Một "đại dịch" nguy hiểm đang cướp đi nhiều mạng sống người Việt Nam

Các bệnh không lây nhiễm, bao gồm tim mạch, phổi mạn tính, ung thư, tiểu đường ước tính gây thiệt hại khoảng 30.000 tỷ USD cho kinh tế thế giới. Nhóm bệnh này chiếm hơn 73% gánh nặng bệnh tật và tử vong tại Việt Nam.
Sputnik
Thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam. Đáng lo ngại, thuế thuốc lá của Việt Nam hiện rất thấp, thấp hơn khuyến cáo của WHO, gần thấp nhất trong khu vực ASEAN và rất thấp so với các nước phát triển.

"Đại dịch" bệnh không lây nhiễm đặt gánh nặng lên các nước đang phát triển

Trên trang chủ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các bệnh không lây nhiễm (Noncommunicable diseases - NCDs), còn được gọi là bệnh mãn tính, có xu hướng kéo dài và là kết quả của sự kết hợp của các yếu tố di truyền, sinh lý, môi trường và hành vi.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia y tế, các bệnh không lây nhiễm có thể xem là một "đại dịch" nguy hiểm đang diễn ra tại Việt Nam.
WHO xác định 4 loại bệnh không lây nhiễm chính gồm bệnh tim mạch (như đau tim và đột quỵ), ung thư, bệnh hô hấp mãn tính (như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen suyễn) và tiểu đường.
Bốn căn bệnh trên gây ra gánh nặng bệnh tật cũng như tổn thất lớn nhất, có nguyên nhân chung liên quan đến hành vi. Năm 2018, bệnh tâm thần được bổ sung vào nhóm bệnh không lây nhiễm.
WHO chỉ rõ, những hành vi có thể thay đổi được, chẳng hạn như sử dụng thuốc lá, ít hoạt động thể chất, chế độ ăn uống không lành mạnh và sử dụng rượu bia, tất cả đều làm tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm.
Báo Giáo dục Thời đại dẫn ý kiến của bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia WHO tại Việt Nam, cho biết trong năm 2018, có khoảng 36 triệu ca tử vong trên thế giới mà nguyên nhân là do bệnh không lây nhiễm. Đáng lo ngại, có đến hơn 14 triệu ca trong số đó là tử vong sớm.
Đặc biệt, các nước đang phát triển là đối tượng chịu gánh nặng rất lớn từ nhóm bệnh này. WHO ghi nhận, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình là nơi xảy ra hơn 3/4 số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm trên toàn cầu.
Chuyện đáng kinh ngạc
Chiến thắng ung thư, kình ngư Việt ‘truyền lửa’ đam mê cho trẻ khuyết tật

Thuế thuốc lá của Việt Nam rất thấp

Trong khi đó, bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cho rằng các bệnh không lây nhiễm không chỉ là gánh nặng về sức khỏe, mà còn gây ra thiệt hại khổng lồ về kinh tế.
Năm 2020, các bệnh không lây nhiễm ước tính đã khiến nền kinh tế thế giới tổn thất 47.000 tỷ USD. Trong đó, các bệnh tim mạch, phổi mạn tính, ung thư, tiểu đường gây thiệt hại khoảng 30.000 tỷ USD, còn lại là bệnh tâm thần kinh.
Mới đây, tại hội thảo cung cấp thông tin báo chí về các giải pháp phòng ngừa bệnh không lây nhiễm diễn ra tại Hải Phòng, đại diện Bộ Y tế cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh liên quan đến thuốc lá (sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của 25 bệnh).
Theo dự báo của WHO, cho đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 70.000 người tử vong/năm (tăng 57,1%, gấp đôi so với 2023) nếu không có các biện pháp mạnh trong phòng chống tác hại thuốc lá.
Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá có thể kể đến như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi. Đây đều là các bệnh gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu thụ thuốc lá ở Việt Nam lớn là do thuế thuốc lá của Việt Nam rất thấp.
Hiện thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá của Việt Nam là 75% giá xuất xưởng. Nếu tính trên giá bán lẻ mức thuế này chỉ chiếm 38,8%. Mức thuế thuốc lá còn rất thấp so với khuyến cáo của WHO là đánh thuế các sản phẩm thuốc lá chiếm 70 - 75% giá bán lẻ.
Việt Nam muốn tăng thuế với rượu, bia và thuốc lá
Theo ghi nhận, Việt Nam là nước có mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá thấp gần nhất trong khu vực ASEAN (chỉ cao hơn Campuchia, Lào và Myanmar), và rất thấp so với các nước phát triển.
Bà Pratt cho hay, thuốc lá gây thiệt hại khoảng 4,5 tỷ USD mỗi năm. Đây cũng là sản phẩm có thể tiếp cận rất dễ dàng và khiến một nửa số người sử dụng tử vong.
Một trong những biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu thụ thuốc lá và các sản phẩm không lành mạnh cho sức khỏe (như rượu bia, đồ uống có cồn…) chính là tăng thuế.
"Ở Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá bắt đầu giảm dù chưa nhiều. Tôi xin chúc mừng Chính phủ và các cơ quan đã nỗ lực trong thời gian qua để đạt được kết quả này. Tuy nhiên, chúng ta chắc chắn phải nỗ lực hơn nữa để có thể cứu được nhiều mạng người hơn nữa", - bà Pratt nói.
Thảo luận