Mục tiêu tăng trưởng chính thức là 6,5% được xem là một thách thức đối với Việt Nam nếu không muốn nói là ‘nhiệm vụ bất khả thi’ trong bối cảnh đặc biệt khó khăn như hiện nay, dù nền kinh tế đã bắt đầu ghi nhận nhiều dấu hiệu cải thiện, khởi sắc.
Kinh tế Việt Nam đối mặt ‘nhiệm vụ bất khả thi’
Như Sputnik đưa tin, Tổng cục Thống kê công bố số liệu mới cho thấy, GDP quý III của Việt Nam ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, GDP tăng 4,24%.
Mức tăng gây thất vọng dù vẫn cao hơn tốc độ cùng kỳ các năm 2020, 2021, thời điểm nền kinh tế Việt Nam và các nước cùng chạm đáy vì dịch bệnh. Mục tiêu 6,5% cho tăng trưởng GDP năm nay là vô cùng thách thức.
Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, như Sputnik đưa tin, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu ra 3 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ nay đến cuối năm. Trong đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cao nhất là 6%.
Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,0%, tức quý IV cần tăng 7,0% (quý IV năm 2022 tăng 5,92%). Kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV phải tăng 8,8%. Kịch bản 3, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%. Đây là thức thách rất lớn.
Bộ trưởng thừa nhận, tăng trưởng quý IV phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam, hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước trong dịp cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán 2024, là cơ sở để xuất khẩu, thị trường trong nước tăng trưởng nhanh hơn.
“Các kịch bản đặt ra đều rất khó khăn, thách thức”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nêu rõ, và nhấn mạnh về sự chủ động, nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương triển khai các giải pháp, chính sách thúc đẩy mạnh tăng trưởng, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, tranh thủ tối đa thời cơ, cơ hội từ cả bên ngoài và bên trong nền kinh tế để phấn đấu đạt kết quả tăng trưởng cao nhất trong quý IV, đặc biệt là tạo đà cho năm 2024 và các năm tiếp theo.
Tuy vậy, cần lưu ý rằng, để đạt mục tiêu tăng 6,5%, tốc độ tăng trưởng trong quý IV/2023 của Việt Nam sẽ cần ít nhất là 12%. Theo Ngân hàng UOB, điều này khó xảy ra trong bối cảnh hiện tại nếu nhu cầu cơ bản không có sự cải thiện mạnh mẽ.
Về kịch bản tăng trưởng, như Sputnik nêu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu lựa chọn kịch bản tăng trưởng GDP cả năm khoảng 6% để tiếp tục phấn đấu đạt kết quả cao nhất có thể cho năm 2023.
Các định chế phương Tây đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam
Như Sputnik đề cập, nhiều tổ chức, định chế tài chính quốc tế đã lần lượt hạ báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay.
Tại Báo cáo kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương công bố ngày 2/10/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) nêu, tăng trưởng GDP theo giá so sánh của Việt Nam sẽ chững lại, còn 4,7% năm 2023 do tiêu dùng tư nhân yếu đi, thị trường bất động sản ảm đạm và nhu cầu bên ngoài giảm mạnh.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng vừa dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại ở mức 5,8% trong năm 2023.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam đã bị chững lại do các “cơn gió nghịch” tác động mạnh tới nền kinh tế vào cuối năm 2022 và trong nửa đầu năm 2023. Theo đó, tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam sẽ chậm lại ở mứ 4,7% trước khi bật tăng lên 5,8% vào năm 2024.
Ngân hàng UOB cũng điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam xuống 5,0% từ mức 5,2% trước đó.
“Chúng tôi đang điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam xuống 5,0% từ mức 5,2% trước đó, với giả định tốc độ tăng trưởng GDP thực tế trong quý IV/2023 sẽ tăng thêm 7,0% so với cùng kỳ trước đó là 7,6%”, báo cáo của UOB nhận định.
