Hải quân các nước ASEAN tập trận chung lần đầu tiên, phi quân sự

Cuộc tập trận chung lần đầu tiên của riêng hải quân các nước ASEAN là phi quân sự, hướng tới bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định, hoạt động nhân đạo tại khu vực Đông Nam Á và không nhằm đe dọa hoặc chống lại bất cứ bên nào.
Sputnik
Ngày 19/9/2023, các nước ASEAN đã bắt đầu cuộc tập trận quân sự chung đầu tiên của khối không có sự tham gia của cường quốc phương Tây nào. Cuộc tập trận kéo dài 6 ngày ASEX 01-Natuna diễn ra tại khu vực quanh đảo Batam nằm trên cửa Đông của eo biển Malacca, thuộc Indonesia.

ASEAN thể hiện tính độc lập, trung lập

Tại Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 20 tổ chức ngày 7 và 8/6/2023 ở Nusa Dua, Bali, 10 quốc gia thành viên ASEAN đã đạt được thống nhất về việc Hải quân của họ sẽ tham gia cuộc tập trận chung lần đầu tiên vào tháng 9/2023.

“Đây là lần đầu tiên ASEAN tổ chức tập trận chung mà không có sự tham gia của bất cứ cường quốc phương Tây nào. Trong tình hình địa chính trị phức tạp và bất ổn định hiện nay, bằng động thái này ASEAN thể hiện tính độc lập, tự chủ, trung lập, thể hiện mong muốn rất lớn có hòa bình và ổn định trong khu vực ASEAN.

Hồi tháng Sáu, Tư lệnh quân đội Indonesia, Đô đốc Yudo Margono đã nói rõ rằng, cuộc diễn tập không bao gồm hoạt động huấn luyện chiến đấu mà tập trung vào việc bảo đảm an ninh hàng hải, hoạt động cứu hộ giảm thiểu nguy cơ thảm họa thiên tai và an sinh nhân đạo với người dân sở tại; đồng thời tăng cường “tính trung tâm của ASEAN”, - TS quan hệ quốc tế Hoàng Giang nói với Sputnik.

Việt Nam và các thành viên ASEAN đã hoàn toàn nhất trí về các mục tiêu của cuộc tập trận vì chúng hoàn toàn phù hợp với mục đích xây dựng một khu vực Biển Đông thành một vùng biển hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và các bên cùng có lợi. ASEAN hiểu rõ, nếu khu vực Biển Đông ổn định, các tuyến hàng hải an toàn, các chuyến bay an toàn thì ASEAN sẽ có điều kiện để phát triển và sẽ có thịnh vượng.

"Đây không phải là hoạt động chiến đấu vì ASEAN tập trung hơn vào kinh tế. Việc huấn luyện thiên về các hoạt động xã hội nhiều hơn", - Đô đốc Yudo Margono, Tư lệnh lực lượng vũ trang Indonesia nói với các phóng viên sau lễ khai mạc trên đảo Batam hôm 19.9.

Thủ tướng Malaysia: ASEAN từ chối tham gia vào cuộc cạnh tranh của các cường quốc

Mục tiêu bảo đảm an ninh hàng hải và cứu hộ, cứu nạn

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc bị phản đối mạnh mẽ vì việc công bố bản đồ “đường đứt đoạn” mới ở Biển Đông vào tháng trước.
“Nhiều ý kiến cho rằng ASEAN muốn thể hiện sự phản đối hành động công bố “Bản đồ mới” của Trung Quốc, nhưng thực sự thì cuộc tập trận đã được lên kế hoạch từ tháng Sáu, tại Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 20. Và bản chất của cuộc tập trận này là phi quân sự. Như Đô đốc Yudo Margono nói tại Lễ khai mạc ngày 19/9, nó không phải là hoạt động tập luyện chiến đấu mà mang tính hoạt động xã hội”, - TS quan hệ quốc tế Hoàng Giang bình luận với Sputnik.
Bình luận về địa điểm và bản chất của cuộc tập trận chung đầu tiên của ASEAN không có sự tham gia của bất kỳ cường quốc phương Tây nào, nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm lưu ý:
1.
Với mục tiêu bảo đảm an ninh hàng hải và cứu hộ, cứu nạn thì khu vực cửa ngõ phía Tây của eo biển Malacca là khu vực yết hầu quan trọng ra vào Biển Đông, nối thông Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và là nơi có một số toán cướp biển thường hoạt động hơn là khu vực Natuna vốn bình yên hơn. Do đó, cuộc diễn tập sẽ tiếp cận với thực tế rõ rệt hơn, đạt được mục tiêu bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải cao hơn.
2.
Với mục tiêu luyện tập cứu hộ, cứu nạn trên biển thì khu vực Batam là nơi hàng năm ít hứng chịu những trận bão nhiệt đới hơn khu vực Natuna vốn nằm trên đường đi của nhiều cơn bão. Nhất là khi mùa bão trên Biển Đông đã bắt đầu. Bên cạnh đó, đây cũng là khu vực có nền địa chất, ít có động đất. Vì vậy, chọn khu vực này để diễn tập cứu hộ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra vừa có thể bảo đảm an toàn cho cuộc diễn tập, vừa có tính khả thi cao nếu thời tiết trên Biển Đông không thuận lợi trong những ngày diễn tập.
3.
Với mục tiêu nhân đạo, khu vực Batam có đông cư dân Indonesia sinh sống với dân số trên dưới 1 triệu người; đồng thời là một trong ba đỉnh của “Tam giác tăng trưởng Sijori” ở miền Đông Indonesia. Ở đó, các hoạt động nhân đạo sẽ mang tính thiết thực hơn so với khu vực Natuna chỉ có hơn 100.000 dân.
“Cuộc diễn tập chung lần đầu tiên của hải quân các nước ASEAN là nhằm mục tiêu bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định, kết hợp với các hoạt động nhân đạo và không nhằm đe dọa hoặc chống lại bất cứ bên nào. Vì vậy, lập luận gần đây về việc ASEAN dời địa điểm diễn tập nhằm tránh va chạm với một hoặc một số quốc gia bên ngoài là không có căn cứ”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm phát biểu với Sputnik.
Thảo luận