Từ vụ trái phiếu SCB-Vạn Thịnh Phát có diễn biến mới, trái chủ sắp lấy lại được tiền?

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an để đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ việc vi phạm để sớm có phương án xử lý thanh toán tiền cho nhà đầu tư trái phiếu.
Sputnik
Trong một diễn biến mới như Sputnik cập nhật trước đó, Bộ Công an Việt Nam đã phát thông báo tìm bị hại 25 lô trái phiếu trị giá hơn 30.000 tỷ đồng liên quan tập đoàn Vạn Thịnh Phát – CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông cùng các doanh nghiệp có dính tới nữ đại gia bất động sản Trương Mỹ Lan.

Sớm có phương án thanh toán tiền cho nhà đầu tư trái phiếu

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính đưa ra thông tin hết sức đáng chú ý rằng, Bộ Tài chính đang tích cực phối hợp với Bộ Công an xử lý nhanh các vụ việc vi phạm để sớm có phương án xử lý thanh toán tiền trái phiếu cho nhà đầu tư.
"Bộ Tài chính cũng phối hợp với Bộ Công an để đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ việc vi phạm để sớm có phương án xử lý thanh toán tiền cho nhà đầu tư đối với các doanh nghiệp có vi phạm trong thời gian qua", - Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng Dương cho biết.
Điều này mở ra hy vọng cho các nhà đầu tư, trái chủ trong các đại án lớn như vụ trái phiếu tập đoàn Vạn Thịnh Phát được phát hành qua sự tư vấn, môi giới của ngân hàng SCB-Chứng khoán Trí Việt (TVSI), hay Tân Hoàng Minh có cơ hội được đảm bảo nghĩa vụ tài chính, nhận lại tiền.
Mới đây nhất, như Sputnik đưa tin, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an đã phát đi thông báo tìm bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Theo Bộ Công an, từ năm 2018 đến năm 2020, các đối tượng có liên quan tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, Công ty Cổ phần Đầu tư Quang Thuận, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại TP Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Sunny World và các tổ chức khác đã có hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật tạo lập 25 gói trái phiếu mã: ADC-2018.09, ADC-2018.09.1, ADC-2019.01, QT-2018.12.1, SNWCH1823001 và 20 mã số hiệu từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20 với tổng giá trị 30.081 tỷ đồng để bán cho người mua (các trái chủ), huy động tiền và chiếm đoạt.
Bộ Công an xác định những trái chủ đang sở hữu 25 mã trái phiếu do 4 Công ty phát hành nêu trên là bị hại trong vụ án và đã ủy thác điều tra đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các tỉnh/thành phố theo địa chỉ của trái chủ trên hợp đồng mua bán/chuyển nhượng trái phiếu tiếp nhận thông tin, lấy lời khai bị hại để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Để phục vụ yêu cầu điều tra vụ án, đảm bảo quyền lợi của người bị hại theo quy định của pháp luật, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị người bị hại còn dư nợ trái phiếu của 25 gói trái phiếu mã: ADC-2018.09, ADC-2018.09.1, ADC-2019.01, QT-2018.12.1, SNWCH1823001 và 20 mã số hiệu từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20 do 4 Công ty nêu trên phát hành, khẩn trương đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các tỉnh/thành phố (nơi người bị hại cư trú hoặc nơi phát sinh hợp đồng mua bán trái phiếu) phối hợp làm việc, cung cấp thông tin, tài liệu, hợp đồng liên quan đến việc mua bán trái phiếu hoặc chuyển đơn đề nghị để được xem xét giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp.
Nếu người bị hại không đến làm việc, phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu trước thời điểm kết thúc điều tra vụ án thì Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an không xem xét, giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ án.

"Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các đối tượng có biểu hiện lợi dụng, đưa thông tin sai sự thật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xúi giục biểu tình, tập trung đông người tại các cơ quan, tổ chức có liên quan, gây mất trật tự xã hội", - Bộ Công an lưu ý.

Bộ Công an tìm trái chủ Vạn Thịnh Phát, “tay trong” của Trương Mỹ Lan lộ diện

Tình hình thị trường trái phiếu "ấm lên"

