Bình Thuận "không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế đơn thuần"

HÀ NỘI (Sputnik) - Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An đã có báo cáo gửi Ban Tuyên giáo T.Ư về nội dung có liên quan đến dự án hồ thủy lợi Ka Pét sắp được triển khai ở H.Hàm Thuận Nam.
Sputnik
Theo báo cáo, ngày 4/9, xuất hiện bài viết trên một tờ báo điện tử có nội dung việc xây dựng hồ thủy lợi Ka Pét sẽ phá hủy mất hơn 600 ha rừng, trong đó có cả rừng đặc dụng. Sau khi bài báo này đăng tải, đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí xuyên tạc về vụ việc trên các trang mạng xã hội.
Liên quan đến việc này, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận khẳng định, địa phương này là tỉnh có lượng mưa thấp nhất cả nước. Do thiếu nước nên nhiều vùng đất khô hạn, sản xuất nông nghiệp của người dân gặp khó khăn.
Dung lượng tại tất cả các hồ đập của Bình Thuận hiện nay là khoảng 362 triệu m3. Dự báo đến năm 2030, nhu cầu lên đến gần 1,2 tỉ m3/năm. Trong khi đó, các hồ lớn chủ yếu ở phía bắc và phía nam của tỉnh, và H.Hàm Thuận Nam chỉ có các hồ đập nhỏ. Do vậy, dự án hồ thủy lợi Ka Pét được người dân mong đợi từ nhiều năm qua để cứu khát cho vùng đất này.
"Mượn" rừng làm hồ thuỷ lợi: Việc xây dựng hồ Ka Pét là rất cần thiết
Tỉnh ủy Bình Thuận cũng khẳng định, dự án hồ thủy lợi Ka Pét được thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định pháp luật. Hiện nay, UBND tỉnh Bình Thuận đang hoàn chỉnh hồ sơ, đề cương, nhiệm vụ khảo sát, lập dự án xây dựng công trình; đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án.
Đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường, Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết hiện UBND tỉnh đang hoàn thiện để trình Bộ Tài nguyên-Môi trường xem xét, thẩm định và phê duyệt.
Bí thư Dương Văn An cũng khẳng định dù dự án hồ thủy lợi Ka Pét là dự án trọng điểm, tuy nhiên, tỉnh xác định "không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế đơn thuần" mà luôn coi sự phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường xanh, sạch và bền vững.
Đối với dự án hồ thủy lợi Ka Pét, ông An cho biết dự án khi hoàn thành sẽ ngập mất 137,95 ha rừng đặc dụng. Về việc này tỉnh đã cân nhắc nhiều lần, nhưng không còn cách nào khác.
Để khắc phục vấn đề này, UBND tỉnh Bình Thuận đang xây dựng phương án trồng rừng thay thế diện tích rừng sẽ mất do ngập khi hồ Ka Pét tích nước (dự kiến cuối năm 2025).
Bình Thuận phá 600 ha rừng làm hồ thuỷ lợi: Bộ NN&PTNT trực tiếp kiểm tra
14h hôm nay, ngày 7/9, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo thông tin về chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Buổi họp báo sẽ do ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận và ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đồng chủ trì.
Buổi họp báo còn có đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Bình Thuận, Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông cùng nhiều sở ban, ngành liên quan.
Ngoài ra còn có lãnh đạo xã Mỹ Thạnh, Hàm Cần, các ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng - Ka Pét, Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông liên quan đến diện tích rừng dự kiến khai thác để thực hiện dự án.
Thảo luận