Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam và Lào rất quan tâm đến tuyến đường sắt này. Dự kiến tuyến sẽ có tổng chiều dài trên 500km, trong đó đoạn chạy ở Việt Nam dự kiến sẽ dài khoảng 119km, còn trong phần lãnh thổ của Lào đoạn từ thủ đô Vientiane đến biên giới Việt Nam dài khoảng 452km.
Đường sắt Việt – Lào sẽ bắt đầu hoạt động năm 2028
Tờ Vientiane Times vừa đưa tin, tuyến đường sắt Lào-Việt Nam theo quy hoạch thoả thuận giữa Hà Nội với Vientianes, đoạn chạy từ huyện Thakhek, tỉnh Khammouane, Trung Lào đến biên giới Lào-Việt, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2028.
"Tuyến đường sắt Lào-Việt dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2028", - Vientiane Times cho hay.
Lào và Việt Nam đã chọn đối tác Hàn Quốc cho công trình quan trọng này, theo báo chí Lào.
Cụ thể, Công ty Thương mại Dầu khí Lào PetroTrade (PTL) đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Kỹ thuật Yooshin và Đường sắt Quốc gia Hàn Quốc đảm nhiệm tiến hành nghiên cứu thiết kế chi tiết tuyến đường sắt Việt – Lào trước khi bắt đầu xây dựng.
Vào tuần trước, tại thủ đô Vientiane, Chủ tịch công ty TNHH Thương mại Dầu khí Lào Chanthone Sitthixay và Chủ tịch Tập đoàn Kỹ thuật Yooshin, ông Chon Kyung-soon cùng với Giám đốc điều hành Đường sắt Quốc gia Hàn Quốc Park Jin-Hyun, đã ký một thỏa thuận hợp tác về dự án đường sắt này.
Lễ ký diễn ra trước sự chứng kiến của nhiều quan chức cấp cao Chính phủ và đại diện từ các bộ, ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công chính và Vận tải Lào cũng như người đứng đầu Ban Điều hành Chiến lược và Kế hoạch của Công ty TNHH PTL Holding Alounkeo Kittikhoun.
Tuyến đường sắt Lào-Việt sẽ được xây dựng theo đúng kế hoạch
Theo Chủ tịch PTL của Lào, với chiều dài 250km, tuyến đường sắt Lào-Việt dự kiến sẽ ngốn khoảng 2 tỷ USD để triển khai xây dựng.
Phát biểu tại lễ ký văn bản ghi nhớ này, Chủ tịch Chanthone Sitthixay của PTL cho biết công ty đã được cấp quyền trở thành nhà phát triển dự án đường sắt Việt - Lào và việc ký kết thỏa thuận nhượng quyền, nghiên cứu thiết kế chi tiết sẽ mở đường cho giai đoạn xây dựng trong tương lai.
Ông Chanthone tin tưởng dưới sự chỉ đạo, hỗ trợ của Đảng và Chính phủ Lào, tuyến đường sắt Lào-Việt sẽ được xây dựng theo đúng kế hoạch và sẽ đạt được các mục tiêu đề ra về tiến độ cũng như chất liệu công trình.
"Chúng tôi nỗ lực hết sức để hoàn thành các trách nhiệm liên quan của mình theo tiến trình dự án và đã đạt được những cột mốc quan trọng như hoàn thành phê duyệt nghiên cứu khả thi về tiềm năng kinh tế, yếu tố kỹ thuật cũng như nghiên cứu tác động môi trường của dự án", - Chủ tịch PTL nêu rõ.
Sau khi được xây dựng, kiểm tra an toàn kỹ thuật và đưa vào vận hành sử dụng, tuyến đường sắt Lào-Việt được kỳ vọng góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, tiêu chuẩn, đồng thời, giảm chi phí vận tải nhằm nâng cao sự phát triển kinh tế-xã hội của Lào.
Đây dự kiến cũng sẽ là nguồn thu đáng tin cậy cho ngân sách Chính phủ Lào trong dài hạn.
