Theo đề xuất, các tuyến quốc lộ được đề xuất cải tạo, nâng cấp trong dự án gồm Quốc lộ 279, Quốc lộ 4H và Quốc lộ 217 với tổng chiều dài 186 km.
Dự án quan trọng này nhằm tăng cường kết nối hành lang Đông - Tây, góp phần thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam với vùng Bắc Lào và Trung Quốc.
Nâng cấp quốc lộ nối với Bắc Lào và Trung Quốc
Theo thông tin từ Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam vừa đề xuất dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ kết nối với Bắc Lào và Trung Quốc, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB).
Động thái này diễn ra sau khi Cục Đường bộ Việt Nam đã nhận được văn bản đề xuất của Ban Quản lý dự án 4, như Sputnik đã thông tin trước đó.
Theo đó, QL279 đoạn Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang, tỉnh Điện Biên có tổng chiều dài tuyến đầu tư hơn 38 km.
Việt Nam dự kiến sẽ đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến quốc lộ Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang bảo đảm quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe, nền đường rộng 12 m.
Trong khi đó, tuyến QL4H (đoạn Km 0+00 - Km 47+00; đoạn Km 147+200 - Km 165+500 và nhánh ra cửa khẩu A Pa Chải) có chiều dài đầu tư hơn 94 km.
Tuyến này sẽ được đầu tư cải tạo, nâng cấp bảo đảm quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp IV miền núi, 2 làn xe.
Tuyến QL217 đoạn từ QL1 đến đường Hồ Chí Minh, tỉnh Thanh Hóa dài hơn 52 km sẽ được đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến bảo đảm quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe, bề rộng nền đường là 12m.
Riêng đoạn Km 8+400 - Km 13+255 sẽ được xây dựng quy mô nền đường 17m và mặt đường 15m để đồng bộ với quy mô tuyến đường trung tâm khu đô thị Bồng đang được đầu tư xây dựng.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, việc đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh tuyến QL217 theo quy mô mạng lưới đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tạo điều kiện để phát triển giao thương hàng hóa giữa hai nước Việt Nam - Lào thông qua cửa khẩu quốc tế Na Mèo, thuận lợi kết nối với hệ thống vận tải Bắc - Nam và các cảng biển trong khu vực.
Theo đề xuất của Cục Đường bộ, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.419 tỷ đồng, tương đương khoảng 340 triệu USD.
Vay vốn WB
Theo đề xuất của Cục Đường bộ, Bộ GTVT, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.419 tỷ đồng, tương đương khoảng 400 triệu USD.
Trong đó, Việt Nam sẽ dùng vốn vay WB khoảng hơn 7.500 tỷ đồng, tương đương khoảng 315 triệu USD cho chi phí xây dựng, thiết bị trước thuế.
Vốn vay từ WB cũng sẽ được dùng chi trả cho chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật/tư vấn thiết kế bản vẽ thi công trước thuế, chi phí tư vấn giám sát thi công trước thuế, chi phí dự phòng cho các hạng mục trên.
Nguồn vốn đối ứng trong nước khoảng 1.900 tỷ đồng, tương đương khoảng 81 triệu USD, được sử dụng cho các hạng mục chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng còn lại, chi phí khác, chi phí giải phóng mặt bằng, các loại thuế, phí, chi phí dự phòng.
Bộ GTVT đánh giá, việc đầu tư dự án góp phần nâng cao năng lực thông hành, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, rút ngắn khoảng cách giữa các cửa khẩu với các cảng biển, giảm thời gian chạy xe qua đó giảm được chi phí vận tải, giảm ô nhiễm môi trường, giảm thiểu tai nạn giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dự án.
Từ đó, tăng cường kết nối hành lang Đông - Tây, góp phần thúc đẩy giao thương với vùng Bắc Lào và Trung Quốc.
Cục Đường bộ Việt Nam tính toán, dự án được thực hiện trong 5 năm sau khi Hiệp định tài trợ có hiệu lực, dự kiến từ năm 2025 - 2029.