Nếu tính chung số lỗ từ năm 2022 (hơn 26.500 tỷ đồng) và 8 tháng năm 2023, ước tính, công ty mẹ EVN đã lỗ tổng cộng khoảng trên 55.000 tỷ đồng.
Theo quan điểm trước đó của Bộ Công Thương, những khoản lỗ này có thể được bổ sung vào giá điện trong thời gian tới nếu quy định các khoản chênh lệch tỷ giá, lỗ sản xuất kinh doanh được bổ sung vào công thức tính giá bán lẻ điện bình quân.
8 tháng lỗ thêm hơn 28.000 tỷ đồng
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các doanh nghiệp do cơ quan này làm đại diện chủ sở hữu.
Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, báo cáo của Uỷ ban phản ánh tình hình “sức khỏe” không tốt của EVN.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệ cho biết, số lỗ 6 tháng năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là hơn 35.400 tỷ đồng. Còn tính trong 8 tháng năm 2023, số lỗ của EVN dự kiến là hơn 28.700 tỷ đồng.
Như Sputnik đưa tin, năm 2022, EVN lỗ 26.500 tỷ đồng, chưa bao gồm các khoản chênh lệch tỷ giá. Như vậy, tính chung số lỗ năm 2022 và 8 tháng năm 2023, công ty mẹ EVN đã lỗ tổng cộng khoảng trên 55.000 tỷ đồng.
Tại báo cáo, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cho hay, EVN đang tập trung 3 nhiệm vụ chính gồm bảo đảm cung ứng điện; nỗ lực cân bằng tài chính; thực hiện các kế hoạch đầu tư - xây dựng.
Đối với tình hình cung ứng điện, EVN đã chủ động chuẩn bị các giải pháp đảm bảo điện từ tháng 8 đến cuối năm 2023 và năm 2024.
Liên quan đến những khó khăn trong cân bằng tài chính, EVN đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nội tại như: tối ưu hóa chi phí, tối ưu huy động nguồn, cắt giảm các chi phí không cần thiết để giảm bớt khó khăn tài chính…
“Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, EVN kỳ vọng trong thời gian tới sẽ dần cân bằng được tài chính”, - báo cáo cho biết.
Lo ngại giá điện tăng sốc nếu tính gộp khoản lỗ của EVN
Thực tế, ngoài khoản lỗ hơn 26.500 tỷ đồng trong năm 2022 do biến động quá cao của giá nhiên liệu cho phát điện, EVN còn khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá từ các năm trước chưa được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022.
Các khoản lỗ này gồm chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện năm 2019 với số tiền khoảng 3.016 tỷ đồng; năm 2020 khoảng 4.567 tỷ đồng; năm 2021 hơn 3.702 tỷ đồng và năm 2022 khoảng 3.440 tỷ đồng.
Tập đoàn cũng cho biết, giá bán điện đầu ra tăng 3% từ ngày 4/5/2023 chưa thể giúp EVN bớt căng thẳng về dòng tiền.
Ước tính với giá điện tăng 3%, EVN thu khoảng 8.000 tỷ đồng trong 7 tháng cuối năm 2023, mức này chỉ bằng 1/5 số lỗ và chênh lệch tỷ giá ghi nhận của EVN trong năm 2022.
Vừa qua, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo sửa đổi Quyết định 24/2017 của Chính phủ về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.
Trong đó, nội dung đáng lưu ý nhất tại dự thảo này là cho phép EVN thu hồi khoản chênh lệch tỷ giá, khoản lỗ sản xuất kinh doanh, tính giá điện dựa trên quy định pháp luật.
Bộ Công Thương nhấn mạnh, với việc kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 bị lỗ và chi phí năm 2023 tiếp tục bị dồn tích do mức điều chỉnh giá điện chưa đủ thu hồi chi phí đầu vào hình thành giá, trong khi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg chưa quy định cụ thể về việc xem xét giá thành thực tế sản xuất kinh doanh điện trong tính toán giá điện kế hoạch, gây khó khăn cho EVN trong việc thu hồi chi phí, bù đắp lỗ của năm quá khứ.
“Việc này phần nào ảnh hưởng đến khả năng phát triển và bảo toàn vốn Nhà nước của EVN nếu hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài”, - Bộ Công Thương bày tỏ lo ngại.
Bộ Công Thương dẫn Luật Giá năm 2023 được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2023 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024) quy định nguyên tắc định giá của Nhà nước là “Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh hợp lý, hợp lệ; lợi nhuận (nếu có) hoặc tích lũy theo quy định của pháp luật (nếu có) phù hợp với mặt bằng thị trường; bảo đảm phù hợp với cung cầu hàng hóa, dịch vụ, điều kiện thị trường tại thời điểm định giá và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ”.
Căn cứ quy định hiện hành tại Luật Giá, Bộ Công Thương nêu quan điểm, giá điện cần đảm bảo bù đắp đủ chi phí thực tế và có lợi nhuận hợp lý. Do đó, cần hiệu chỉnh công thức tính giá bán điện bình quân để làm rõ hơn yếu tố gắn với giá thành sản xuất kinh doanh điện.
Không phủ nhận tình hình khó khăn của tập đoàn, tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại với các khoản chênh lệch tỷ giá, lỗ do sản xuất kinh doanh rất lớn của EVN, nếu được phân bổ vào công thức tính gộp có thể khiến giá điện ở Việt Nam tăng sốc, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và ảnh hưởng đến lạm phát chung của nền kinh tế.
Khó khăn dòng tiền, EVN đề nghị tăng giá điện
Theo báo cáo từ EVN, năm 2023, kế hoạch đầu tư xây dựng của EVN là 94.860 tỷ đồng.
Với kết quả sản xuất kinh doanh lỗ, tập đoàn không thể trả nợ đúng hạn, các ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ khó khăn hơn trong việc phê duyệt các khoản vay, hạn mức vay cho EVN.
Ngoài ra chi phí, lãi suất các khoản vay tăng lên do đánh giá mức độ rủi ro tăng thêm đối với bên cho vay.
Trước tình hình này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương có giải pháp tháo gỡ khó khăn tài chính cho EVN.
Theo đó, EVN kiến nghị được điều chỉnh giá bán lẻ điện đầy đủ và kịp thời theo biến động các thông số đầu vào.
Về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, EVN đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cho phép tiếp tục được sớm điều chỉnh giá bán lẻ điện trong thời gian tới để đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh.