Những điều báo chí tránh nói về chuyến thăm Việt Nam của Joe Biden

“Phía Việt Nam đề nghị thêm cụm bổ ngữ “vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững” để làm rõ mục đích của mối quan hệ này. Ban đầu, phía Mỹ không đồng ý vì cho rằng… nó dài quá”.
Sputnik
Chuyến thăm Việt Nam 2 ngày của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kết thúc. Hai bên đã công bố bản tuyên bố chung, trong đó có đoạn viết: “Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh một giai đoạn lịch sử mới của tình hữu nghị và hợp tác song phương với việc nâng cấp quan hệ hai nước lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững”.
Cuộc phỏng vấn chuyên gia sau đây của Sputnik sẽ đề cập đến những điều truyền thông Việt Nam và các nước khác đã đã im lặng hoặc tránh bình luận, ví dụ như vì sao không phải Chủ tịch nước mời Tổng thống Mỹ mà Tổng bí thư BCH TW Đảng cộng sản Việt Nam, hay vì sao tuyên bố chung lại có thêm cụm từ “vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững”. Khách mời của Sputnik hôm nay là chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam, nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long.

Mục đích của Việt Nam là buộc phía Mỹ phải tái thừa nhận chế độ chính trị hiện hành

Sputnik: Thưa nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long, nói đến chuyến thăm Việt Nam vừa kết thúc của Tổng thống Joe Biden, nhiều người đã đặt câu hỏi và thắc mắc: Vì sao “theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng” mà không phải là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng…
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long:
Mục đích của Việt Nam là buộc phía Mỹ phải tái thừa nhận chế độ chính trị hiện hành ở Việt Namvà thừa nhận bằng hành động thực tế chứ không chỉ là thỏa thuận trên giấy như lần thăm Việt Nam của ông Barack Obama. Qua đó, thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu. Đây là việc chưa hề có tiền lệ nhưng hoàn toàn hợp tình, hợp lý, phù hợp với tinh thần quan hệ bình đẳng, công bằng giữa hai nước.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.

Việt Nam khẳng định Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam là người có quyền lực cao nhất

