Vụ SCB bị rút tiền hàng loạt: Đã rõ bản lĩnh của Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng
Đăng ký
Vụ rút tiền hàng loạt xảy ra tại ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đến nay vẫn được coi là sự cố chưa từng có tiền lệ trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam.
Phát biểu mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã hết lời khen ngợi Thống đốc Nguyễn Thị Hồng và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã cùng Chính phủ, toàn hệ thống ngân hàng, vượt qua “cơn bão lớn” như SCB.
VND là một trong những đồng tiền ổn định trên thế giới và khu vực
Ngày 21/9 tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong năm 2022, trước những khó khăn “chưa từng có trong tiền lệ”, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức cao, lạm phát trong tầm kiểm soát, thị trường tiền tệ ngoại hối ổn định, tỷ giá, lãi suất được điều hành phù hợp.
Theo Thống đốc, VND là một trong những đồng tiền ổn định trên thế giới và khu vực, mặt bằng lãi suất giảm dần. Bà Hồng nhấn mạnh, những thành quả đó được các nhà đầu tư trong nước, thế giới ghi nhận.
Bước sang năm 2023, bối cảnh trong nước đang ở giai đoạn vô cùng khó khăn, thách thức, bối cảnh thế giới biến động phức tạp khó lường, ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, xung đột Nga-Ukraina, lạm phát tăng cao trên toàn cầu, chính sách thắt chặt tiền tệ của một số nước. Thống đốc lưu ý, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nhập khẩu nên không thể tránh khỏi ảnh hưởng. Bên cạnh đó, vốn của nền kinh tế lại phụ thuộc lớn vào ngân hàng, tỷ lệ tín dụng/GDP đã ở mức cảnh báo, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chậm lại.
“Việc điều hành chính sách tiền tệ cũng không nằm ngoài thách thức đó”, - Thống đốc lưu ý.
NHNN nỗ lực gỡ khó cho nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân
Theo chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, NHNN đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tập trung vào 3 động lực chính là xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư. Về tín dụng, theo bà Hồng, đây là một lĩnh vực rất được quan tâm. Theo thống kê, tín dụng 8 tháng đầu năm 2023 tăng 5.33%, trong khi tín dụng cả năm 2022 tăng hơn 14%. Theo Thống đốc, điều này có có nhiều nguyên nhân cần được phân tích.
Về vấn đề tiếp cận tín dụng và tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, trong gần 9 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức 2 hội nghị, 5 cuộc họp với các bộ ngành, hiệp hội. Bản thân NHNN đã tổ chức 11 hội nghị, cuộc họp bàn, ban hành 11 văn bản chỉ đạo về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) có báo cáo cho biết, NHNN đã điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Sau 4 lần giảm lãi suất liên tiếp với mức giảm 0.5-2%, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp để giảm lãi suất đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới, đến nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) cam kết tổng tiền lãi được giảm khoảng 19,000 tỷ đồng.
Bà Thu Giang cho hay, trong những ngành, lĩnh vực chủ chốt, NHNN triển khai các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng.
Cụ thể, đối với lĩnh vực bất động sản, về việc triển khai chương trình 120,000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ, Ngân hàng BIDV và Agribank đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 3 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Ninh với số tiền giải ngân đạt 82.7 tỷ đồng.
Vượt bão lớn từ sự cố SCB
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã dành nhiều lời khen cho Thống đốc Nguyễn Thị Hồng và ban lãnh đạo NHNN Việt Nam vì đã điều hành ngành ngân hàng vượt qua cơn bão lớn với những khó khăn chưa từng có tiền lệ.
Đồng tình với chia sẻ của đại diện NHNN và các báo cáo liên quan, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh cho rằng, sau thời gian ngành ngân hàng nói riêng, nền kinh tế nói chung, đặc biệt là ngành ngân hàng đứng trước cơn bão toàn cầu về lĩnh vực tài chính tiền tệ.
“Bên cạnh đó, chúng ta gặp bão trong nội địa”, ông Thanh nói và dẫn lại việc ngày 6/10/2022, sự cố SCB lúc đó như cơn bão lớn trong nội địa đe dọa sự ổn định của cả hệ thống ngân hàng, nguy cơ rất nghiêm trọng có tính lây lan, nếu không kịp thời sẽ có sự đổ vỡ không nhỏ, loạt vấn đề về kinh tế khác cũng rất khó khăn”, - Chủ tịch Hà Nội nhắc lại và khẳng định, đến thời điểm này, mọi việc được Ngân hàng Nhà nước xử lý tốt.
Ông Trần Sỹ Thanh cho rằng, vào thời điểm khó như vậy, cả doanh nghiệp và ngân hàng có thể cùng ngồi với nhau tham dự kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn thành phố là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, của Chính phủ, và sự nỗ lực của bản thân ngành ngân hàng, đặc biệt là NHNN, trong đó có Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.
“Chúng ta đã vượt qua cơn giông bão đó, bình tĩnh hơn để điều chỉnh lại các mục tiêu, chiến lược, giải pháp, đối sách để ổn định ngành ngân hàng, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội”, - lãnh đạo Hà Nội nêu rõ và đề nghị chúc mừng Thống đốc cũng như lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước về kết quả đã đạt được.
Theo ông Trần Sỹ Thanh, đây là thành tích rất lớn, không chỉ được ghi nhận được lãnh đạo trong nước mà thế giới cũng đánh giá rất cao kết quả trong lĩnh vực này.
Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho biết, 9 tháng năm 2023 kinh tế cả nước và Hà Nội đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức. Thu ngân sách đạt trên 83%, đầu tư công đạt 53%. Cũng trong 9 tháng, thành phố đạt trên 3 triệu tỷ đồng dư nợ trên địa bàn Hà Nội, tăng 10,65% so với 31/12/2022 – gấp đôi tín dụng cả nước. Quy mô tín dụng của Hà Nội đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau TPHCM. Kết quả đó đóng góp vào kết quả kinh tế của Hà Nội. Ông Trần Sỹ Thanh đánh giá đây là nỗ lực và cố gắng vô cùng lớn của các doanh nghiệp, ngân hàng.
“Những con số đó cũng làm ấm lòng đối với người dân thủ đô, an tâm với các đồng chí lãnh đạo”, - ông Trần Sỹ Thanh cho biết.
‘Hết khả năng hấp thụ, đưa nhân sâm vào cũng chết’
Lưu ý việc Hà Nội là địa bàn đặc biệt, trung tâm kinh tế lớn của cả nước, đồng thời là nơi đóng trụ sở tập đoàn của các doanh nghiệp lớn, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh kỳ vọng, sau hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp này NHNN có hướng dẫn các ngân hàng cải cách hành chính, thủ tục gỡ khó cho doanh nghiệp.
“Hơn 370.000 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội với những số phận khác nhau. Các ngân hàng đã quan tâm rồi, mong các ngân hàng tiếp tục quan tâm hơn nữa để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn phục hồi sản xuất kinh doanh”, - ông Thanh bày tỏ.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ví von, doanh nghiệp như cơ thể người, lúc doanh nghiệp còn khả năng hấp thụ thì chỉ cần đưa nước hay chút cháo loãng vào thôi là họ sống. Còn khi doanh nghiệp mất khả năng hấp thụ thì ngân hàng có đưa nhân sâm vào họ vẫn chết.
Nêu nhận xét về thiếu sót trong công tác truyền thông liên quan đến các chính sách tài chính, tiền tệ, có nhiều gói tín dụng hỗ trợ, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, thậm chí khi khảo sát cộng đồng doanh nghiệp có tới hơn 29% không hề biết đến những gói hỗ trợ lãi suất này.
“Chúng ta cứ nghĩ đưa lên tivi phát vào lúc 19 giờ, 24 giờ… rồi là coi như toàn dân biết. Trong khi hiện nay thị phần ti vi bị cạnh tranh, không phải ai cũng có thời gian xem. Doanh nghiệp thì lăn lộn làm ăn, di chuyển trên xe liên tục, 7 - 8 giờ tối chưa về đến nhà thì xem lúc nào”, - ông Thanh thẳng thắn.
Do đó, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đề nghị ngành ngân hàng có cách thức truyền thông ra sao để doanh nghiệp, người dân cùng biết đến sâu, rộng các chính sách tiền tệ, tài chính, gói hỗ trợ mà tìm đến vay.
Về vấn đề chi phí lãi vay và việc phê duyệt thủ tục cho vay kéo dài, ông đề xuất, các ngân hàng có thể linh động cho những doanh nghiệp đã từng đồng hành cùng ngân hàng trong thời gian dài, hoặc các doanh nghiệp đã được thẩm định có dự án tốt.
Với chu kỳ vay như hiện nay, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn do thị trường bị biến động, điều này có thể khiến doanh nghiệp bị cắt đi vốn lưu động. Chính vì vậy, ông Thanh đề nghị, cách tổ chức quy trình cho vay trong từng bối cảnh cần có cách ứng xử phù hợp. Đồng thời, đề nghị các ngân hàng thương mại tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh nhất.
Về vấn đề trả nợ trước hạn, lãnh đạo thành phố cho rằng, khi doanh nghiệp đang thuận lợi, việc chịu chi phí trả nợ trước hạn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp gặp khó khăn khi bị tác động bởi bối cảnh kinh tế, NHNN và các Ngân hàng thương mại (NHTM) cũng cần công bố một giai đoạn cụ thể để hỗ trợ chi phí trả lãi cho doanh nghiệp. Giai đoạn có thể áp dụng từ thời điểm này cho đến khi có thông báo mới.
Điều hành tỷ giá trên góc độ tổng thể của nền kinh tế
Lắng nghe những vấn đề, đề xuất của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN và ngành ngân hàng nói chung rất chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp.
Hiện nay Luật tổ chức tín dụng quy định các tổ chức tín dụng yêu cầu khách hàng vay vốn phải cung cấp tài liệu chứng minh phương án dự án khả thi, khả năng tài chính để đảm bảo khả năng trả nợ, mục đích sử dụng vốn đúng mục đích. Thông tư hướng dẫn của NHNN cũng quy định như vậy.
“Tuy nhiên, NHNN không quy định khoản vay bắt buộc phải có tài sản đảm bảo (thực tế các tổ chức tín dụng vẫn cho vay tín chấp nếu khách hàng chứng minh được khả năng trả nợ). NHNN cũng không quy định tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản đảm bảo và không quy định tài liệu khách hàng phải cung cấp cho tổ chức tín dụng để chứng minh đủ điều kiện vay vốn”, - theo Thống đốc.
Lãnh đạo NHNN đề nghị các ngân hàng rà soát, thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tham mưu để có thể điều chỉnh tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo an toàn hệ thống.
Về tỷ giá, Thống đốc cho hay, trong tổng hợp báo cáo của các đơn vị gửi ngân hàng, có doanh nghiệp xuất khẩu đề nghị phá giá đồng Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhập khẩu lại phản ánh nếu đồng Việt Nam phá giá thì làm cho các doanh nghiệp nhập khẩu bị nhỡ.
“Điều hành tỷ giá trên góc độ tổng thể của nền kinh tế. Tỷ lệ nhập khẩu trên GDP gần 100%, đây là bài toán rất khó khăn, NHNN đang theo dõi từng ngày từng giờ”, - Thống đốc nhấn mạnh NHNN điều hành chính sách tiền tệ làm sao để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định được thị trường tiền tệ ngoại hối, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.