết định chuyển rừng để làm cơ sở thực hiện khai thác lâm sản.
Về kế hoạch trồng rừng thay thế, trên cơ sở số liệu kết quả kiểm kê đánh giá hiện trạng rừng và kết quả cập nhật bổ sung điều chỉnh chủ trương dự án, tổng diện tích phải trồng rừng thay thế là 1.844,54 ha.
Vị trí trồng mới rừng thay thế sẽ nằm trên phần diện tích đất lâm nghiệp thuộc các tiểu khu tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Ông và trên lâm phận Ban Quản lý khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu.