EVN đang gồng lỗ vì chưa tăng giá điện, muốn TKV không nâng giá than

© Ảnh : TTXVN - Trần Lê LâmNhân viên Điện lực kiểm tra, sửa chữa các khiếm khuyết trên đường dây nhằm đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định cho phục vụ nhân dân trong dịp lễ Quốc khánh năm nay.
Nhân viên Điện lực kiểm tra, sửa chữa các khiếm khuyết trên đường dây nhằm đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định cho phục vụ nhân dân trong dịp lễ Quốc khánh năm nay. - Sputnik Việt Nam, 1920, 08.09.2023
Đăng ký
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa nêu ra 2 kịch bản cho việc cung ứng điện trong năm 2024.
Cùng với đó, EVN cũng đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản không tăng giá bán than vì giá bán lẻ điện chưa tăng kịp.

EVN nêu 2 phương án cung ứng điện năm 2024

Năm 2024, EVN tính toán cân đối cung - cầu điện với nhu cầu điện tăng trưởng 8,96% so với năm 2023 và 2 kịch bản lưu lượng nước về các hồ thủy điện.
Kịch bản 1: Nước về các hồ thủy điện ở mức bình thường (tương ứng tần suất 65%).
Kịch bản 2: Cực đoan (lưu lượng nước về kém như đã diễn ra trong năm 2023 tương ứng tấn suất khoảng 90%).
Trong kịch bản 1 - lưu lượng nước về các hồ thủy điện bình thường, hệ thống điện quốc gia về cơ bản đáp ứng cung ứng điện, tuy nhiên do công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp nên theo EVN, vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm trong ngày của các tháng nắng nóng.
Trường hợp lưu lượng nước về cực đoan như mùa khô năm 2023, việc đảm bảo cung cấp điện đặc biệt đối với khu vực miền Bắc sẽ gặp khó khăn hơn, có thể xuất hiện tình trạng thiếu công suất (khoảng 420 MW đến khoảng 1.770 MW) trong một số giờ cao điểm của tháng 6 và 7.
Nhân viên điện lực kiểm tra, sửa chữa các khiếm khuyết trên đường dây nhằm đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định cho phục vụ nhân dân trong dịp lễ Quốc khánh năm nay. - Sputnik Việt Nam, 1920, 08.09.2023
EVN nhận thiếu sót vì kéo dài ngày ghi điện khiến hoá đơn tăng vọt
“Khi đó cần dịch chuyển biểu đồ sử dụng điện hàng ngày của một số khách hàng sử dụng nhiều điện năng sang thời điểm ngoài cao điểm”, - EVN cho biết.
Về giải pháp, EVN cho biết tập đoàn nỗ lực đảm bảo độ khả dụng, sẵn sàng của các nhà máy của EVN và các đơn vị thành viên; hạn chế tối đa sự cố các nhà máy, đặc biệt là các tổ máy nhiệt điện than miền Bắc; tổ chức thực hiện ngay các giải pháp khắc phục tình trạng suy giảm công suất các tổ máy do yếu tố nhiệt độ môi trường, nước làm mát, thủy triều thấp.
Cùng với đó, EVN cũng làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc và PVN/PVGas để đảm bảo đủ nhiên liệu cho sản xuất điện theo nhu cầu của hệ thống.
EVN cũng lập lịch huy động cao các nhà máy nhiệt điện ngay từ đầu năm 2024 để điều tiết, giữ mực nước các hồ thủy điện ở mức cao để đạt công suất cần thiết (nhất là khu vực miền Bắc) ở thời điểm cuối mùa khô năm 2024 một cách tối ưu theo quy định.
EVN cũng đề nghị Ban chỉ đạo Phòng chống Thiên tai Trung ương cho phép tích nước các hồ thủy điện miền Bắc sớm ngay từ tháng 8 này với mục tiêu tích đầy hồ vào cuối năm 2023.

