VNG Việt Nam chưa IPO tại Mỹ, nguyên nhân phía sau có liên quan đến VinFast?

Kỳ lân công nghệ Việt Nam VNG từng có kế hoạch IPO tại Mỹ trong tháng 9 năm nay. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, kế hoạch tham vọng này của công ty Công nghệ và Internet hàng đầu Việt Nam, nhà sản xuất các tựa game nổi tiếng, có thể không diễn ra như dự kiến.
Sputnik
Theo suy đoán, việc niêm yết trên Nasdaq bị chậm trễ thường có 2 nguyên nhân, hoặc là gặp vấn đề ở hồ sơ, hoặc do thời điểm chưa phù hợp.
Giới quan sát cho rằng, bài học về chuẩn bị hồ sơ và thời điểm niêm yết mà VNG có thể học được có thể thấy qua tấm gương của người đi trước - quá trình IPO đầy thử thách của hãng xe điện VinFast do tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập.

VNG sẽ chưa IPO tại Mỹ trong tháng 9?

Kỳ lân công nghệ Việt Nam (VNG Ltd) được cho là sẽ trì hoãn đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 150 triệu USD tại Mỹ cho đến năm sau do điều kiện thị trường không ổn định, Reuters đưa tin.
Cuối tháng 8, VNG Limited - pháp nhân nắm giữ 61,12% cổ phần CTCP VNG (UPCoM: VNZ), đã có thông tin về việc nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 lên Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC). Công ty dự kiến sẽ IPO trên sàn chứng khoán Nasdaq với mã giao dịch “VNG”.
Theo tờ Wall Street Journal, VNG Limited đặt mục tiêu IPO vào cuối tháng 9 năm nay. Tuy nhiên, nguồn tin của Bloomberg mới đây lại cho biết, kế hoạch niêm yết lên sàn Nasdaq vào ngày 27/9 tới của VNG sẽ không diễn ra.
Kỳ lân VNG muốn thực hiện "giấc mơ Mỹ"
Theo Bloomberg, startup công nghệ Việt Nam VNG sẽ hoãn IPO tại Mỹ sau những kết quả trái chiều từ Arm, Instacart, Klaviyo hay rút kinh nghiệm từ VinFast.
“Hiện, phía VNG vẫn chưa đưa ra bình luận về thông tin này”, - Bloomberg lưu ý.
Vẫn chưa rõ vì sao kế hoạch IPO của VNG lại bị hoãn. Theo suy đoán của báo giới phương Tây, việc niêm yết trên Nasdaq bị chậm trễ thường có 2 nguyên nhân, hoặc là gặp vấn đề ở hồ sơ, hoặc do thời điểm chưa phù hợp.
“Một người yêu cầu được giấu tên cho biết sau khi chứng kiến những diễn biến trái chiều của bộ ba công ty đại chúng mới trong tháng này, VNG được khuyên nên tạm dừng kế hoạch niêm yết tại Mỹ cho đến khi nhu cầu thị trường được cải thiện. Người này cho biết, đợt IPO có thể bị hoãn lại cho đến năm sau”, - Bloomberg lưu ý.

Vì sao?

Quyết định trì hoãn kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu tại Mỹ của VNG diễn ra sau khi cổ phiếu của Arm Holdings Plc, nhà thiết kế chất bán dẫn thuộc sở hữu của SoftBank Group Corp., và công ty giao hàng tạp hóa Instacart đều giảm giá IPO trong thời gian ngắn.
Nhà cung cấp phần mềm tự động hóa dữ liệu và tiếp thị Klaviyo Inc., vốn có thành tích tốt nhất cũng chỉ có đà tăng hơn 12% so với giá chào bán vào thứ Năm sau khi tăng tới 32% trong lần ra mắt hôm thứ Tư.
Cũng theo Bloomberg, việc hoãn niêm yết của “kỳ lân công nghệ” Việt Nam diễn ra sau khi VinFast Auto Ltd. xuất hiện đầy ấn tượng tại thị trường Mỹ, chứng kiến cổ phiếu VFS của nhà sản xuất xe điện Việt này tăng 504% sau khi sáp nhập với Black Spade.
Tuy nhiên, cổ phiếu VinFast mất đà tăng vọt và diễn biến thất thường khi công ty khởi nghiệp xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng được cho là đang ở giai đoạn chịu đựng thua lỗ và phải vật lộn để thực hiện kế hoạch mở rộng sản xuất, đưa xe điện VinFast ra toàn thế giới.
Thực tế, theo báo cáo của Ernst & Young, các hoạt động niêm yết trong nửa đầu năm nay trên thị trường chứng khoán Mỹ vẫn rất chậm chạm. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, đã có 63 đợt IPO tại Mỹ, huy động tổng cộng hơn 10 tỷ USD, tương ứng với mức tăng 115% và 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kỳ lân VNG ghi nhận biến động bất ngờ, cổ phiếu VNZ bị hạn chế giao dịch
Sự trì trệ trên thị trường IPO có thể được giải thích là do lạm phát dai dẳng, bất ổn địa chính trị và lãi suất tăng cao. Theo các báo cáo, có thể mất nhiều thời gian hơn để thị trường phục hồi so với dự báo của nhiều chuyên gia trước đó.
Cuộc khủng hoảng ngân hàng bất ngờ xảy ra trong nửa đầu năm 2023 đã gây xáo trộn trên thị trường. Nỗi lo lắng hiện có vẻ như đã giảm bớt và thị trường được dự báo có thể khởi sắc khi bước sang năm 2024.
Không chỉ tại Mỹ, thị trường thế giới đầu năm nay đã chứng kiến hơn 600 đợt IPO, huy động khoảng 60 tỷ USD, lần lượt giảm 5% về số lượng và 36% về giá trị so với cùng kỳ.
Tất cả cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm chạp, chính sách tiền tệ thắt chặt và căng thẳng địa chính trị gia tăng. Lãi suất cao và hiệu suất giá cổ phiếu kém sau IPO khiến các nhà đầu tư tìm kiếm các loại tài sản đầu tư khác.
Dù vậy, ông Mark Schwartz, Trưởng nhóm cố vấn IPO và SPAC tại Ernst & Young, vẫn lạc quan khi đưa ra dự báo cho rằng, “những cải thiện gần đây về tâm lý thị trường có thể là một chỉ báo tích cực cho cuối năm nay hoặc năm sau”.
Còn theo bà Rachel Gerring, Trưởng nhóm IPO của EY tại khu vực châu Mỹ, trong bối cảnh đang được cải thiện, những công ty muốn IPO nên sẵn sàng khi thị trường mở cửa trở lại.
“Bây giờ là lúc để các doanh nghiệp kích hoạt lại kế hoạch IPO và xây dựng sức mạnh để hoạt động với tư cách là một công ty đại chúng. Sự chuẩn bị tốt là chìa khóa để tự tin tận dụng các cơ hội thị trường tiềm năng”, - bà Rachel nói.

Bài học quan trọng từ VinFast

Quá trình IPO của VinFast, hãng xe điện do tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập, vừa niêm yết trên Nasdaq hồi tháng 8, có thể xem là một bài học về việc chuẩn bị hồ sơ.
CEO VinFast Lê Thị Thu Thuỷ tiết lộ, từ 2 năm trước (đầu năm 2021), ban lãnh đạo VinFast đã bắt đầu ý tưởng niêm yết. Thời điểm đó, lựa chọn niêm yết qua SPAC đang “rất nóng”. Tuy vậy, VinFast đã không đón được “sóng” của thị trường bởi tiêu chuẩn về pháp lý rất cao tại thị trường tài chính Mỹ.
Hãng xe điện Việt Nam đã không thể hoàn thiện kịp báo cáo tài chính kiểm toán đáp ứng đúng yêu cầu.
Phải đến 22/5/2021, VinFast mới hoàn thành báo cáo tài chính theo đúng chuẩn kế toán tại Mỹ. Nhưng kể từ tháng 4, thị trường SPAC bắt đầu hạ nhiệt. Công ty đã tính đến phương án IPO theo cách truyền thống nhưng thị trường chứng khoán nói chung lại bắt đầu gặp khó khăn trong 2 năm.
Đến tháng 4/2023, ban lãnh đạo VinFast tiếp tục nhận thấy thị trường rất khó. Một loạt diễn biến khi đó đặt ra trở ngại lớn: ngân hàng Silicon Valley Bank phá sản, rồi đến những ngân hàng lớn cũng sáp nhập…, trong khi thị trường IPO vẫn đóng cửa gần 2 năm.
Mãi tới tháng 8 năm nay, khi đã gỡ bỏ áp lực huy động vốn nhờ cam kết hỗ trợ tài chính từ ông Phạm Nhật Vượng và tập đoàn Vingroup, VinFast mới chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ thông qua SPAC.
Như vậy, nếu nguồn tin này là xác thực, VNG có thể lại một lần nữa bỏ lỡ cơ hội IPO. Từ năm 2017, lãnh đạo công ty đã xem xét khả năng niêm yết trên Nasdaq – cũng là một trong những doanh nghiệp Việt nung nấu ý tưởng này sớm nhất.
Kế hoạch liên tục bị trì hoãn. Đến cuối năm 2022, Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết VNG đã lên kế hoạch để niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua SPAC, với định giá từ 2-3 tỷ USD.
Chứng khoán "kỳ lân" tăng "điên đảo": VNG nói do cung cầu
Trả lời Bloomberg thời điểm đó, nhà sáng lập VNG Lê Hồng Minh bày tỏ mong muốn “trở thành một công ty công nghệ toàn cầu. Vì vậy, chúng tôi phải chơi cùng một sân và tiếp cận nền tảng nhà đầu tư tốt nhất, cũng khắt khe nhất thế giới”.
Tuy nhiên, thay vì lên sàn Nasdaq, CTCP VNG đã chính thức lên sàn UPCoM với mã VNZ hồi đầu năm nay.
Trả lời tờ DealStreetAsia mới đây, ông Bob McCooey, Phó Chủ tịch Nasdaq, người phụ trách phát triển các công ty mới niêm yết khu vực châu Mỹ Latinh và châu Á - Thái Bình Dương, đánh giá cao khả năng VNG sẽ được các nhà đầu tư chào đón khi niêm yết trên Nasdaq.
Theo ông, các công ty Đông Nam Á mang đến cho nhà đầu tư thêm lựa chọn khi họ tìm kiếm sự đa dạng về mặt địa lý và khả năng tiếp cận một trong những thị trường phát triển nhanh nhất.
“Trong một thời gian dài, cách duy nhất để các nhà đầu tư tiếp cận thị trường Đông Nam Á là mua cổ phiếu của Sea. Ngày nay có Grab, VinFast và sắp tới là VNG. Ngày càng có nhiều công ty có thể mang lại cơ hội tiếp cận một thị trường có cơ hội tăng trưởng to lớn”, - ông Bob McCooey nói.
Thảo luận