Bên cạnh đó, các bên cũng kỳ vọng, tuyến đường sắt Việt – Lào cũng sẽ tăng cường khả năng kết nối của Lào với tư cách là một trung tâm vận tải và thương mại trong và ngoài Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Quan trọng nhất, tuyến đường sắt sẽ mang lại lợi ích to lớn cho người dân Lào và đất nước sẽ ngày càng thịnh vượng một cách bền vững.
Liên danh Đèo Cả đề xuất thay cho FLC làm đường sắt với Lào
Đánh giá về đối tác Hàn Quốc, ông Chanthone nhấn mạnh: "Tập đoàn Kỹ thuật Yooshin và Đường sắt Quốc gia Hàn Quốc đã chứng tỏ năng lực cao và kinh nghiệm dày dặn trên trường quốc tế về chuyên môn vượt trội trong kỹ thuật, thiết kế, xây dựng, công nghệ và quản lý các dự án đường sắt trên toàn cầu, với hiệu quả cao đã được khẳng định trong hơn 10 năm qua".
Như Sputnik đã thông tin, tuyến đường sắt Việt – Lào dự kiến sẽ có tổng chiều dài trên 500km, trong đó đoạn từ thủ đô Vientiane đến huyện Thakhek thuộc tỉnh Khammouane dự kiến sẽ dài khoảng 312,81km.
Trong khi đó, đoạn từ Thakhek đến biên giới Việt Nam dài khoảng 139,18km, trong khi đoạn chạy ở Việt Nam dự kiến sẽ dài khoảng 119km.
Riêng đoạn qua Việt Nam, dự kiến có lộ trình nối từ Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) - Mụ Giạ (Quảng Bình) và vượt biên giới đi vào lãnh thổ Lào, đoạn phía Việt Nam có 8 nhà ga (1 ga chính, 7 ga trung gian) với tổng mức đầu tư khoảng 27.485 tỷ đồng.
Đường sắt Lào-Việt là một phần của Dự án Liên kết logistics Lào, gồm một số tiểu dự án như Cảng cạn Thanaleng và Khu hậu cần Vientiane, Đường sắt Lào-Việt, Cảng biển Vũng Áng và Nhà máy Nhiệt điện than Boualapha.
Mục đích tổng thể của dự án không chỉ là tăng cường gắn kết về kinh tế, giao thương, đầu tư giữa Hà Nội với Vientianes mà còn hỗ trợ tầm nhìn của Chính phủ Lào và chiến lược phát triển của đất nước nhằm biến Lào từ một quốc gia nội lục không có biển thành một đất nước gắn kết khu vực.
Chủ tịch công ty TNHH Thương mại Dầu khí Lào Chanthone Sitthixay và Chủ tịch Tập đoàn Kỹ thuật Yooshin, ông Chon Kyung-soon cùng với Giám đốc điều hành Đường sắt Quốc gia Hàn Quốc Park Jin-Hyun ký thỏa thuận hợp tác về dự án đường sắt
© Ảnh : Official social page of Petroluem Trading Laos
Sau đi vào vận hành, tuyến đường sắt sẽ kết nối trực tiếp thị trường hàng hóa của Lào, Thái Lan, Myanmar với cảng Vũng Áng của Việt Nam. Đây là cửa ngõ giao thông kết nối miền Trung Việt Nam, miền Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan. Vì thế, tuyến đường sắt sẽ thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam với các nước láng giềng, tăng cường kết nối khu vực và quốc tế.
Theo ước tính ban đầu, dự án đường sắt Lào-Việt Nam là tuyến đường sắt tốc độ cao có tổng giá trị đầu tư ước tính hơn 5,5 tỷ USD.
Trước đó, tập đoàn FLC đã ký biên bản ghi nhớ với phía Lào về việc triển khai xây dựng tuyến đường sắt, đoạn từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình), một phần của tuyến đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng, tuy nhiên, do cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết vướng vòng lao lý nên liên danh Đèo Cả và Petro Trade đã đề nghị Bộ GTVT xem xét chấp thuận cho làm nhà đầu tư đề xuất Dự án tuyến đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ theo phương thức PPP.