Các chuyên gia cho rằng, động thái hút tiền về của NHNN là cần thiết và đúng thời điểm nhằm ổn định tỷ giá, giảm bớt áp lực lạm phát.
NHNN hút tiền qua bán tín phiếu là bước đi khôn ngoan
Trong 2 ngày liên tiếp 21 và 22/9, NHNN đã hút gần 20.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu, lãi suất lần lượt là 0,69% và 0,5%. Lãi suất trúng thầu của đợt phát hành ngày 22/9 thấp hơn ngày 21/9.
Đánh giá về động thái này, Chứng khoán Maybank cho rằng, việc cân nhắc hút tiền trong hệ thống hiện nay của NHNN là một biện pháp giảm áp lực tỷ giá, đưa về mức mục tiêu (+/- 3% cho năm nay).
Nhóm nghiên cứu của Maybank lưu ý, trong tháng 8 – 9, tỷ giá đã tăng nhanh và có dấu hiệu vượt khỏi ngưỡng mục tiêu (trên 3%).
Như đã biết, trong các công cụ can thiệp ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước sẽ có các giải pháp điều tiết cung tiền bao gồm hút/bơm tiền VND, hoặc bán/mua USD từ dự trữ ngoại hối, tăng lãi suất điều hành.
Hiện tại, NHNN đang sử dụng việc hút tiền VND về qua bán tín phiếu.
“Đây là bước đi có tính toán kỹ từ việc quan sát thanh khoản của hệ thống (đang thừa) và bước đi khôn ngoan (chưa cần phải sử dụng đến công cụ bán ngoại hối như năm ngoái)”, Maybank nhận xét.
Sự chủ động cần thiết
Đánh giá về động thái hút ròng khoảng 20.000 tỷ đồng của NHNN ra khỏi thị trường, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, số lượng tiền qua 2 phiên của Ngân hàng Nhà nước không nhiều nhưng lại cho thấy sự chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ của nhà điều hành.
Ông Thịnh đánh giá, trong bối cảnh hiện nay việc điều hành tỷ giá hối đoái để ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát là khá khó khăn. Mỹ tăng lãi suất USD lên mức cao nhất trong vòng 22 năm, chỉ số USD-Index trên thị trường quốc tế cũng ở mức cao. Thêm vào đó dòng tiền trong nước thông qua kênh đầu tư công, tăng lương… cũng chảy ra khá mạnh. Chưa kể một lượng lớn tín dụng đang chờ để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh vào những tháng cuối năm. Theo Thanh niên dẫn lời chuyên gia, chính vì vậy NHNN có động thái hút tiền về trong giai đoạn này cũng là điều cần thiết, tránh tỷ giá tăng, cũng như nguy cơ lạm phát tăng.
Việc bơm hút tiền là hoạt động bình thường của NHNN, có thời điểm trong ngày NHNN vừa bơm vừa hút tiền. Điều đáng mừng là NHNN hút một lượng tiền gần 1 tỷ USD nhưng trả phí khá thấp, chỉ từ 0,5 - 0,69%/năm. Như vậy, bên cạnh lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp thì lãi suất tín phiếu cũng khá thấp.
“Riêng lãi suất huy động và cho vay tiền đồng, trong bối cảnh nới lỏng chính sách tiền tệ thì thời gian tới sẽ không tăng lên mà có xu hướng giảm để hỗ trợ, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh bày tỏ.
TS Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng, trong bối cảnh lạm phát ở mức thấp hiện nay thì động thái hút tiền về của NHNN nhằm giảm áp lực lên tỷ giá là chính.
“Tuần qua giá USD đã tăng lại lên mức cao nên việc hút tiền đồng về là điều cần thiết. Bởi trong bối cảnh các ngân hàng đang dư thừa thanh khoản, nếu dòng tiền này đổ vào USD sẽ gây nên áp lực tăng giá ngoại tệ”, ông Đạt nói.
Trả lời câu hỏi liệu việc hút tiền về của NHNN có ảnh hưởng đến lãi suất tiền đồng hay không, chuyên gia lưu ý, lượng tiền hút về chưa đến 20.000 tỷ đồng, chưa đến 1 tỷ USD trong bối cảnh các ngân hàng dư thừa thanh khoản nên sẽ không tác động đến mặt bằng lãi suất tiền đồng.
“Bên cạnh đó, tay trái hút tiền về, tay phải lại đẩy tín dụng, đưa nguồn vốn ra thị trường. NHNN sử dụng thị trường mở sau nhiều tháng không có giao dịch nào cho thấy sự linh hoạt trong điều hành chính sách”, TS. Chí nêu quan điểm.
Tránh kịch bản “hết đạn”
Thực tế, tỷ giá USD/VND giảm hay tăng đều có bất lợi riêng cho nền kinh tế.
Tỷ giá giảm sẽ khiến tiền đồng Việt Nam lên giá so với đô la Mỹ, tạo áp lực lên xuất khẩu. Trong khi tỷ giá tăng, tiền đồng mất giá so với USD có thể gây ra một số hệ quả như gia tăng nhập khẩu lạm phát, dòng vốn rút khỏi thị trường.
Theo các chuyên gia, với cơ quan điều hành tỷ giá như Ngân hàng Nhà nước thì thông thường đối mặt với áp lực giảm giá dễ dàng hơn so với tăng giá. Do khi tỷ giá giảm, NHNN có thể mua vào USD dự trữ và áp tỷ giá mua tùy theo mục tiêu điều hành tỷ giá. Tuy nhiên, khi tỷ giá tăng, NHNN phải bán đô la hoặc tăng lãi suất để ổn định tình hình.
Tuy nhiên, tăng lãi suất gây áp lực cho tăng trưởng, bán đô la sẽ khiến dự trữ ngoại hối có hạn. Bên cạnh đó, chính sách bán đô la, cân bằng tỷ giá còn có hạn chế là Ngân hàng Nhà nước sẽ phải bơm tiền đồng ra thị trường, điều này có thể gây áp lực lên lạm phát.
Tuy vậy, NHNN có thể trung hòa lượng nội tệ bơm thêm thông qua phát hành tín phiếu. Do đó, trên lý thuyết Ngân hàng Nhà nước vẫn có đủ công cụ để điều tiết tỷ giá trong trường hợp tỷ giá tăng mạnh thông qua phương án bán ngoại tệ với các ngân hàng thương mại, chỉ là dự trữ ngoại hối có đủ nhiều để can thiệp vào thị trường hay không.
Do đó, để đối mặt với áp lực cho tỷ giá trong tương lai, việc cần thiết là tăng cường dự trữ ngoại hối.
Như Sputnik đưa tin, trước đó, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã bán 25 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối. Theo báo Đầu tư dẫn phân tích của Chứng khoán Maybank lưu ý, việc bán sớm khiến NHNN “hết đạn” sớm, giảm khả năng can thiệp linh hoạt về sau.
Đồng thời, lãi suất trúng thầu thấp cho thấy thanh khoản trong hệ thống ngân hàng vẫn dư nhiều. Lý do thị trường đã thấy là do tăng trưởng tín dụng còn chậm cho đến giữa tháng 9, mới có 5,7% so với mục tiêu 14 – 15% năm nay.
MayBank nhận định, Ngân hàng Nhà nước đang tính toán liều lượng hút tiền qua tín phiếu một cách thận trọng để đảm bảo liều lượng vừa đủ sao cho đạt các mục tiêu là tăng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lên, từ đó giảm bớt áp lực cho tỷ giá.
Ngân hàng Nhà nước cũng tính toán kỹ lưỡng để không gây gián đoạn thanh khoản cho toàn bộ nền kinh tế và đảm bảo lãi suất thực của nền kinh tế (lãi suất cho vay) sẽ tiếp xu hướng giảm.