Ông đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp chữa trị, nghiên cứu và giảng dạy ngoại khoa. Sự ra đi của ông đã để lại cho các thế hệ học trò sự hụt hẫng, tiếc thương người thầy thuốc một đời hết lòng vì học trò, ân cần với người bệnh.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Bình Dân, Giáo sư, bác sĩ Văn Tần một trong những "bàn tay vàng" trong ngành ngoại khoa Việt Nam, ông đã trực tiếp tham gia hơn 30.000 ca mổ khó, phức tạp. Một trong những ca mổ phức tạp nhất mà Giáo sư, bác sĩ Văn Tần từng là phẫu thuật viên chính cùng Giáo sư Trần Đông A, Giáo sư Trần Thành Trai trong ca mổ "huyền thoại" vào năm 1988 tách rời Nguyễn Việt và Nguyễn Đức, cặp song sinh dính nhau phần xương chậu
Ca mổ "huyền thoại" trở thành mốc son trong lịch sử y học Việt Nam, không chỉ cứu sống được bệnh nhân mà còn thay đổi cách nhìn của thế giới về y học Việt Nam.
Giáo sư Văn Tần sinh năm 1932 tại Quảng Trị. Ông nguyên là Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân. Giáo sư Văn Tần từng giữ các trọng trách như: Phó Chủ tịch Hội ngoại Tim mạch, Lồng ngực Việt Nam; Chủ tịch Phân hội Nội soi Lồng ngực Việt Nam; thành viên ban chấp hành các hội ngoại khoa, ung thư, khoa học tiêu hóa, gan mật Việt Nam và một số hội quốc tế.
Giáo sư Văn Tần có hơn 100 công trình nghiên cứu khoa học, 450 báo cáo khoa học trong nước và quốc tế, chủ biên 13 quyển sách chuyên ngành và hướng dẫn khoa học cho nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2.
Ông được Nhà nước, Bộ Y tế vinh danh Thầy thuốc ưu tú (năm 1997), Thầy thuốc nhân dân (năm 2005), Anh hùng lao động (năm 2006) cùng hàng loạt các giải thưởng, thành tựu khác.
"Những kiến thức, kinh nghiệm và phong cách làm việc của Giáo sư Văn Tần để lại sẽ là di sản quý giá, ươm mầm cho các thế hệ y bác sĩ tiếp bước", lãnh đạo Sở Y tế TPHCM chia sẻ.