Ngân hàng SCB bị kiểm soát đặc biệt ảnh hưởng thị trường tiền tệ, VND mất giá gần 2%
20:29, 19 Tháng Chín 2023
Vụ ngân hàng SCB bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt khiến thanh khoản thị trường tiền tệ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, theo Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng.
SputnikPhó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú lưu ý, điều hành lãi suất luôn là khó nhất trong điều hành kinh tế của lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ, không thể "quyết liệt hay nóng vội quá".
Vụ SCB khiến thanh khoản thị trường tiền tệ bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Sáng 19/9, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 chính thức khai mạc, như Sputnik thông tin trước đó.
Phát biểu sáng nay, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng bày tỏ, nền kinh tế Việt Nam từng bước phục hồi song đang đứng trước nhiều thách thức lớn, có mặt còn nghiêm trọng hơn so với năm trước, cuối năm khó khăn hơn so với đầu năm.
"Điều này đòi hỏi chúng ta cần có biện pháp ứng phó linh hoạt để lội ngược dòng thành công", - ông Thắng lưu ý.
Theo Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Việt Nam đã phải đối diện với nhiều "cơn gió ngược" liên tục đổi chiều và có hiệu ứng mạnh đến từ bên ngoài, kéo theo sức ép lớn về lạm phát, tỷ giá cùng với những rủi ro về thu hẹp thị trường, đứt gãy chuỗi cung ứng, đứt gãy lao động và biến động giá cả của các mặt hàng chiến lược.
Chuyên gia nhấn mạnh, việc giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn là tiền đề và là điều kiện quan trọng để nền kinh tế Việt Nam bảo vệ được những thành quả phát triển, tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực tăng trưởng bền vững.
Chỉ ra những vấn đề nội tại của nền kinh tế, ông Nguyễn Xuân Thắng bày tỏ, các vấn đề bất cập tích tụ qua nhiều năm của
thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán bộc lộ rõ hơn sau đại dịch COVID-19
"Thanh khoản thị trường tiền tệ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ngân hàng SCB phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt… đã ảnh hưởng trực tiếp và tác động đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, gây ra nguy cơ rủi ro hệ thống không nhỏ cho nền kinh tế vừa mới phục hồi mong manh", - vị Uỷ viên Bộ Chính trị chia sẻ.
Tuy nhiên, nhờ vận dụng linh hoạt, sáng tạo nguyên tắc "dĩ bất biến, ứng vạn biến", Việt Nam đã triển khai đồng bộ các chính sách vừa tập trung chống chịu, thích ứng với các sức ép đến từ bên ngoài, vừa tháo gỡ, xử lý những yếu kém, điểm nghẽn ở bên trong.
"Có tiền nhưng không tiêu được"
Để xác định kịch bản tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị làm rõ nhiều vấn đề.
Thứ nhất, đánh giá đầy đủ và chủ động khôi phục tiêu dùng trong nước. Một bộ phận người dân vẫn còn rất khó khăn, nhất là khi công nhân tiếp tục bị cắt giảm việc làm và người dân tại các vùng miền chịu tác động của tình hình thời tiết cực đoan, thiên tai, bão lũ phức tạp, có nguy cơ bị trắng tay.
"Thực tiễn cho thấy, cuối cùng là niềm tin chứ không phải các quy định hành chính mới quyết định khả năng kiểm soát rủi ro và ổn định thị trường trong những thời điểm nhạy cảm của hệ thống tài chính - ngân hàng", - ông Nguyễn Xuân Thắng nêu quan điểm.
Chính sách cần phù hợp, cụ thể, không chung chung hay chỉ như một lời khuyến cáo.
"Việc làm trong sạch thị trường cần đi đôi với tạo lập môi trường thuận lợi, công bằng để khuyến khích mọi chủ thể kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh", - ông Thắng gợi ý.
Vấn đề quan trọng thứ hai là khôi phục dòng vốn đầu tư. Trong nửa đầu năm 2023, quy mô vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế đều tăng, song vốn đầu tư công tăng mạnh nhất, còn vốn đầu tư của khu vực FDI và khu vực kinh tế ngoài nhà nước có mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Thắng, tình hình giải ngân vốn đầu tư công tuy được cải thiện ít nhiều nhưng còn rất chậm, thực trạng "có tiền nhưng không tiêu được" vẫn phổ biến đối với các dự án cả ở trung ương và địa phương, tạo ra những hệ luỵ dây chuyền, ảnh hưởng trực tiếp đến động lực đầu tư của khu vực tư nhân.
Chuyên gia thẳng thắn, chính sách tiền tệ có những giới hạn riêng, càng không được lạm dụng khi dư địa để điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều. Nhất là khi mặt bằng lãi suất không còn là cứu cánh cho doanh nghiệp đã không còn đủ sức khỏe và không có nhu cầu vay vốn đầu tư do không tìm được thị trường đầu ra cho sản xuất kinh doanh. Điều này đòi hỏi phải chuyển hướng tập trung ưu tiên chính sách tài khóa, kết hợp triển khai chính sách tiền tệ và tài khóa một cách đồng bộ, nhưng có trọng tâm, trọng điểm.
Vấn đề thứ ba là tháo gỡ những khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
"Trải qua gần ba năm cầm cự, chống chọi với đại dịch, nguồn lực của các doanh nghiệp đã bị suy kiệt, lại thêm những biến cố gần đây trên thị trường tiếp tục bào mòn niềm tin, tinh thần và ý chí sản xuất, kinh doanh", - chuyên gia thừa nhận.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, ở đây, có hai vấn đề được đặt ra - một mặt, cần thống nhất cách hiểu và quy trình để hạn chế sự tùy tiện trong thực thi, tạo thuận lợi không chỉ cho doanh nghiệp mà cho cả cán bộ, công chức giải quyết thủ tục hành chính.
Mặt khác, cần làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến sự chậm trễ trong thực thi công vụ.
NHNN đã rất chắc chắn
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay trong thời gian tới NHNN vẫn sẽ duy trì chính sách điều hành như hiện tại và "có thể mạnh mẽ hơn".
Dù chưa bao giờ việc điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như thời gian qua, và điều hành chính sách tiền tệ của các quốc gia khác trên thế giới đã ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam, nhất là sau 2 năm
đại dịch COVID-19, tuy nhiên, Phó Thống đốc cho rằng, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN thời gian qua rất linh hoạt, thận trọng, chắc chắn, nhằm thực hiện các mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ.
Tuy nhiên, ông Tú cũng thẳng thắn, theo nhiều chuyên gia trong nước, quốc tế, dư địa chính sách tiền tệ cho đến nay còn rất ít. Đại diện NHNN nêu rõ, trong khi lãi suất cả thế giới đang tăng thì riêng ở Việt Nam, căn cứ vào tình thình thực tế, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành.
Đồng thời, NHNN cũng thông qua những công cụ của mình để tạo dư địa, thanh khoản cho thị trường, để các ngân hàng có vốn rẻ cho vay ra thị trường, nới rất rộng công cụ hạn mức tín dụng trong năm 2023.
"Điều hành lãi suất là khó nhất trong điều hành kinh tế của lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ", - Phó Thống đốc bày tỏ.
Theo Phó Thống đốc, từ tháng 2/2022 đến nay, Mỹ đã 11 lần điều chỉnh tăng lãi suất và đang duy trì mức 5,5%, cao nhất trong 40 năm qua hay như trường hợp của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cách đây một tuần cũng đã tăng lãi suất lần thứ 6 trong năm 2023 và duy trì mức lãi suất 4,5%, mức cao nhất kể từ khi ECB được thành lập.
Lãnh đạo NHNN cho biết mặt bằng lãi suất đang có xu hướng giảm dần, hiện lãi suất cho vay bình quân khoảng 7,9%/năm đối với cho vay mới, lãi suất huy động là 4,7%/năm.
"Với các món vay chưa đến kỳ hạn trả nợ thì lãi suất cho vay là 9,4%/năm, lãi suất huy động cũ là 6,5%/năm", - Phó Thống đốc nêu về sự chênh lệch.
Đại diện nhà điều hành khẳng định, việc giảm lãi suất cũng phải từng bước và chắc chắn có độ trễ bởi vì có những khoản cho vay 1 - 2 năm mới thu nợ hay những khoản tiền gửi vài năm mới đáo hạn.
10 Tháng Chín 2023, 18:38
VND chỉ mất giá khoảng 1,8%-2%
Ông Đào Minh Tú cũng nhắc lại, điều hành lãi suất cần phải thận trọng bởi nếu như mà quyết liệt quá hay nóng vội quá thì có thể dẫn đến một thời điểm nào đó khi độ trễ khi bắt đầu thực hiện được tác động đến nền kinh tế thì có thể dẫn đến sự thái quá và lúc đó lại phải cần chi phí để xử lý hiện tượng thái quá đó và đặc biệt trong vấn đề lãi suất.
"Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất hợp lý trên cơ sở đảm bảo được tỷ suất lợi nhuận bình quân, lợi nhuận của nền kinh tế, lợi nhuận hợp lý và đảm bảo an toàn cho hệ thống TCTCD và an toàn nền tài chính quốc gia", - Phó Thống đốc nói.
Tuy nhiên, cũng cần quán triệt thực tế, do dư địa không còn nhiều, chính sách lãi suất trong thời gian tới không thể nói là sẽ tiếp tục giảm, bởi lẽ lãi suất có quan hệ biện chứng với tỷ giá.
"Nếu lãi suất giảm thấp, tỷ giá có khả năng sẽ bùng lên, do đó, cần phải tìm được điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá", - Phó Thống đốc lưu ý.
Nhấn mạnh việc điều hành tỷ giá là một trong những thành công của NHNN trong thời gian qua khi từ đầu năm tới nay, Phó Thống đốc cho biết, VND chỉ mất giá khoảng 1,8% cho tới 2%.
Trong khi đó, đồng tiền của những nước lớn đang mất giá từ 9 đến 10%, đồng yen Nhật còn mất giá tới 12% so với USD.
Lãi suất và tỷ giá là công cụ điều hành để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát. Trong bối cảnh dư địa không còn nhiều, ông Tú khẳng định, sẽ phải điều hành vấn đề trên hết sức "chặt chẽ và hợp lý".
Về việc tiếp cận tín dụng theo Phó Thống đốc phải đánh giá từ hai phía cả từ ngân hàng và người đi vay là các doanh nghiệp bởi vì tín dụng là khoản vay có hoàn trả chứ không phải cấp phát nên cần phải có các điều kiện để đảm bảo an toàn cho khoản vay cũng như với các tổ chức tín dụng.
Trên thực tế, ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn như hạ lãi suất điều hành, cho phép giãn hoãn cho các khoản nợ đến hạn, cắt giảm chi phí, thủ tục, điều kiện tiếp cận vốn vay.
Cùng với đó, nhiều gói chính sách đã được triển khai như gói 40.000 tỷ hỗ trợ lãi suất, gói 120.000 tỷ cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; gói 15.000 tỷ cho
ngành thuỷ sản…cũng đã giúp hỗ trợ vốn các doanh nghiệp.
"Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã nới rất rộng, tạo thông điệp rằng tín dụng sẵn sàng hỗ trợ và mở rộng cho các doanh nghiệp. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì quan điểm điều hành này", - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhất quán cho biết.