Theo các chuyên gia, điều này đòi hỏi các hoạt động kinh tế và đơn đặt hàng phải tăng nhanh trong những tháng tới. Theo thường lệ, quý IV là quý có kết quả hoạt động tốt nhất trong hầu hết các năm ở Việt Nam, mặc dù mức tăng trưởng trong năm 2023 sẽ bị áp lực khi so sánh với số liệu năm 2022 với mức tăng trưởng đặc biệt mạnh mẽ.
“Trên cơ sở đó, chúng tôi đang giảm dự báo tăng trưởng khi ba phần tư thời gian năm 2023 đã qua. Chúng tôi duy trì dự báo năm 2024 ở mức 6,0%”, nhóm phân tích bày tỏ.
Nền kinh tế bắt đầu cải thiện
Thông tin đến báo chí, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia Nguyễn Thị Mai Hạnh thông tin cho biết, tăng trưởng kinh tế mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng “đang trong đà cải thiện”.
Theo vị này, quý 3, Việt Nam đã có sự tăng trưởng cao nhất so với hai quý trước. Trong quý 1 và 2, Việt Nam tăng trưởng chỉ 3,28% và 4,05%. Đóng góp vào mạnh vào tăng trưởng là lĩnh vực dịch vụ. Đây tiếp tục được coi là điểm sáng của nền kinh tế khi sản xuất công nghiệp còn hạn chế, chưa thể bứt tốc.
Bà Hạnh cũng cho biết, sản xuất đã có những chuyển biến tích cực, tăng 5,61% trong quý III, sau khi suy giảm âm trong quý I (-0,49%) và tăng nhẹ trong quý II (0,6%).
Chuyên gia khẳng định: “Ngành công nghiệp đã có tín hiệu lạc quan hơn trong các tháng vừa qua”.
Báo cáo công bố của ngân hàng UOB ngày 2/10 dẫn chứng, dữ liệu được công bố vào tháng 9 (của Việt Nam) cho thấy “một số dấu hiệu đáng khích lệ” khi các hoạt động có thể đã thay đổi theo hướng tích cực khi hiệu quả hoạt động được cải thiện hàng tháng.
Điển hình, xuất khẩu của Việt Nam tăng trong tháng 9 sau 6 tháng giảm liên tiếp, đạt mức 4,6% so với cùng kỳ. Nhập khẩu cũng cho thấy xu hướng tương tự, tăng 2,6% so với cùng kỳ sau 10 tháng giảm liên tiếp. Tương tự, sản lượng công nghiệp đã tăng 5,1% so với cùng kỳ và là “mức tăng tốt nhất” kể từ tháng 11/2022, do lĩnh vực sản xuất ghi nhận sản lượng tăng tháng thứ tư liên tiếp so với cùng kỳ.
“Sự cải thiện này cũng được phản ánh trong dữ liệu chỉ số quản lý mua hàng (PMI), trong đó PMI ngành sản xuất của Việt Nam ghi nhận mức tăng đầu tiên (trên 50) vào tháng Tám ở mức 50,5, sau khi bị thu hẹp (dưới 50) trong 5 tháng trước đó”, UOB lưu ý.
Theo bộ phận Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu của Ngân hàng UOB Việt Nam, một lý do khiến cho các điều kiện có xu hướng cải thiện hơn nữa là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ vào Việt Nam.
“Bất chấp triển vọng tăng trưởng chưa thực sự khởi sắc và hoạt động xuất khẩu còn khá chậm trong suốt cả năm, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn tiếp tục cam kết đầu tư vào Việt Nam trong làn sóng phi toàn cầu hóa, giảm thiểu rủi ro và chuyển dịch chuỗi cung ứng hiện nay”, ngân hàng khẳng định.
Theo UOB, số vốn FDI thực hiện đạt 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 15,9 tỷ USD và tăng tháng thứ tư liên tiếp. Nếu tốc độ tăng tiếp tục ở mức tương tự, dự kiến dòng vốn FDI cả năm có thể sẽ đạt mức 19,7 tỷ USD như năm 2021.
