Biển Đông

Thái độ mới của Philippines trong cạnh tranh địa chiến lược Trung – Mỹ tại Biển Đông

Những sự vụ mới xảy ra trong một tuần qua cho thấy sự thay đổi chính sách của Philippines đối với Trung Quốc, thời kỳ hòa hoãn và “đóng băng” những tranh chấp giữa Trung Quốc với Philippines đã kết thúc. Tình hình tại Biển Đông có xu hướng gia tăng căng thẳng.
Sputnik
Vừa qua, ngày 25/9, lực lượng tuần duyên của Philippines thông báo đã gỡ thành công đoạn phao chắn dài khoảng 300m" của Trung Quốc. Philippines nói nhằm mục đích bảo vệ quyền của ngư dân" Philippines tại khu vực bãi cạn Scarborough.
Ngay hôm sau, 26/9, tại cuộc họp báo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân lên tiếng cảnh báo hành động của Manila.
Ngày 27/9, Philippines tuyên bố sẽ giành lại quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough (Philippines gọi là Bajo de Masinloc) từ tay Trung Quốc và đang xây dựng chiến lược để thực hiện.
Trước đó, Philippines tuyên bố sẽ đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), cáo buộc Bắc Kinh có hành động phá hoại môi trường ở Biển Đông.

Philippines thể hiện mức độ cứng rắn gia tăng

“Những sự vụ mới xảy ra trong một tuần qua cho thấy sự thay đổi chính sách của Philippines đối với Trung Quốc, thể hiện rằng mức độ cứng rắn đã gia tăng. Nó cho thấy sự tiếp diễn có logic của việc Trung Quốc chiếm đóng bãi cạn Scarborough năm 2012 vốn là một phần nguyên nhân của vụ kiện phía Trung Quốc do Philippines đứng nguyên đơn tại Tòa Trọng tài quốc tế PCA năm 2016”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Hoàng bình luận với Sputnik.
Scarborough là một bãi cạn nằm cách đảo Luzon của Philippines 230km và cách bờ biển Đông Nam Trung Quốc khoảng 1.000km. Xét theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, bãi cạn này hoàn toàn nằm trong Vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Vì vậy, Philippines có những quyền tài phán đối với bãi cạn này theo quy định của UNCLOS-1982. Còn Trung Quốc thì không thể có bất cứ một căn cứ pháp lý quốc tế nào để đòi hỏi chủ quyền đối với bãi cạn này.
“Vì vậy, việc Philippines bắt đầu loạt hành động mà họ gọi là “giành lại chủ quyền” bằng việc vô hiệu hóa hơn 300m phao mà Trung Quốc đã cài đặt trước đó ngay sau khi Trung Quốc dùng “súng phun nước” bắn vào các tàu đánh cá của Philippines đã tạo nên một cuộc khẩu chiến mới giữa Manila và Bắc Kinh. Thời kỳ hòa hoãn và “đóng băng” những tranh chấp giữa Trung Quốc với Philippines đã kết thúc với sự ra đi của tổng thống Rodrigo Duterte. Một chu kỳ gia tăng căng thẳng mới có thể lại bắt đầu”, - Chuyên gia Nguyễn Hoàng nhận định.
Nhưng lần này, Philippines có những quân bài mới.
Biển Đông
Philippines: Khả năng tái diễn vụ kiện Trung Quốc thứ hai

Những quân bài mới của Philippines

Trước hết là tiềm lực quân sự phòng thủ biển và bờ biển của Philippines đã được cải thiện đáng kể. So với cách đây hơn 10 năm, quân đội Philippines đã được cải tổ và gia nhập vào làn sóng chạy đua vũ trang ở Đông Nam Á.
Trong 4 năm (2014-2017), Philippines đã chi 1,8 tỷ USD để mua sắm máy bay đa nhiệm F/A-18 của Lockheed Martin, Saab JAS 39 “Gripen” của Thụy Điển, F/A-50 (T-50) của Hàn Quốc… Năm 2021, ngoài 8 tàu hộ vệ săn ngầm lớp Hamilton đã qua sử dụng do Mỹ chuyển giao, Philippines còn mua thêm 2 tàu hộ vệ tên lửa đa nhiệm lớp Pohang từ Hàn Quốc, 3 tàu đổ bộ từ Australia và 6 tàu pháo tuần duyên từ Nhật Bản.
Năm 2023, Philippines đã gấp rút trang bị cho thủy quân lục chiến 3 tổ hợp tên lửa chống hạm siêu âm BrahMos mua của Ấn Độ, trang bị các tổ hợp tên lửa phóng loạt cơ động cao M142 (HIMARS) cho lục quân. Philippines cũng đang đàm phán để mua tàu ngầm lớp Scorpène của Pháp. Đồng thời, 2 khinh hạm mà Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) chế tạo theo hợp đồng năm 2018 đã được bàn giao cho Bộ Quốc phòng Philippines. Tổng số ngân sách chi tiêu quốc phòng của Philippines từ năm 2021 đến năm 2023 lên tới hơn 4,3 tỷ USD/năm, gấp nhiều lần giai đoạn trước đó.