Nhu cầu điện rất lớn

Ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc EVN cho biết, theo tính toán cung cầu năng lượng giai đoạn 2024 - 2030, dự kiến các nhà máy của EVN sẽ được huy động rất cao khoảng 40 - 42 tỷ kWh/năm, tương ứng với khối lượng than là 27,2 - 28 triệu tấn, vượt quá khả năng cấp trong hợp đồng dài hạn.
Do đó, EVN cần phải bổ sung than cho vận hành các nhà máy điện than hiện hữu, đáp ứng nhu cầu huy động trong các năm, giai đoạn 2024 - 2030.
Nhân viên công ty EVN (Vietnam Electricity) - Sputnik Việt Nam, 1920, 01.09.2023
Giá điện ở Việt Nam có thể tăng sốc nếu tính cả khoản lỗ của EVN?
Mặt khác, để đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định, EVN sẽ tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ những công trình lưới điện phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện và bảo đảm cấp điện trong năm 2024 - 2025, đặc biệt là dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên), các công trình phục vụ nhập khẩu điện từ Lào theo hiệp định liên Chính phủ (đường dây 220 kV Nậm Sum - Nông Cống và đường dây 500 kV Monsoon - Thạnh Mỹ) cũng như đôn đốc chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp khẩn trương hoàn thiện thủ tục pháp lý để sớm đưa các dự án vào vận hành thương mại.

TKV dự kiến phải nhập khẩu 17 triệu tấn than

Để đảm bảo nhiên liệu than năm 2024 và các năm tiếp theo, hiện nay EVN đang làm việc với tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) và TCT Đông Bắc.
Cả TKV và TCT Đông Bắc đều là 2 tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước có nhiều kinh nghiệm chuyên sâu về nhập khẩu than, tiềm lực tài chính lớn đảm bảo cung cấp toàn bộ than cho sản xuất điện của các nhà máy sử dụng than của EVN và các Tổng công ty phát điện (EVNGENCO) từ 1/1/2024 đảm bảo đủ nhu cầu vận hành và chất lượng theo yêu cầu của bên mua.
Qua đó nâng tổng khối lượng than cung cấp hàng năm trong hợp đồng dài hạn hiện hữu lên khoảng 27-28 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu huy động trong thời gian tới.
Dự kiến kế hoạch năm 2024, TKV và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp than cho sản xuất điện là 56,48 triệu tấn. Trong đó TKV cấp khoảng 46,48 triệu tấn và Tổng công ty Đông Bắc khoảng 10 triệu tấn.
Đối với các nhà máy của EVN, TKV cung cấp 20,35 triệu tấn, Tổng công ty Đông Bắc cung cấp 8,35 triệu tấn.
Về phần mình, ông Ngô Hoàng Ngân, Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV cho biết, kế hoạch cung cấp than cho sản xuất điện năm 2024 sẽ được triển khai thực hiện theo chỉ đạo và các giải pháp theo văn bản số 745 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 35 của Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, phía TKV lưu ý, để có đủ nguồn cung ứng 46,48 triệu tấn than cho sản xuất điện, trong đó có 31 triệu tấn than pha trộn giữa than trong nước và than nhập khẩu, TKV dự kiến sẽ cần nhập khẩu khoảng 17 triệu tấn than.
Hiện, EVN, TKV và Tổng công ty Đông Bắc đang tiến hành thảo luận để đi đến ký kết thỏa thuận hợp tác cung cấp than dài hạn dự kiến sẽ thực hiện từ năm 2024 trở đi đến hết thời gian vận hành nhà máy.
Về tình hình cung cấp khí cho sản xuất điện, theo báo cáo của EVN, trong các năm vừa qua, khả năng cấp khí Đông Nam bộ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cho phát điện đang suy giảm mạnh từ năm 2020 trở đi.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 27.08.2023
EVN lo Việt Nam phải mua khí LNG với giá cao gây áp lực lên giá điện
Trong đó năm 2020 khả năng cấp chỉ khoảng 6 tỷ m3 đến năm 2023 khả năng cấp chỉ còn 4,3 tỷ m3, khả năng cấp khí cho khu vực Tây Nam bộ ổn định trong khoảng 1,3 - 1,4 tỷ m3/năm.
Ngày 11/7/2023, PV GAS đã có văn bản 1083/KVN-HĐK về việc cấp khí LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) tái hóa cho các nhà máy điện tại khu vực Đông Nam Bộ.
Như vậy, PVN dự kiến khả năng cấp khí thiên nhiên khu vực Đông Nam Bộ trong năm 2024 ở mức 3,06 tỷ m3, năm 2025 ở mức 2,61 tỷ m3, chỉ đáp ứng khoảng 33% so với nhu cầu nhiên liệu của các nhà máy điện và đề xuất sử dụng LNG là nhiên liệu bổ sung, thay thế.
Để đảm bảo nhiên liệu khí cho phát điện năm 2024 và các năm tiếp theo, đảm bảo tận dụng hạ tầng cung cấp khí hiện hữu sẵn có đáp ứng tiến độ và nhu cầu nhiên liệu khí cho phát điện, EVN kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao PVN là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp nhiên liệu khí cho phát điện (bao gồm cả khí LNG khai thác trong nước và nhập khẩu).
Việc bổ sung khí LNG cho các nhà máy điện được thực hiện trên cơ sở đấu thầu lựa chọn các nhà cung cấp LNG, đảm bảo công khai, cạnh tranh minh bạch.
Khí thiên nhiên được ưu tiên cung cấp cho các nhà máy điện, việc phân bổ khí cho các nhà máy điện sử dụng chung hạ tầng được thực hiện phân bổ đều trên tỷ trọng sử dụng đảm bảo bình đẳng và tính cạnh tranh trên thị trường.
Sau khi được sự đồng ý của Thủ tướng, EVN sẽ triển khai ngay việc đàm phán bổ sung khí LNG để kịp tăng nguồn cung khí cho năm 2024.

