"Mượn" rừng làm hồ thuỷ lợi: Việc xây dựng hồ Ka Pét là rất cần thiết

HÀ NỘI (Sputnik) - Sáng 6/9, ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cùng chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận đã có buổi kiểm tra thực tế tại khu vực làm hồ Ka Pét.
Sputnik
Được biết, sáng nay Đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có buổi làm việc, kiểm tra thực tế tại rừng Mỹ Thạnh. Tuy nhiên do kế hoạch thay đổi, Đoàn làm việc của Bộ không đi thực tế tại đây.
Theo ông Sơn, vị trí làm dự án phần lớn là rừng hỗn giao, trước đây đã từng khai thác. Đến năm 2002, khi Chính phủ thực hiện chủ trương đóng cửa thì nơi đây được canh giữ nghiêm ngặt. Từ khu dân cư hiện hữu của xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam đi sâu vào khoảng vài cây số sẽ đến vùng lõi dự án.
Rừng còn nhiều nhất vị trí hai bên sông Bà Bích, nơi dự kiến sẽ làm đập ngăn để tích trữ nước. Tại đây có nhiều loại cây căm xe, bằng lăng. Nhưng phần lớn vẫn là tre nứa, dây leo và cây gỗ tạp.
Bình Thuận phá 600 ha rừng làm hồ thuỷ lợi: Bộ NN&PTNT trực tiếp kiểm tra
Ông Sơn cũng cho biết thêm, trước đây Đoàn đại biểu Quốc hội, sở ngành và các nhà khoa học đã từng đến đây thị sát để kiểm tra pháp lý dự án. Đồng thời, quy hoạch làm hồ chứa nước tại đây đã có từ năm 1995. Do gặp nhiều khó khăn nên đến năm 2019, Quốc hội mới thông qua chủ trương dự án.
Theo tỉnh Bình Thuận, trong số hơn 600ha diện tích của dự án thì có khoảng 132ha là rừng đặc dụng. Còn lại là rừng hỗn giao, rừng sản xuất và đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng.
Ông Sơn thừa nhận trong hàng trăm ha đất rừng thì sẽ có nhiều cá thể vượt trội nhưng số lượng không đáng kể, chủ yếu là cây bằng lăng. Đặc tính của cây bằng lăng khi lớn sẽ bọng ở giữa nên thân to. Phần lớn còn lại vẫn là hỗn giao, trong đó có nhiều cây đường kính khoảng 35cm.
Liên quan cổ thụ căm xe và cây lim già cỗi được chia sẻ mạnh trên mạng xã hội, ông Sơn khẳng định nằm ngoài ranh dự án và vẫn tồn tại trong rừng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm, trong hơn 600ha rừng phải khai thác chỉ có 137ha rừng đặc dụng, 0,51ha rừng phòng hộ còn lại hơn 440ha rừng sản xuất.
"Hiện chi cục kiểm lâm rà soát cụ thể số lượng cây lớn, cây cổ thụ, các loại cây gỗ quý loại 1, loại 2 nằm trong diện tích dự án buộc phải khai thác. Chiều 7/9, tại buổi họp báo chúng tôi sẽ thông tin cụ thể vấn đề này", ông Sơn chia sẻ.
Cũng trong sáng nay, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy cho biết để trình hồ sơ dự án này, Chính phủ đã chuẩn bị rất kỹ càng trước khi trình, trong đó đảm bảo tính chính xác của số liệu, đầy đủ thành phần hồ sơ, các bước thẩm tra.
"Chính phủ đã làm rất kỹ các bước này và có hội đồng thẩm định chặt chẽ. Với địa phương cũng đã thuê các đơn vị nghiên cứu có chuyên môn để khảo sát, đánh giá và việc thống kê rừng cũng phải theo các phương pháp, quy chuẩn, tiêu chuẩn. Chúng tôi không nói tính chính xác đến đâu bởi không phải là người kiểm chứng hay không chịu trách nhiệm về các số liệu đó. Tuy nhiên, về phương pháp Chính phủ thực hiện thấy đảm bảo các yêu cầu của luật định và chúng tôi thẩm tra trên đó", bà Thủy nói.
10ha đất lúa, 20ha đất rừng mà phải trình đến Thủ tướng thì mất cơ hội của người dân
Bà Thủy cho biết thêm, suốt quá trình phê duyệt dự án từ năm 2019 đến trước khi báo chí phản ánh vừa qua không nhận được bất cứ ý kiến nào của cử tri hay dư luận liên quan đến diện tích đất rừng của dự án nên cảm thấy "hơi bất ngờ".
Về sự cần thiết xây dựng hồ chứa nước Ka Pét, bà Thủy cho hay đây là vùng khô hạn nhất nhì của cả nước. Mùa mưa nước ồ ạt nhưng chảy thẳng xuống biển, không có chỗ chứa lại. Mùa khô thì thiếu nước và một năm chỉ sản xuất được vài tháng.
Thêm đó, nếu dùng các giải pháp khác ở đây sẽ rất khó do nguồn nước ngầm không có.
"Như vậy, việc xây dựng hồ chứa nước Ka Pét là rất cần thiết, quan trọng. Ngoài việc giữ được nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, còn điều tiết nước, cắt giảm lũ cho hạ du. Bên cạnh đó còn phục vụ cho sản xuất công nghiệp khi gần đó có khu công nghiệp. Khi có nước mới giúp phát triển công nghiệp, từ đó giúp phát triển kinh tế - xã hội...", bà Thủy cho biết.
Thảo luận