Trước đó, CNN đưa tin Musk đã ra lệnh hạn chế hoạt động của mạng Internet vệ tinh Starlink gần Crưm, qua đó ngăn chặn cuộc tấn công của Ukraina nhằm vào Hải quân Nga, theo cuốn tiểu sử của ông do Walter Isaacson viết xuất bản ngày 12/9. Musk sau đó đã phủ nhận tin này, nói rằng hệ thống nói trên lúc đó thực sự không được kích hoạt mà được yêu cầu bật lên.
"Lý do (Starlink) bị cắt ban đầu thực ra là do Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga. Các lệnh trừng phạt bao gồm Crưm và chúng tôi không được phép khởi động kết nối", - ông Musk nói trong bài phát biểu trực tuyến tại một hội nghị về phát triển công nghệ.
Ông nói thêm rằng để Starlink hoạt động tại khu vực Crưm ông phải xin phép chính phủ Hoa Kỳ, giấy phép mà công ty không có vào thời điểm Ukraina yêu cầu.
“Chúng tôi nhận được các cuộc gọi khẩn cấp từ chính phủ Ukraina yêu cầu bật liên lạc…”, - ông nói rõ.
Đồng thời, doanh nhân này thừa nhận sẵn sàng bật Starlink ở khu vực Crưm nếu nhận được “chỉ thị” từ Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Musk cũng so sánh cuộc tấn công có thể xảy ra của LLVT Ukraina vào Hải quân Nga ở Crưm với cuộc tấn công Nhật Bản ở Trân Châu Cảng, chỉ ra rằng đó là một “chiến thắng chiến thuật” dẫn đến “thất bại chiến lược” của Tokyo trong Thế chiến thứ hai.
Trước đó, doanh nhân này lưu ý rằng SpaceX không hứa hẹn sẽ phủ sóng Crưm và nói thêm rằng họ muốn “giúp đỡ mọi người chứ không phải giết họ”. Ông cũng tuyên bố sẽ không cho phép sử dụng mạng liên lạc vệ tinh Starlink để việc leo thang xung đột có thể dẫn đến Thế chiến thứ ba. Musk trước đây viết rằng các điều khoản sử dụng dịch vụ Starlink cấm sử dụng dịch vụ này cho các hoạt động quân sự mang tính tấn công; người Ukraina, phía đã yêu cầu bật dịch vụ này để thực hiện cuộc tấn công chống lại Liên bang Nga, đã phản đối quy định cấm này.