Việt Nam có thêm Di sản Thiên nhiên thế giới

UNESCO chính thức công nhận Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới. Đây là Di sản thế giới liên tỉnh, thành phố đầu tiên ở Việt Nam.
Sputnik
Trước đó, Vịnh Hạ Long đã 2 lần được vinh danh là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào năm 1994 và năm 2000.

UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản thế giới

Tối ngày 16/9 theo giờ Việt Nam, tại Thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã chính thức công nhận Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới.
Theo đó, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là nơi có các khu vực với vẻ đẹp thiên nhiên bao gồm đảo đá vôi có thảm thực vật che phủ; đỉnh nhọn núi đá vôi nhô lên trên mặt biển cùng với đặc điểm karst liên quan như các mái vòm, hang động. Cảnh trí ngoạn mục không bị tác động của các đảo có thảm thực vật che phủ, hồ nước mặn, đỉnh nhọn núi đá vôi với những vách dựng đứng nhô lên trên biển.
Quần thể này có 1.133 hòn đảo đá vôi muôn hình, muôn vẻ (trong đó 775 đảo đá vôi thuộc Vịnh Hạ Long và 358 đảo đá vôi thuộc Quần đảo Cá Bà), được bao phủ bởi thảm thực vật phong phú.
Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà còn được ghi nhận là nơi có mức độ đa dạng cao ở châu Á với 7 hệ sinh thái biển - đảo, nhiệt đới, cận nhiệt đới liền kề, kế tiếp nhau phát triển.
Multimedia
Di sản thế giới được UNESCO công nhận qua con mắt của phóng viên Sputnik
Cùng với đó, quần thể này còn sở hữu hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh; hệ sinh thái hang động; hệ sinh thái rừng ngập mặn; hệ sinh thái bãi triều; hệ sinh thái rạn san hô; hệ sinh thái đáy mềm; hệ sinh thái hồ nước mặn. Các hệ sinh thái nói trên đại diện cho các quá trình sinh thái và sinh học vẫn đang tiến hóa và phát triển, thể hiện qua sự đa dạng của các quần xã động thực vật.
Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà sở hữu khu rừng trên biển lớn nhất Việt Nam với diện tích hơn 17.000ha cùng các hệ sinh thái đa dạng, là điểm cư ngụ của 4.910 loài động thực vật trên cạn và dưới biển, trong đó có tới 198 loài thuộc Danh mục Đỏ của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN), 51 loài đặc hữu.
Diện tích rừng nguyên sinh khoảng 1.045,2 ha trên đảo Cát Bà, biến nơi đây trở thành một trong những nhân tố quan trọng làm nên giá trị sinh thái và đa dạng sinh học của di sản. Đặc biệt, loài voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus) là loài quý hiếm trong Sách Đỏ thế giới, thuộc danh sách các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất. Hiện chỉ còn 60-70 cá thể phân bố duy nhất ở Cát Bà, không còn ở nơi nào khác trên thế giới.

Vịnh Hạ Long 2 lần được vinh danh

Vịnh Hạ Long đã từng 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào năm 1994 và năm 2000 theo tiêu chí (vii) và tiêu chí (viii). Năm 2013, hồ sơ đề cử Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí đa dạng sinh học và hệ sinh thái (tiêu chí ix và x) được gửi tới Trung tâm Di sản Thế giới.
Qua thẩm định, Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) ra dự thảo Quyết định số WHC-14/38.COM/INF.8B để Ủy ban Di sản Thế giới thông qua tại Kỳ họp lần thứ 38 ở Qatar năm 2014, khuyến nghị: "Quốc gia thành viên xem xét khả năng đề xuất nối dài với Vịnh Hạ Long, theo các tiêu chí (vii) và (viii) và có thể là tiêu chí (x), để gộp cả Quần đảo Cát Bà".
Từ đó, việc triển khai các hoạt động bảo tồn, nghiên cứu lập hồ sơ đề cử di sản thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà liên tục được đẩy mạnh.
Tháng 9/2016, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép TP. Hải Phòng chủ trì, phối hợp với tỉnh Quảng Ninh xây dựng hồ sơ mở rộng Vịnh Hạ Long sang Quần đảo Cát Bà để trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt gửi UNESCO với sự hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo khuyến nghị của các cơ quan quốc tế.
Địa đạo Củ Chi của Việt Nam sẽ thành Di sản Thế giới?
Tại Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới diễn ra tại Thủ đô Riyadh lần này, bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Ủy viên thường trực Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, đã dẫn đầu đoàn Việt Nam làm việc với các cơ quan chuyên môn của UNESCO, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới, Tổng Giám đốc ICOMOS, Giám đốc Chương trình Di sản Thế giới (IUCN), Trưởng Bộ phận hồ sơ đề cử của Trung tâm Di sản Thế giới, 21 quốc gia thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới.
Cùng dự còn có Đại sứ Lê Thị Hồng Vân - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO tại Pháp, đại diện Ban Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao; đại diện lãnh đạo thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.
Đoàn Việt Nam đã cung cấp các thông tin, giải trình, làm rõ, bày tỏ quan điểm, cam kết về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản sau khi được ghi vào danh mục Di sản Thế giới.
Tại các phiên làm việc, nhiều chuyên gia, nhà khoa học quốc tế và quốc gia thành viên Ủy ban Di sản Thế giới đã đánh giá cao giá trị di sản, ủng hộ Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà trở thành Di sản Thiên nhiên Thế giới, đồng thời mong muốn được đến tham quan di sản trong thời gian tới.
Thảo luận