Phát biểu tại buổi công bố, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết đây là giống lúa đầu tiên của tỉnh được công nhận lưu hành đặc cách.
Ông Thiều đề nghị từng bước quy hoạch vùng sản xuất an toàn, hữu cơ, nhất là xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu lúa gạo mang thương hiệu Bạc Liêu, trong đó chú trọng nhãn hiệu, thương hiệu gạo vùng sản xuất tôm - lúa Bạc Liêu, góp phần nâng cao giá trị lúa gạo và phát triển bền vững.
Trước đó, ngày 13/9, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa có quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống lúa BL9 của tỉnh Bạc Liêu.
Trước tình hình biến đổi khí hậu và để thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn, Trung tâm Giống nông nghiệp và thủy sản Bạc Liêu đã lai tạo ra giống lúa BL9 (trước đây gọi là BLR 413). Giống lúa BL9 được Trung tâm gởi phân tích phẩm chất gạo tại Viện Lúa ĐBSCL và kết quả đạt mùi thơm cấp 1, hàm lượng amylose 15,2%, hàm lượng protein 8,1%, gạo đục hạt lựu, cơm dẻo, thơm, ngọt, dễ nấu. Hiện giống lúa BL9 được trồng tại các huyện Hồng Dân, Phước Long, Hòa Bình và TX. Giá Rai với diện tích khoảng 150ha. Giống lúa BL9 có năng suất từ 5,5 - 6,5 tấn lúa khô/ha.
Giống lúa BL9 có các đặc tính như cây cứng không đổ ngã, ít sâu bệnh nên giảm chi phí phát sinh, nhẹ công chăm sóc, rất có triển vọng trong mô hình sản xuất gạo hữu cơ.
Năm 2023 Sở NN&PTNT đã cho mở rộng diện tích sản xuất giống lúa BL9 là 500ha, chủ yếu ở vụ thu đông và đông xuân.
Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có gần 59.000ha chuyên canh lúa 2, 3 vụ/năm và gần 48.000ha lúa - tôm, cho sản lượng hằng năm trên 1,2 triệu tấn, với giá trị sản xuất đạt gần 8.000 tỉ đồng mỗi năm.