Sputnik: Như vậy là Việt Nam muốn khẳng định là ở Việt Nam Đảng Cộng sản lãnh đạo và Tổng bí thư là người có quyền lực tối cao nhất?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long:
Theo suy nghĩ thông thường của nhiều người thì Chủ tịch nước có quyền lực tối cao về hình thức pháp lý, còn Tổng bí thư là người có quyền lực cao nhất trên thực tế. Đối với Trung Quốc và một số nước xã hội chủ nghĩa khác, mô hình quyền lực này cũng được hiểu như vậy.
Tuy nhiên, nếu xét kỹ thì theo Hiến pháp Việt Nam từ Hiến pháp 1946 đến Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1991 và Hiến pháp 2013 đều khẳng định rằng trên lãnh thổ Việt Nam, mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Các nguyên thủ quốc gia đều được nhân dân thông qua bầu cử phổ thông đầu phiếu để ủy quyền làm người đại diện cho quyền lực đó. Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo dân tộc Việt Nam đã được quy định tại Điều 4 của Hiến pháp Việt Nam 2013 và các hiến pháp Việt Nam trước đó.
Vì vậy, nếu nói Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam là người có quyền lực cao nhất thì cần được hiểu rằng đó là quyền lực được toàn Đảng, toàn dân ủy nhiệm chứ không phải là quyền lực tự thân. Còn nếu phía Mỹ chấp nhận “ngồi bằng vai” với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tại Trụ sở Trung ương Đảng thì có nghĩa là thừa nhận sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là mục tiêu mà Việt Nam đạt được.
Sputnik: Tiếp theo là lễ đón chính thức, rồi đàm phán đều do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì…
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long:
Mọi vấn đề từ đón tiếp đến hội đàm, đến họp báo chung và công bố tuyên bố chung đều do Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trì theo đúng thông lệ quốc tế rằng: Ai mời thì người đó chủ trì tất cả các hoạt động quan hệ với đối tác. Từ lễ đón cho đến hội đàm đến họp báo chung và ra tuyên bố chung. Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng cũng tiếp kiến Tổng thống Joe Biden nhưng chỉ chủ trì tiệc ngoại giao chiêu đãi đoàn Mỹ.
Biden ở Hà Nội - cựu thù không thể thay thế bạn cũ
Sputnik: Những ai có biết dù chỉ chút ít về nghi thức ngoại giao đều nhận thấy rằng Lễ đón đã được rút gọn. Phía Việt Nam có hàm ý gì không, thưa ông?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long:
Đúng vậy, Lễ đón đã được rút gọn. Do sức khỏe hạn chế của cả Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden đều ở tuổi trên dưới 80 nên hạng mục duyệt đội danh dự bị cắt bỏ nhằm tránh những “tai nạn” không đáng có. Do thính lực của Tổng thống Mỹ suy giảm nên bàn hội đàm được bố trí hẹp hơn, hai bên gần nhau hơn để dễ nghe chứ không có hàm ý gì khác.
Con đường phức tạp tới việc đạt được thỏa thuận chung. Phía Việt Nam yêu cầu người Mỹ phải đến Hà Nội để ký kết vì Mỹ có nhu cầu bức thiết hơn.
Sputnik: Chắc con đường đi đến thỏa thuận về văn kiện nâng cấp quan hệ đã rất phức tạp và không hề đơn giản? Ngay cả việc đạt được thỏa thuận là Lãnh đạo Hoa Kỳ sang Việt Nam để ký kết. Tôi đã khá ngạc nhiên khi thấy cụm từ “vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững” trong tên của Tuyên bố chung Việt-Mỹ, làm sao người Mỹ có thể đồng ý với cái tên gọi như vậy?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long:
Việc Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam để thỏa thuận nâng cấp quan hệ Mỹ - Việt Nam không phải là ý muốn nhất thời nảy sinh mà là ý tưởng đã có từ khi hai nước thiết đặt quan hệ “Đối tác toàn diện” cách đây 10 năm. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị văn kiện của thỏa thuận, hai bên còn khá nhiều điểm chưa tương đồng, thậm chí là mâu thuẫn nhau. Ban đầu phía Mỹ đặt ra khá nhiều điều kiện như văn kiện phải được công bố tại Washington trong một chuyến đi thăm của lãnh đạo Nhà nước Việt Nam; hoặc nhiều điểm thỏa thuận có hàm ý rằng Việt Nam là đồng minh trong một số vấn đề quốc tế nhạy cảm; hoặc chi tiết hóa quá mức các vấn đề hợp tác về quốc phòng và an ninh có liên quan đến bên thứ ba v.v…
Những đề xuất kiểu đó của phía Mỹ đều bị phía Việt Nam yêu cầu sửa đổi theo hướng trung lập hóa, chỉ chủ yếu đề cập đến quan hệ song phương; còn đối với các vấn đề quốc tế thì chỉ đề cập đến quan hệ đối với các tổ chức mà hai bên cùng là thành viên hoặc cùng tham gia ở mức độ khác nhau mà không đề cập đến một quốc gia cụ thể nào hoặc một tổ chức nào mà chỉ có một trong hai bên tham gia.
Khác với Hiệp định Parisdo phía Việt Nam đề xuất, thỏa thuận “Đối tác chiến lược toàn diện Việt – Mỹ” do các chuyên viên cấp cao của hai bên cùng làm việc và soạn thảo. Phía Việt Nam yêu cầu người Mỹ phải đến Hà Nội để ký kết vì thực chất là Mỹ có nhu cầu bức thiết hơn đối với việc nâng cấp quan hệ và là bên chủ động khi đặt vấn đề nâng cấp quan hệ Mỹ - Việt. Sau một thời gian trao đi đổi lại, phía Mỹ đồng ý.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chứng kiến lễ trao kỷ vật, nhật ký chiến tranh.
Phía Việt Nam đề nghị thêm cụm bổ ngữ “vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững” để làm rõ mục đích của mối quan hệ này. Ban đầu, phía Mỹ không đồng ý vì cho rằng… nó dài quá. Tuy nhiên, trước lập luận của Việt Nam, cuối cùng, phía Mỹ đã chấp nhận.
Vấn đề gay cấn nhất là người đại diện cao nhất của phía Việt Nam khi ra tuyên bố chung. Phía Mỹ cho rằng người đó phải là Chủ tịch nước Việt Nam để tương xứng với vị trí đứng đầu quốc gia của Tổng thống Mỹ, Phía Việt Nam cho rằng ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đất nước nên Tổng bí thư Đảng được coi là người lãnh đạo cao nhất. Ban đầu, phía Mỹ không cấp nhận. Phía Việt Nam dẫn chứng rằng, phía Mỹ đã từng đón tiếp Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm hữu nghị cấp Nhà nước tới Mỹ bằng nghi thức đón tiếp dành cho nguyên thủ quốc gia. Thậm chí, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng có một cuộc nói chuyện “marathon” với tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama ngay tại Phòng Bầu dục. Phía Việt Nam coi đây là một tiền lệ cần tôn trọng. Nếu không, giá trị của Tuyên bố chung về việc xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước sẽ bị hạ thấp. Phía Mỹ chấp nhận yêu cầu này và chấp nhận luôn cả việc cuộc hội đàm chính thức sẽ diễn ra tại Trụ sở Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (Số 1, đường Hùng Vương) chứ không phải tại Phủ Chủ tịch.

Phản ứng đầu tiên từ Đối tác chiến lược toàn diện đầu tiên của Việt Nam

Sputnik: Các đối tác chiến lược toàn diện khác của Việt Nam là đối thủ của Hoa Kỳ đã có phản ứng gì về sự kiện này chưa, thưa ông?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long:
Phía Trung Quốc đã có những phản ứng đầu tiên. Cuộc Giao lưu biên giới hòa bình hữu nghị Việt – Trung lần thứ 9 lẽ ra được tổ chức từ ngày 7 đến ngày 8/9/2023 do Đại tướng PhanVăn Giang, Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam và Thượng tướng Lý Thượng Phúc, Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc đồng chủ trì đã bị hoãn lại. Trung Quốc nêu lý do là vì Thượng tướng Lý Thượng Phúc bị ốm. Chưa rõ từ giờ đến cuối năm, sự kiện này có được tổ chức hay không.
Nhưng dù sao chăng nữa thì chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ và việc nâng cấp quan hệ hai nước Việt – Mỹ lên đối tác chiến lược với 11 cụm vấn đề có nội dung không khác nhiều với thỏa thuận thiết lập quan hệ “Đối tác toàn diện” cách đây 10 năm đã đem lại cho Việt nam một số lợi ích căn bản, đặc biệt là hạn chế tối đa sự chống phá của các thế lực phản động, thù địch cũng như tăng cường quan hệ kinh tế khi Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Về chính trị và ngoại giao, vị thế của Việt nam cũng được nâng cao. Việt Nam sẽ có được vị thế tốt hơn khi giải quyết vấn đề ở Biển Đông, không chỉ liên quan tới 5 nước 6 bên mà còn liên quan đến lợi ích của nhiều cường quốc khác, trong đó có Mỹ và đối tác chiến lược toàn diện cũng như các đối tác chiến lược của Việt Nam.
Sputnik: Cảm ơn ông vì những thông tin thú vị.
Thảo luận