“Với tiềm lực quân sự đã được cải thiện rất đáng kể, Philippines đã có một vị thế quân sự mới ở Biển Đông, xóa bỏ hình ảnh cách đây hơn 10 năm về một quân đội yếu đuối, trang bị ọp ẹp với những tàu chiến cũ kỹ mà hải quân Mỹ thường dùng để làm bia để tập bắn. Và chỉ với tiềm lực quân sự được gia tăng đó, Philippines mới có thể có tiếng nói cứng rắn hơn với Trung Quốc tại những vùng biển có tranh chấp giữa nước này với Trung Quốc.

Mặc dù xét về tổng lực thì Philippines không thể sánh được với một cường quốc có vũ khí hạt nhân như Trung Quốc”, - Đại tá, nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Khoa giáo (BCA) đánh giá tiềm năng quân sự của Philippines hiện nay trong trả lời phỏng vấn cho Sputnik.

Những tín hiệu mới từ hai bên Trung và Mỹ

Các chuyên gia Sputnik phỏng vấn đều nhận định, nước lớn đứng sau lưng Philippines chắc chắn là Mỹ. Ngoài ra, một số cường quốc trong NATO như Anh, Pháp, Đức… cũng tuyên bố đứng về phía Philippines nếu như xung đột nổ ra giữa Philippines với Trung Quốc. Chỉ cần nhìn vào sự thay đổi thái độ của Bắc Kinh đối với sự kiện hải quân Philippines tháo dỡ rào chắn nổi mà lực lượng hải cảnh Trung Quốc cài đặt ở cửa vào lòng hồ trong bãi cạn Scarborough, chúng ta có thể thấy rõ những tín hiệu mới từ hai bên.
Ngày 26/9, sau khi Manila tuyên bố phá bỏ đoạn phao nổi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã đưa ra những tuyên bố cứng rắn. Ông nói rằng: “Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hàng hải của đảo Hoàng Nham. Chúng tôi khuyên Philippines không nên khiêu khích hay gây rắc rối” (Trung Quốc gọi bãi cạn Scarborough là Hoàng Nham).
Lập tức, người Mỹ có phản ứng. Ngày 27/9, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Nam Á và Đông Nam Á Lindsey Ford tuyên bố trong phiên điều trần trước tiểu ban về Ấn Độ - Thái Bình Dương, Ủy ban Đối ngoại Hạ nghị viện Mỹ: “Philippines gần đây đã có bước đi táo bạo trong việc bảo vệ chủ quyền, bằng cách loại bỏ dây phao do tàu hải cảnh Trung Quốc thả gần bãi cạn Scarborough trên Biển Đông”. Bà này cũng tuyên bố rằng tuân thủ hoàn toàn những cam kết an ninh của Washington với Manila, và cam kết áp dụng trong cả trường hợp lực lượng vũ trang Philippines, bao gồm Cảnh sát biển Philippines, bị tấn công trên Biển Đông. Đây có lẽ là một lời nhắc nhở rằng Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ – Philippines được hai bên ký kết từ năm 1951 vẫn còn hiệu lực.
Trước tình huống này, phía Trung Quốc đã lâm vào cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Trong khi tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra các tuyên bố cứng rắn thì cũng trong ngày 27/9, ông Gan Yu, phát ngôn viên hải cảnh Trung Quốc nói rằng Trung Quốc tạm thời triển khai dây phao để ngăn chặn tàu Philippines tiến vào bãi cạn, và sau đó đã chủ động thu hồi và tiếp tục kiểm soát bình thường khu vực này. Còn phía hải quân Philippines thì tiếp tục khẳng định rằng họ tiến hành “hoạt động đặc biệt” theo chỉ thị của Tổng thống Ferdinand Marcos để vô hiệu hóa dàn dây phao đó.
“Có lẽ sự công khai chống lưng của Washington trong vụ việc này có thể làm cho phía Trung Quốc phải “cải biến” một phần thông tin để “giảm nhẹ căng thẳng” mặc dù vẫn khẳng định chủ quyền mà họ cho là của mình. Còn về phía Philippines, rất có thể họ không dừng lại ở một sự việc nho nhỏ này mà sẽ còn tiếp tục duy trì và khuếch trương sự hiện diện của mình tại vùng bãi cạn hẻo lánh ở Đông Bắc Biển Đông nhưng lại có vị trí địa quân sự rất quan trọng đối với họ mà trực tiếp liên quan là đảo Luzon, đảo lớn nhất và có giá trị nhất trong quần đảo Philippines”, - Đại tá, nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nói với Sputnik.