Trên thị trường trái phiếu, giá trị giao dịch bình quân trong tháng 9/2023 đạt 5.537 tỷ đồng/phiên, giảm 5% so với bình quân tháng trước.
Theo Tổng cục Thống kê, tính từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 5.770 tỷ đồng/phiên, giảm 24,9% so với bình quân năm 2022.
Đến cuối tháng 8/2023, thị trường trái phiếu hiện có 455 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.942 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% so với bình quân năm 2022.
Dữ liệu của Bộ Tài chính cho biết, sau gần 2 tháng đi vào hoạt động, tính đến ngày 15/9/2023, đã có 54 mã trái phiếu của 15 tổ chức phát hành đã thực hiện đăng ký giao dịch, giá trị giao dịch bình quân khoảng 267 tỷ đồng/phiên trên hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính đánh giá, hệ thống giao dịch đã góp phần tăng cường tính thanh khoản của thị trường đồng thời các dữ liệu trên hệ thống sẽ phục vụ công tác hậu kiểm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với những vi phạm có thể phát sinh trên thị trường.
Tuy nhiên, đến hiện tại, giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đăng ký giao dịch trên HNX chỉ đạt khoảng 5% tổng giá trị trái phiếu phải đăng ký trên thị trường.
"Hiện còn nhiều doanh nghiệp chậm trả lãi trái phiếu, chậm thực hiện nghĩa vụ trái phiếu đối với nhà đầu tư trong thời gian vừa qua", - đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng cho hay, Bộ Tài chính đã làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu đến hạn lớn trong năm 2022 và 2023 và thường xuyên có các văn bản đôn đốc, yêu cầu các doanh nghiệp phải bố trí, cân đối các nguồn lực tài chính để thanh toán bằng được nghĩa vụ trái phiếu với nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Hoàng Dương nhấn mạnh, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khung khổ pháp lý để tăng cường công tác quản lý giám sát, đảm bảo tính minh bạch của thị trường cũng như tiếp tục phối hợp với các bộ ngành để có các giải pháp ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn trên thị trường bất động sản, kiểm soát lạm phát để duy trì động lực phát triển kinh tế.
Vụ ngân hàng SCB và Vạn Thịnh Phát ảnh hưởng rất lớn đến TP.HCM

Loại bỏ những "con sâu" như Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam các năm gần đây đều tăng trưởng khá tốt dù quy mô còn khiêm tốn so với nền kinh tế đang vượt lên mạnh mẽ trong khu vực ASEAN.
Những vụ việc đáng tiếc xảy ra trên thị trường thời gian thời gian qua, gây hệ lụy cho các nhà đầu tư, trái chủ, đã được sàng lọc mạnh mẽ.
Vụ án Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh được xác định chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh", đang được tích cực điều tra, xử lý và đảm bảo quyền lợi cho các trái chủ.
Theo đại diện Bộ Tài chính, trong quá trình vận hành một số lỗ hổng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường đã bộc lộ. Do đó, các quy định đã được ban hành nhằm kiện toàn hơn nữa hoạt động thị trường. Theo kênh Đầu tư chứng khoán dẫn quan điểm của ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho biết, việc kiện toàn các quy định cũng như các chính sách hỗ trợ thị trường đã và đang phát huy tác dụng khơi thông trở lại kênh vốn huy động trung và dài hạn quan trọng nhất, cũng là cơ sở để nhà đầu tư đặt niềm tin vào sự an toàn, minh bạch trên thị trường.
Trong đó, các quy định mới mà Chính phủ đã ban hành, tham khảo theo chuẩn mực quốc tế, quy định rõ ràng để đảm bảo tất cả các thành phần tham gia thị trường có trách nhiệm minh bạch hóa thông tin và chịu trách nhiệm với việc tham gia thị trường, khi đã nắm rõ và có thông tin một cách đầy đủ; các khuyến nghị, yêu cầu các doanh nghiệp phải đảm bảo quyền lợi cho các trái chủ, sự vận hành của sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ từ cuối tháng 7/2023 sẽ tạo động lực mới cho trái phiếu doanh nghiệp thị trường bằng cách cải thiện tính thanh khoản, tính minh bạch và tốt hơn tiếp cận vốn.
Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành thông tư mới về việc cơ cấu lại thời hạn thanh toán nợ và việc mua lại trái phiếu của các ngân hàng. Trong đó, Thông tư 02 nhằm nới lỏng áp lực trả nợ cho người đi vay bằng cách cho phép các khoản tín dụng mới hoặc tái cấp vốn cho khách hàng đủ điều kiện.
Trong khi đó, Thông tư 03 đình chỉ hiệu lực của Khoản 11 Điều 4 Thông tư 16 (ngày 10/11/2021) từ ngày 24 /4/2023 đến ngày 31/12/2023, cho phép tổ chức tín dụng và ngân hàng nước ngoài chi nhánh mua lại ngay doanh nghiệp chưa niêm yết trái phiếu có xếp hạng tín dụng nội bộ cao nhất mà không cần đợi 12 tháng sau mới bán.
"Thông tư 03 nhằm mục đích ổn định tâm lý thị trường giữa các tổ chức phát hành và nhà đầu tư, tăng tính thanh khoản và tăng cường sự phục hồi của thị trường thị trường trái phiếu doanh nghiệp", - báo cáo của ADB lưu ý.
Theo các chuyên gia, nỗ lực của Chính phủ, Bộ Tài chính, NHNN cùng các cơ quan liên quan đã giúp môi trường đầu tư bắt đầu trở nên lành mạnh, minh bạch hơn, bớt rủi ro hơn. Trái phiếu và gửi tiết kiệm vẫn sẽ được ưu tiên lựa chọn hơn so với các kênh đầu tư rủi ro cao khác như bất động sản hay chứng khoán.
Dù vậy, sau các vụ việc tiêu cực như với Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, bản thân nhà đầu tư cần rút ra được kinh nghiệm cần có khi mua trái phiếu thì trước hết phải tìm hiểu chất lượng trái phiếu, uy tín của doanh nghiệp phát hành, khả năng trả nợ, đa dạng nguồn thu và năng lực quản lý doanh nghiệp tốt.
Thảo luận