Sẽ lấy phiếu tín nhiệm Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam ngày 24/10

Quốc hội dự kiến sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Sputnik
Theo đó, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội vào ngày 24/10/2023 tại kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV.

Nêu thời điểm Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội

Chiều 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp phiên 26, cho ý kiến việc chuẩn bị kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV.
Báo cáo việc chuẩn bị kỳ họp, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sau khi tổng hợp ý kiến của Chính phủ, các cơ quan, tình hình thực tế hồ sơ, tài liệu, Kỳ họp thứ 6 dự kiến khai mạc vào ngày 23/10, bế mạc 29/11.
Kỳ họp sẽ kéo dài trong 25 ngày làm việc và chia làm 2 đợt họp tập trung. Đợt một kéo dài 20,5 ngày làm việc, từ 23/10 đến 16/11. Đợt 2 kéo dài 4,5 ngày, từ 24/11 đến sáng 29/11.
Đáng chú ý, tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội dự kiến sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Theo dự kiến chương trình kỳ họp, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành ngay cuối chiều ngày khai mạc kỳ họp (23/10).
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, theo đề nghị của Ban Công tác đại biểu, việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp này sẽ được tiến hành trong 3 phiên họp.
Cụ thể, trong chiều 23/10, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm do Ban Công tác đại biểu trình, sau đó tiến hành thảo luận tại các đoàn đại biểu về việc lấy phiếu tín nhiệm.
Sáng 24/10, sau khi nghe báo cáo kết quả thảo luận tại các đoàn, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công bố vào chiều 24/10. Sau đó, Quốc hội sẽ thông qua dự thảo Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Ngoài các nội dung theo thông lệ các kỳ họp cuối năm, tại Kỳ họp thứ sáu Quốc hội tới đây sẽ xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ: kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.
Việt Nam sẽ không lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo?
Hoạt động chất vấn cũng không như các kỳ họp khác mà sẽ chất vấn về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trong việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ tư.

5 trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm

Như đã biết, việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội được tiến hành theo Nghị quyết 96 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ năm.
Trước đó, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, những chức danh được bầu và phê chuẩn từ 1/1/2023 (trong năm lấy phiếu tín nhiệm) sẽ không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm.
Theo quy định hiện nay, Quốc hội bầu và phê chuẩn các chức danh Quốc hội (dự kiến được lấy phiếu tín nhiệm) gồm Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Phó chủ tịch Quốc hội; ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổng thư ký Quốc hội; chủ tịch Hội đồng Dân tộc; chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng; phó thủ tướng; bộ trưởng và các thành viên Chính phủ; Chánh án TAND tối cao; Viện trưởng VKSND tối cao và Tổng kiểm toán Nhà nước.
Tuy nhiên, tại lần lấy phiếu tín nhiệm này, Quốc hội sẽ không tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh.
Cả 5 vị trên được Quốc hội bầu, phê chuẩn bổ nhiệm trong năm 2023. Như vậy sẽ còn 44 người được lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ sáu tới đây.
Quy định tại Nghị quyết 96 cũng nêu, chậm nhất là 45 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ có văn bản yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm gửi báo cáo và bản kê khai tài sản, thu nhập đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm căn cứ lấy phiếu tín nhiệm.
Đến nay Quốc hội đã 3 lần lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Lần đầu tiên là năm 2013, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 47 người. Năm 2014, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 2 với 50 người.
Việt Nam lên danh sách dự kiến những người được lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội
Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh.
Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức. Trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
Thảo luận