Trước đó, Việt Nam được đưa vào danh sách theo dõi từ tháng 9/2018. Như vậy, đã tròn 5 năm kể từ khi tổ chức xếp hạng FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng thị trường chứng khoán nhưng quốc gia Đông Nam Á vẫn chưa thể nâng hạng thành công.
Việt Nam vẫn chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp
Theo kết quả xếp hạng thị trường vừa được FTSE Russell công bố ngày 28/9, Việt Nam vẫn chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging market).
Căn cứ vào danh sách phân hạng các thị trường cổ phiếu kỳ đánh giá tháng 9/2023 được tổ chức FTSE Russell công bố, Việt Nam tiếp tục được FTSE duy trì trong danh sách chờ xem xét nâng hạng từ thị trường Mới nổi lên thị trường Cận biên.
Cụ thể, danh sách chờ xét phân hạng tháng 9/2023 của FTSE như sau:
Việt Nam: khả năng tái phân hạng từ thị trường Cận biên lên Mới nổi thứ cấp.
Ai cập: khả năng tái phân hạng từ thị trường Mới nổi thứ cấp thành Không phân hạng.
Pakistan: khả năng tái phân hạng từ thị trường Mới nổi thứ cấp thành thị trường Cận biên.
Như đã biết, thuộc sở hữu của Sở giao dịch chứng khoán. London, FTSE Russell là một trong ba công ty cung cấp chỉ số hàng đầu thế giới bao gồm MSCI, FTSE.
Tương tự như MSCI, sự phân hạng thị trường của FTSE là cơ sở tham chiếu đánh giá vị thế một quốc gia, thị trường và doanh nghiệp trong mắt các nhà đầu tư quốc tế và có ảnh hưởng lớn tới các chỉ số tiêu chuẩn toàn cầu. FTSE duy trì phân loại các nền kinh tế theo 4 hạng: Thị trường phát triển, thị trường mới nổi tiên tiến, thị trường mới nổi thứ cấp và thị trường cận biên. Hiện Việt Nam đang ở mức thấp nhất.
Vì sao Việt Nam chưa được nâng hạng?
Ở lần công bố này, FTSE Russell có một số đánh giá về tiến triển của các thị trường trong danh sách chờ xét hạng từ tháng 3/2023.
Theo đó, Việt Nam được đưa vào danh sách chờ xét phân hạng vào tháng 9/2018 với khả năng được tái phân hạng lên thị trường Mới nổi.
Sự tiến triển đã chậm hơn so với dự kiến, một phần là do đại dịch Covid-19, tuy nhiên, theo FTSE Russell, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí về “Chu kỳ thanh toán (DVP)”, hiện đang được đánh giá là “Còn hạn chế” (Restricted) do thông lệ thị trường thực hiện việc kiểm tra trước giao dịch để đảm bảo có sẵn tiền trước khi thực hiện giao dịch.
Như vậy, nghiễm nhiên là thị trường không có các giao dịch thất bại (failed trades), tiêu chí “Thanh toán – các chi phí liên quan đến giao dịch thất bại” không được đánh giá.
Bên cạnh đó, yêu cầu phải có những cải thiện đối với quy trình đăng ký mở tài khoản, cũng như đưa ra cơ chế có hiệu quả nhằm tạo thuận lợi cho giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài giao dịch các chứng khoán đã chạm hoặc gần chạm mức giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
Dù vậy, FTSE Russell cũng có một số đánh giá tích cực dành cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo tổ chức này, mặc dù tiến triển về các cải cách dự kiến còn chậm, tuy nhiên các cấp lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã thể hiện tái cam kết của mình đối với các công việc cần phải thực hiện.
“Hơn nữa, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã cho thấy luồng năng lượng tươi mới trong việc tìm kiếm giải pháp có thể triển khai để gỡ bỏ yêu cầu cần ký quỹ trước giao dịch (pre-funding)”, FTSE Russell nhận xét.
FTSE Russell sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác xây dựng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Nhóm Ngân hàng Thế giới và Ernst & Young - các đối tác hỗ trợ chương trình cải cách thị trường, cũng như các cơ quan quản lý thị trường khác.
Việc phân định cuối cùng về vai trò và trách nhiệm cần có trong mô hình thanh toán theo quy định của luật mới vẫn là một bước trọng yếu.
FTSE Russell tiếp tục khuyến khích các cơ quan quản lý của Việt Nam phải đưa ra hướng dẫn rõ ràng hơn về các bước cũng như khung thời gian cho việc triển khai.
“Việt Nam vẫn duy trì trong danh sách chờ xét phân hạng và đã được rà soát cho khả năng tái phân hạng thành thị trường Mới nổi thứ cấp trong đợt rà soát giữa kỳ trong kế hoạch tái phân hạng thị trường cổ phiếu của FTSE vào tháng 3/2024”, FTSE Russell lưu ý.
Lo ngại
Trước đó, FTSE Russell cho biết, họ rất lo ngại sự thiếu rõ ràng về thời điểm trong việc thực hiện cải tổ thị trường của Việt Nam.
