Đồng Việt Nam bị USD o ép, Ngân hàng Nhà nước đứng giữa ngã ba đường
18:38 10.09.2023 (Đã cập nhật: 18:39 10.09.2023)
© AFP 2023 / Hoang Dinh NamĐồng Việt Nam.
© AFP 2023 / Hoang Dinh Nam
Đăng ký
Mỗi lần Fed thay đổi chính sách đều có ảnh hưởng đến Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước hiện vẫn đứng giữa ngã ba đường, hoặc phải tăng lãi suất để ổn định tỷ giá hay phải giảm lãi suất để cứu các doanh nghiệp.
Theo chuyên gia, nếu đồng tiền việt Nam mất giá thì vốn đầu tư nước ngoài sẽ rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam. Lãi suất giảm mạnh lại thổi bùng lên nguy cơ lạm phát và đây là điều mà Ngân hàng Nhà nước không mong muốn.
Đồng Việt Nam chịu áp lực
Tại ngày 10/9, ghi nhận diễn biến thị trường cho thấy, giá USD thị trường tự do trong nước ở mức 24.100 - 24.180 đồng (mua vào - bán ra).
Trong ngày giao dịch cuối tuần (8/9), tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.993 VND/USD, tăng 16 đồng.
Với biên độ +/- 5% đang được nhà điều hành áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng là 25.192 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.794 VND/USD.
Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại Việt Nam cũng duy trì tương đối cao. Tại Vietcombank niêm yết ở mức 23.890 đồng – 24.260 đồng/USD, Vietinbank mua vào từ 23.900 đồng và bán ra ở mức 24.320 đồng. Tại BIDV, giá USD được niêm yết ở mức 23.910 - 24.210 VND/USD (mua vào - bán ra).
Trên thế giới, chỉ số USD Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt neo ở mức 105,06, tăng 0,79%.
Trong phiên đầu tuần, đồng USD đã giảm 0,13%, xuống mốc 104,10 trong bối cảnh tình hình việc làm và lạm phát tại Mỹ thôi thúc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.
Cạnh đó, tâm lý rủi ro được cải thiện nhờ hy vọng chính sách kích thích của Trung Quốc có thể ổn định nền kinh tế. Bắc Kinh cũng đã có kế hoạch hành động tiếp theo, bao gồm nới lỏng các hạn chế mua nhà để gỡ vướng cho thị trường bất động sản.
Dù vậy, sức mạnh đồng bạc xanh vẫn được củng cố, khi chỉ ngay các phiên giao dịch sau đó, USD đã bật tăng trở lại do tâm lý lo lắng về tăng trưởng toàn cầu đã khiến các nhà đầu tư đổ xô đi mua USD dự trữ.
Lo ngại đang gia tăng về tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại, đặc biệt là ở Trung Quốc và châu Âu, yếu tố này đã giúp đồng bạc xanh trở thành một nơi trú ẩn an toàn trong mắt các nhà đầu tư. Thêm nữa, lạm phát gia tăng ở Mỹ đang làm giảm kỳ vọng về việc Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất.
Đánh giá về việc chỉ số đồng đô la vẫn hướng tới đà tăng trong 8 tuần liên tiếp, Amo Sahota, Giám đốc FX tại công ty tư vấn Klarity FX ở San Francisco cho rằng tuần này thị trường có đôi chút căng thẳng hơn bình thường trên một số phương diện.
"Điều này đã củng cố sức mạnh của đồng đô la. Mặt khác, cuộc tranh cãi liên tục giữa Mỹ và Trung Quốc về các hạn chế đối với iPhone của Apple, làm tăng thêm sự chú ý đối với đồng Mỹ kim", - chuyên gia nhấn mạnh.
Cũng cần lưu ý rằng, có thông tin ước định Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn, trong bối cảnh cuộc chiến chống lạm phát đang diễn ra.
Sắp tới, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) cân nhắc quyết định về lãi suất tại cuộc họp vào ngày 19 - 20/9. Bên cạnh đó, theo kế hoạch, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đưa ra quyết định lãi suất vào ngày 14/9. Các thị trường hiện đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến từ hai nền kinh tế này.
"Có rất nhiều lý do để đặt câu hỏi liệu sức mạnh của đồng đô la có đi quá xa hay không" và điều đó có thể xảy ra, nhưng trong các bối cảnh căng thẳng, đồng đô la luôn có vẻ hấp dẫn do có lợi thế về lãi suất so với các loại tiền tệ khác", - Amo Sahota bày tỏ.
Sean Lusk, đồng Giám đốc Bộ phận Phòng ngừa rủi ro thương mại tại Walsh Trading nhận xét, không có nhiều tín hiệu cho thấy đồng bạc xanh sẽ suy yếu trong ngắn hạn.
Áp lực bên ngoài
Nhóm chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng MB (MBS) cho biết, tỷ giá VND/USD tăng cao do chịu áp lực từ yếu tố quốc tế.
Chứng khoán MB dự báo VND sẽ tiếp tục giảm giá so với USD và tỷ giá VND/USD có thể đạt lên mức 24.500 trong các tháng cuối năm, trước khi giảm nhẹ trở lại vào năm sau.
Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, lạm phát thế giới có dấu hiệu tăng trở lại, khiến lo ngại Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ phải duy trì mặt bằng lãi suất cao trong thời gian dài hơn, thậm chí có thể thực hiện thêm 1 lần tăng lãi suất.
Dù vậy, BVSC nhấn mạnh, diễn biến tăng của USD sẽ chỉ có tính ngắn hạn và không tạo ra áp lực lớn với tỷ giá USD/VND như trong năm 2022.
Trong khi đó, TTXVN dẫn quan điểm của Công ty Chứng khoán SSI cho rằng biến động của VND nghiêng nhiều về yếu tố mùa vụ.
"Việc duy trì chính sách tiền tệ phân kỳ với các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới là yếu tố tạo ra áp lực lớn hơn đối với tỷ giá trong quý III", - SSI nhận định.
Điểm tích cực là vị thế của Ngân hàng Nhà nước tương đối khác so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái nhờ lượng dự trữ ngoại hối đã được bổ sung trong giai đoạn 6 tháng đầu năm cũng như nguồn cung ngoại tệ tích cực từ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân 8 tháng đạt 13,1 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ hay cán cân thương mại ước tính đạt thặng dư kỷ lục ở mức 20,6 tỷ USD.
NHNN đứng giữa ngã ba đường
Nói về nguyên nhân tỷ giá tăng, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định với MeeyLand rằng, có một số nguyên nhân trong đó có việc NHNN đã giảm lãi suất 4 lần trong năm nay, đi ngược với xu hướng chung của thế giới.
"Việc giảm lãi suất khiến giá trị tiền đồng giảm xuống, tỷ giá tăng lên. Nếu tỷ giá tăng quá mạnh sẽ gây bất ổn thị trường ngoại hối và ảnh hưởng đến chính sách của Ngân hàng Nhà nước", - TS. Nguyễn Trí Hiếu lý giải.
Theo ông Hiếu, mỗi lần Fed tăng lãi suất đều có tác động tới Việt Nam, ảnh hưởng tới tỷ giá. Việc áp lực tỷ giá tăng có thể khiến đảo chiều chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ nới lỏng trong thời gian vừa qua chuyển sang chặt chẽ hơn.
"Ngân hàng Nhà nước đang đứng ở ngã 3 đường, hoặc phải tăng lãi suất để ổn định tỷ giá hay phải giảm lãi suất để cứu các doanh nghiệp", - TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.
Theo ông, việc Chính phủ chỉ đạo tiếp tục giảm lãi suất, nhưng nếu cứ giảm lãi suất thì có thể tăng tỷ giá, tạo sự bất ổn trong thị trường ngoại hối. Ngân hàng Nhà nước giữ sự cân bằng.
"Khi tỷ giá tăng lên thì NHNN bán USD ra để hạ nhiệt thị trường. Nhưng việc bán USD cũng có giới hạn, lượng dự trữ ngoại hối phải tương đương giá trị 3 tháng nhập khẩu", - chuyên gia cho biết.
Những tháng cuối năm của năm ngoái tỷ giá tăng rất mạnh, hơn 25.000 đồng/USD. Khi đó, trước những căng thẳng kéo dài về tỷ giá hối đoái, NHNN đã bán một lượng USD đáng kể được từ dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá trong nước.
Theo ước tính NHNN đã bán ra khoảng 21 tỷ USD từ đầu năm 2022 giảm mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam xuống mức hơn 80 tỷ USD, chạm ngưỡng 3 tháng nhập khẩu.
Việc bán ngoại hối là công cụ luôn luôn được NHNN dùng để ổn định tỷ giá, nhưng rõ ràng nó có giới hạn và lượng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam cũng không còn quá thoải mái.
NHNN vẫn kiểm soát tỷ giá khá tốt
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nếu đồng tiền việt Nam mất giá thì vốn đầu tư nước ngoài sẽ rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam. Lãi suất giảm mạnh lại thổi bùng lên nguy cơ lạm phát và đây là điều mà NHNN không mong muốn.
"Tôi cho rằng dư địa giảm lãi suất không còn nhiều và NHNN không nên giảm thêm lãi suất. Điều này để ổn định tỷ giá và ngăn chặn việc dòng tiền rút ra khỏi thị trường Việt Nam và ngăn chặn lạm phát", - TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.
Chuyên gia dự báo, có khả năng tỷ giá sẽ tăng từ nay đến cuối năm và thị trường chợ đen sẽ trở lại. Ngân hàng Nhà nước muốn điều chỉnh lãi suất một cách thận trọng, trong khi thị trường ngoài kia sẵn sàng trả tỷ giá cao hơn.
Do đó, theo ông Hiếu, sắp tới cần quan tâm vấn đề đầu cơ, chợ đen. Nhưng dù sao, hiện tại NHNN vẫn kiểm soát tỷ giá khá tốt. Việc tỷ giá cuối năm có tăng nhưng sẽ không tăng quá mạnh.
"Tôi cho rằng thời gian qua NHNN đã thực hiện các chính sách trong khả năng của mình và kiểm soát được lạm phát ở mức tốt. Chính sách tỷ giá gần đây có tăng nhưng vẫn khá ổn định", - TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.