“Đây là một kết quả đáng kể khi xét đến hoàn cảnh hiện tại bị chi phối bởi các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng chưa chắc chắn, áp lực lạm phát và niềm tin suy yếu”, nhóm phân tích lưu ý.
Vốn FDI đã đăng ký là một chỉ số mang tính tương lai cho vốn FDI giải ngân, tăng 7,7% so với cùng kỳ ở mức 20,2 tỷ USD, vượt mức 18,8 tỷ USD được ghi nhận trong cùng kỳ năm 2022. Singapore là nguồn đầu tư lớn nhất trong số vốn FDI đăng ký ở mức 4 tỷ USD, tiếp theo là Trung Quốc (2,9 tỷ USD).
Lĩnh vực sản xuất vẫn là điểm đến hàng đầu, thu hút hơn 14 tỷ USD so với đầu năm, tăng 15,5% so với cùng kỳ.
Tại Việt Nam, chi tiêu của người tiêu dùng dường như đã lấy lại đà tăng trưởng, với thương mại bán lẻ tổng thể tăng 9,4% so với cùng kỳ sau khi dao động dưới mức 7% trong 3 tháng trước đó và là tháng tốt nhất kể từ tháng 4/2023.
Doanh số bán lẻ cũng tăng 7,4 % so với cùng kỳ, cũng là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 4/2023 trong khi sản lượng thương mại dịch vụ và lưu trú tăng 34,7% sau khi dao động quanh mức 5 - 10% trong 4 tháng trước đó, cho thấy hoạt động du lịch đang tăng tốc, theo UOB.
Về vấn đề Việt Nam đang dần lấy lại các động lực tăng trưởng, tại cuộc họp chính phủ vừa qua các báo cáo cũng cho biết, lĩnh vực công nghiệp tiếp tục tăng trở lại, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý 3 tăng 4,57% (quý 2 tăng 0,95%, quý 1 giảm 0,75%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,61%.
Phát biểu tại đây Thủ tướng Phạm Minh Chính thừa nhận, tốc độ tăng trưởng GDP chưa được như mong muốn. Lạm phát còn chịu nhiều sức ép. Các động lực tăng trưởng gặp khó khăn, như công nghiệp phục hồi chậm, giá trị tăng thêm 9 tháng chỉ tăng 1,65%. Tình hình lao động, việc làm gặp nhiều thách thức.
Ông yêu cầu, trong bối cảnh hiện nay, cần tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng và cụ thể là công nghiệp chế biến, chế tạo, tiếp tục nỗ lực hơn nữa để hoàn thành đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023.
Tận dụng chính thị trường 100 triệu dân
Trả lời Thời báo Tài chính Việt Nam (cơ quan của Bộ Tài chính) về tình hình kinh tế năm 2023, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2023 khó khả thi.
“Tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng sẽ được cải thiện trong các quý tới. Dù vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm thì tăng trưởng quý IV cần đạt trên 12%. Đây là điều không khả thi trong bối cảnh kinh tế hiện nay”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhìn nhận.
Theo bà Hương, để phát triển đường dài nhanh và bền vững, Việt Nam cần phải đảm bảo giữ ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu, củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống vừa tạo không gian đủ rộng để khai thác hiệu quả các mô hình, động lực tăng trưởng mới.
Việt Nam cũng cần đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước nhằm khai thác hiệu quả thị trường 100 triệu dân còn nhiều tiềm năng; tiếp tục có các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại và dịch vụ, phát triển du lịch; mở rộng, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu, tận dụng cơ hội các Hiệp định FTA đã ký kết; tập trung thúc đẩy giải ngân đầu tư công.
Hiện nay, theo bà Hương, việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và chuyển đổi năng lượng, phát triển các mô hình kinh tế hiện đại sẽ là các động lực mới cho nền kinh tế.