EVN đề nghị TKV không tăng giá than

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng vừa có văn bản gửi Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đề nghị không tăng giá bán than cho sản xuất điện.
Động thái này diễn ra là do trước đó, EVN đã nhận được văn bản của TKV về việc điều chỉnh tăng giá bán các loại than trong nước cho sản xuất điện (hôm 5/9).
Tập đoàn Điện lực Việt Nam lưu ý, năm 2022 và các tháng đầu năm 2023 tình hình sản xuất, kinh doanh, tài chính của EVN và các đơn vị thành viên gặp rất nhiều khó khăn do sự biến động tăng đột biến của giá nhiên liệu (giá than, giá khí, giá dầu).
“Mặc dù EVN và các đơn vị thành viên quyết liệt thực hiện các giải pháp nội tại, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét các phương án để giảm chi phí sản xuất, tuy nhiên do giá bán lẻ điện bình quân chưa được điều chỉnh kịp thời đã làm kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN lỗ, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp điện cho đất nước và đảm bảo an ninh năng lượng”, - EVN bày tỏ.
Hà Nội thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.07.2023
EVN độc quyền nhưng vẫn lỗ nặng, TV1 bị giám sát tài chính đặc biệt
Do đó, EVN đề nghị TKV xem xét không tăng giá than trong nước bán cho sản xuất điện, giá than trong nước trong phương án pha trộn với than nhập khẩu.
Năm 2022, EVN lỗ 26.000 tỷ đồng, chưa bao gồm các khoản chênh lệch tỷ giá. Kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương trước đó cũng nêu các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 bao gồm: phần còn lại khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện năm 2019 với số tiền khoảng 3.016 tỷ đồng; năm 2020 khoảng 4.567 tỷ đồng; năm 2021 hơn 3.702 tỷ đồng và năm 2022 khoảng 3.440 tỷ đồng.
“Giá nguyên liệu (chủ yếu là than nhập khẩu) cao, khiến chi phí mua điện tăng cao, nhưng giá bán lẻ điện được giữ ổn định, dẫn đến khoản lỗ của EVN”, - theo Bộ Công Thương.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала