Cạnh tranh khốc liệt
Theo Tech in Asia, Bà Cao Thị Ngọc Loan, Giám đốc điều hành tạm thời của Baemin, đã thông báo quyết định này trong một email gửi đến nhân viên. Bà Loan đã chia sẻ rằng:
"Quyết định của chúng tôi về việc ngừng hoạt động tại Việt Nam không phải là một quyết định được đưa ra dễ dàng."
Bà Ngọc Loan đã nhận chức CEO sau khi ông Jinwoo Song từ chức vào tuần trước. Bà lý giải rằng:
"Thật không may, quyết định này đã được thúc đẩy bởi môi trường giao đồ ăn đầy thách thức tại Việt Nam, với mức độ ứng biến cao, cạnh tranh gay gắt và kỳ vọng lớn từ phía người tiêu dùng."
Tin tức về việc Baemin ngừng hoạt động tại một số địa điểm và công ty mẹ Delivery Hero đang đàm phán để bán Foodpanda tại khu vực Đông Nam Á đã gây ảnh hưởng đến số lượng nhân viên tại Baemin Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có thông tin cụ thể về số lượng sẽ nghỉ việc.
Delivery Hero cũng đang xem xét việc thu nhỏ hoạt động của Baemin tại Việt Nam, có thể là bước chuẩn bị cho việc rút lui hoàn toàn khỏi thị trường này. Công ty đã ngừng hoạt động tại một số địa phương như Thái Nguyên, Hội An và Bắc Ninh.
Thị phần thấp hơn nhiều so với các đối thủ
Giám đốc điều hành của Delivery Hero, Niklas Östberg đã đánh giá tích cực về triển vọng kinh doanh của công ty tại châu Á. Tuy nhiên, Việt Nam là trường hợp duy nhất, nơi hoạt động kinh doanh không mang lại lợi nhuận.
Mặc dù Baemin Việt Nam cạnh tranh với Grab, Gojek và Shoppee Food trong lĩnh vực giao đồ ăn, nhưng họ không cung cấp dịch vụ gọi xe. Các dịch vụ khác của Baemin bao gồm đi chợ (Baemin Mart), siêu thị đồ Hàn (Youth Market), mỹ phẩm tiện lợi (Lazy Bee), văn phòng phẩm (Baemin Studio), và thực phẩm đóng gói chế biến sẵn (Mama Woo).
Dựa trên báo cáo của Momentum Works, Baemin chỉ chiếm 12% thị phần vào năm 2022, thấp hơn rất nhiều so với Grab (45%) và ShopeeFood (41%).