“Nếu thông tin về việc cải tổ vẫn chưa rõ ràng trước tháng 9/2023 hoặc lộ trình thực hiện bị kéo dài, FTSE Russell có thể cân nhắc lại việc giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng”, thông báo khẳng định.
Theo SSI Research, việc nâng hạng thị trường sẽ mang lại vị thế mới cho thị trường Việt Nam, đồng thời thu hút nguồn vốn đầu tư. Nhìn chung các tiêu chí định lượng không phải trở ngại lớn với Việt Nam vì trên thị trường đã có đủ số lượng cổ phiếu đại diện. Nhóm tiêu chí định tính mới là những rào cản chính trong quá trình nâng hạng.
SSI cho biết, trong số các tiêu chí định tính mà tổ chức xếp hạng FTSE Russel và MSCI đưa ra, các yêu cầu từ FTSE Russel đơn giản hơn. Tuy nhiên, cả FTSE hay MSCI đều nhắc về điểm hạn chế của Việt Nam là lưu ý quy định phải có tiền trước khi giao dịch (prefunding).
SSI nhấn mạnh, việc thỏa mãn yếu tố này (hoặc có thể ít nhất thực hiện giao dịch ký quỹ cho các nhà đầu tư nước ngoài) nên được được áp dụng sớm hơn so với việc nới sở hữu, tuy nhiên cần nhìn nhận là cả hai chính sách/biện pháp này tốt nhất cần được phối hợp cùng nhau để đưa lại hiệu quả tối đa của quá trình đón nhận dòng vốn từ nước ngoài vào.
SSI cũng thừa nhận, việc vận hành hệ thống KRX là điều kiện cần và sự xuất hiện của cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) là điều kiện đủ để các giao dịch này được thực hiện và kiểm soát rủi ro về mặt thanh toán, trong trường hợp giao dịch không được thực hiện.
Tuy nhiên, để làm được cần sự tham gia từ các bên gồm cả cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà Nước, Bộ Tài chính hay Ủy Ban Chứng khoán và hệ thống Luật liên quan cần phải sửa đổi như Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.
Nỗ lực của Việt Nam
Thời gian qua, các cơ quan quản lý của Việt Nam cũng đã có những động thái nỗ lực nhằm đạt nâng hạng thị trường, đồng thời đưa ra kế hoạch vận hành hệ thống giao dịch mới (KRX) tuy nhiên chưa đạt nhiều tiến bộ đáng kể.
Hôm 29/8/2023, tại Hong Kong (Trung Quốc), Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cũng khẳng định, nâng hạng thị trường chứng khoán là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ Việt Nam đang hướng tới.
Mục tiêu này đã được đưa vào Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”; đồng thời, cũng đã được đưa vào trong dự thảo “Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030”.
Lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán cho hay, thời gian qua, UBCKNN đã chủ động, tích cực có nhiều hoạt động phối hợp với các cơ quan, bộ ngành, tổ chức liên quan để trao đổi, xác định rõ các tiêu chí, các nhóm vấn đề vướng mắc cần giải quyết, đề xuất giải pháp để giải quyết từng nhóm vấn đề một cách toàn diện, dài hạn, hướng tới cải thiện đánh giá đối với thị trường chứng khoán mang tính bền vững.
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức nhiều cuộc họp, trao đổi với các tổ chức xếp hạng thị trường (MSCI, FTSE Russell), các thành viên thị trường, các bộ ngành có liên quan, đồng thời tham vấn từ Ngân hàng Thế giới, kể cả trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
“Cơ quan quản lý cũng thường xuyên trao đổi với MSCI và FTSE Russell nhằm cập nhật thông tin thực tế tới các tổ chức này, cũng như để các cơ quan quản lý hiểu rõ các các yêu cầu, tiêu chí từ các tổ chức, từ đó có các giải pháp sửa đổi, hoàn thiện. Bộ Tài chính, UBCKNN đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan bộ, ngành, các tổ chức, thành viên thị trường để có những giải pháp giải quyết, tháo gỡ các nhóm vấn đề”, bà Chân Phương rất mong Việt Nam sẽ sớm đạt nâng hạng thị trường chứng khoán.
Phát biểu tại cuộc tọa đàm với doanh nghiệp và các tổ chức đầu tư tại Hoa Kỳ ngày 22/9/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, mục tiêu của Việt Nam là xây dựng và phát triển một thị trường chứng khoán công khai, minh bạch, lành mạnh và bền vững, nhằm thu hút được các nguồn lực của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, ngoài nước tham gia.
Việt Nam cũng xác định, các thị trường, bao gồm cả thị trường chứng khoán được xây dựng đều phải hội nhập quốc tế, tiệm cận dần các chuẩn mực quốc tế và tham gia vào các tổ chức hay các hoạt động chung của quốc tế.
“Hiện Việt Nam đang cố gắng và nỗ lực hết mình để nâng hạng thị trường chúng khoán từ cận biên lên mới nổi”, Thủ tướng cho biết.