“Chính vì được chống lưng mạnh nên Philippines đã có những tuyên bố rất mạnh mẽ. Hôm 27/9, phó đô đốc Alberto Carlos, chỉ huy Bộ tư lệnh miền Tây (WESCOM) quân đội Philippines tuyên bố, Philippines sẽ dỡ bỏ bất kỳ dây phao nổi nào mà hải cảnh Trung Quốc có thể bố trí ở các khu vực tranh chấp. "Họ rải gì thì chúng tôi gỡ cái đó", - Phó đô đốc Alberto Carlos nói cứng rắn. Tình hình đang có xu hướng leo thang căng thẳng”, - TS quan hệ quốc tế Hoàng Giang phát biểu với Sputnik.

Biển Đông
Thiết bị gắn mác "Made in China" chinh phục Biển Đông

Việt Nam luôn chủ trương giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, lấy đối thoại thay cho đối đầu

Việt Nam không có tranh chấp chủ quyền ở vùng biển nói trên, nhưng có thể nói, trong vấn đề Biển Đông Việt Nam có hành động sáng suốt và luôn tránh leo thang căng thẳng.
Theo UNCLOS-1982, Việt Nam không có quyền lợi gì ở bãi cạn Scarborough, Tuy nhiên, vì Philippines là một thành viên của ASEAN và Trung Quốc là một trong các đối tác chiến lược của cả ASEAN và Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam luôn chủ trương giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, lấy đối thoại thay cho đối đầu, tích cực xây dựng lòng tin, giảm căng thẳng bằng các các biện pháp ngoại giao dựa trên công pháp quốc tế.
Tại Hội nghị AMM+ với các đối tác của ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 2023, Việt Nam khẳng định rằng Biển Đông là tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới, do đó việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển này không chỉ là lợi ích và trách nhiệm chung của ASEAN và Trung Quốc, mà còn thể hiện trách nhiệm của hai bên đối với cộng đồng quốc tế.
“Theo quan điểm của Việt Nam thì những hành động gây hấn hoàn toàn không có lợi cho việc tiến tới một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Hoàng nhấn mạnh với Sputnik.
Chuyên gia Nguyễn Hoàng cũng nói thêm rằng, người đời vẫn có câu cửa miệng rằng “muốn đi nhanh thì hãy đi một mình, còn muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”. Vì các đích cao nhất mà các nước ASEAN muốn đạt được chính là COC nên trong khi đẩy mạnh các nỗ lực đạt được Bộ Quy tắc COC thực chất, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và UNCLOS, được cộng đồng quốc tế ủng hộ, các nước cần thực hiện nghiêm túc và đầy đủ mọi điều khoản của DOC. Nỗ lực này cũng sẽ góp phần tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC.
Những hành động khôn khéo và sáng suốt của Việt Nam không chỉ góp phần làm giảm leo thang căng thẳng, tránh xung đột ở Biển Đông mà còn là những yêu cầu các quốc gia trên thế giới dù không tiếp giáp với Biển Đông nhưng cũng cần có trách nhiệm với khu vực biển cực kỳ quan trọng này của thế giới.
“Họ cần hợp tác với các quốc gia ven Biển Đông để vì hòa bình, hữu nghị và phát triển chứ không nên có các hành động phân biệt đối xử, nhất là không bao giờ được “đổ dầu vào lửa”, không được trục lợi ích kỷ để duy trì ưu thế địa chiến lược, địa chính trị của riêng mình đối với đối thủ mà hy sinh lợi ích của các quốc gia ven Biển Đông, hy sinh lợi ích của các quốc gia khác có sử dụng Biển Đông để phát triển giao thông quốc tế trong hệ thống kết nối logistic toàn cầu”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Hoàng phát biểu với Sputnik.
Thảo luận