Trước đó, tại Hội chợ Trung Quốc - ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh thương mại và đầu tư Trung Quốc – ASEAN vừa qua, Việt Nam đã ký kết ký bản ghi nhớ với tỉnh Quảng Tây về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh và nhà máy chế biến tại biên giới hai nước.
Trung Quốc áp Lệnh 259 lên một số mặt hàng
Mới đây, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam - Trung Quốc, đồng thời đề xuất các giải pháp để thúc đẩy ổn định, tăng trưởng thương mại.
Dự báo về triển vọng các tháng cuối năm, Bộ Công Thương cho biết xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có thể trở lại mức tăng trưởng 8%, nếu kinh tế nước này ổn định.
Trong khi đó, tốc độ suy giảm nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ giảm dần, khi nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từng bước được khôi phục.
Với hàng dệt may, Bộ Công Thương cho rằng, nhu cầu thị trường có thể khôi phục vào cuối năm, nên kim ngạch có thể duy trì như năm 2022.
Tuy nhiên, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ xem xét áp dụng Lệnh 259 về giám định bên thứ ba đối với nhóm hàng dệt may trong thời gian tới, do đó cần lưu ý để đáp ứng quy định.
Theo đó, Lệnh 259 yêu cầu các đơn vị, tổ chức nước ngoài đang tham gia giám sát, cấp chứng nhận các tiêu chuẩn cho nông sản, hàng hóa của nước xuất khẩu phải có đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, để kết quả giám sát, chứng nhận này được sử dụng khi làm thủ tục thông quan.
Với các mặt hàng máy vi tính, điện thoại, linh kiện, nhu cầu của thị trường Trung Quốc được dự báo có thể hồi phục, xuất khẩu tăng trưởng khả quan.
Với clanhke (tức clinker) và xi măng, từ cuối năm 2022, nhu cầu xi măng tại thị trường Trung Quốc sụt giảm mạnh. Quan hệ cung cầu mất cân đối nghiêm trọng, giá xi măng và clanhke liên tục ở mức đáy, hàng nhập khẩu clanhke không còn xuất hiện ở Trung Quốc.
Ngoài ra, nước này cũng đã đưa sản phẩm xi măng vào danh mục hàng hóa áp dụng Lệnh 259. Do đó, hoạt động xuất khẩu xi măng sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn nhất định.
Với hàng thủy sản, cá da trơn chiếm tỷ trọng trên 25% lượng thủy sản sang Trung Quốc. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, Việt Nam vẫn sẽ là nguồn cung cá da trơn chủ yếu cho thị trường nước bạn.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang đa dạng hóa nguồn cung mặt hàng này, trong đó bao gồm cả các đối tác thuộc khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Điều này có thể gây áp lực với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, nhất là khi nước này ngày càng yêu cầu cao đối với sản phẩm nhập khẩu.
Mặt hàng tôm là sản phẩm chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu chủng loại thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc với 40%. Tuy nhiên, mặt hàng này cũng bị cạnh tranh từ các thị trường như Ecuador, Ấn Độ, Argentina.
Dự báo nửa cuối năm 2023, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Trung Quốc có thể phục hồi, nhưng tốc độ sẽ chậm do cạnh tranh về giá.
Kỳ vọng các mặt hàng nông sản
Với sắn và các sản phẩm sắn, Việt Nam và Thái Lan là hai thị trường cung cấp tinh bột sắn chủ yếu cho Trung Quốc. Tuy vậy, kim ngạch xuất khẩu đã giảm tới 51%.
Điều này có nguyên nhân do gia tăng chi phí nhập khẩu, nhu cầu suy giảm trong nước đối với một số ngành hàng sử dụng sắn và sản phẩm liên quan làm nguyên liệu như ngành sản xuất bún, miến, sản xuất giấy….
Trong bối cảnh giá nhập khẩu tiếp tục leo thang, nhu cầu tiêu thụ vẫn tiếp tục duy trì. Do đó, nửa cuối năm nay sẽ là mùa tiêu thụ cao điểm các ngành hàng thực phẩm, sản xuất giấy, được dự báo sẽ tác động tốt đến triển vọng xuất khẩu sắn của Việt Nam sang Trung Quốc.
Với mặt hàng rau quả, kim ngạch tăng tới 121,9%, chủ yếu là sầu riêng, dưa hấu, trái cây đông lạnh. Tuy nhiên xuất khẩu thanh long, xoài suy giảm do Trung Quốc tăng cung ứng nội địa.
Với cao su, do Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cao su số 1 của Việt Nam, nên có thể kỳ vọng thúc đẩy nhập khẩu cao su từ Việt Nam cũng như giá thành cao su trong 6 tháng cuối năm.
Xây nhà máy chế biến nông sản ở biên giới Việt – Trung
Trong báo cáo, Bộ Công Thương cho biết sẽ phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương để tận dụng cơ hội mở rộng hợp tác thương mại, giải quyết các vấn đề phát sinh trong thương mại song phương.
Đồng thời, đẩy mạnh khai thác mở rộng cơ hội hợp tác với các thị trường Trung Quốc theo chiến lược “tiếp cận vùng”.
Việt Nam cũng tiếp tục mở rộng hợp tác nông nghiệp với Trung Quốc. Trước đó, chiều 16/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã ký bản ghi nhớ với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh và nhà máy chế biến tại biên giới hai nước.
Việc ký kết được thực hiện trong khuôn khổ Hội chợ Trung Quốc - ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh thương mại và đầu tư Trung Quốc - ASEAN lần thứ 20 tại TP. Nam Ninh, Quảng Tây.
Hai bên cũng xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ xuất nhập khẩu. Vùng nguyên liệu này bao gồm cả chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản để thúc đẩy thương mại hai bên.
“Nông sản Việt Nam rất đặc sắc, được Trung Quốc đánh giá rất cao”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Việt Nam nói.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Tiến lưu ý, để phát triển bền vững thì phải rà soát công tác tổ chức sản xuất, trong đó có việc xây dựng vùng nguyên liệu đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn, xây dựng các cơ chế chế biến sâu, đóng gói.
“Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán các hiệp định, đặc biệt là 4 mặt hàng gồm dưa hấu từ xuất khẩu truyền thống sang chính ngạch, sầu riêng lạnh, ớt, dược liệu”, ông Phùng Đức Tiến thông tin.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 7,28 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Thặng dự thương mại đạt 5,28 tỷ USD, tăng 33,3%.