“Trong tháng 9, gần 7 triệu tấn các loại ngũ cốc chính đã được xuất khẩu, cao hơn 500 nghìn tấn so với con số kỷ lục trong tháng 9 của niên vụ nông nghiệp 2021-2022. Trên thực tế đây là kỷ lục tháng 9 trong sáu năm qua (kỷ lục trước đó lập năm 2017). Tính riêng lúa mì là khoảng 6 triệu tấn xuất khẩu, nhiều hơn 200 nghìn tấn so với kỷ lục 5,8 triệu tấn trước đó của năm nông nghiệp 2021-2022”, - bà Tyurina cho biết.
Nhưng áp lực cạnh tranh đối với Liên bang Nga hiện khá nghiêm trọng - từ Liên minh châu Âu, Ukraina và thậm chí cả Argentina, nơi xuất khẩu dự kiến sẽ tăng gấp đôi. Về phần mình Ukraina đã xuất khẩu 11 triệu tấn lúa mì kể từ đầu vụ, ít hơn 7 triệu tấn so với một năm trước, nhưng đủ để lọt vào top 5 nhà xuất khẩu lớn nhất, Tyurina lưu ý. Theo bà, Nga đã cung cấp 17 triệu tấn lúa mì từ tháng 7 đến tháng 9 và không tìm cách giảm giá để nhượng bộ đối thủ tại các cuộc đấu thầu quốc tế vào tháng 9.
Ví dụ vào cuối tháng 9, tại cuộc đấu thầu của Cơ quan Thu mua Thực phẩm Ai Cập GASC, đề nghị từ các nhà xuất khẩu Nga là “mức giá cao thống nhất 270 USD/tấn (điều kiện giao hàng - FOB)”, theo kênh điện tín của Trung tâm phân tích Prozerno; Lúa mì rẻ hơn từ các nước khác được mua ở mức giá 255 USD/tấn; Tình hình tương tự cũng diễn ra tại cuộc đấu thầu ngày 20/9. Cơ quan ngũ cốc OAIC của Algeria đã thực hiện mua hàng vào cùng ngày ở mức 272 USD/tấn (điều kiện - C&F) không tính phí vận chuyển, nghĩa là khoảng 240 USD/tấn FOB, hãng tin bổ sung.
Giá cả ảnh hưởng đến khối lượng
“Giá đưa ra tại các cuộc đấu thầu trong tháng 9 cao hơn so với giá chào hàng từ các nhà xuất khẩu của những nước cạnh tranh chính trung bình khoảng 20-25 USD theo giá FOB. Điều này có thể ảnh hưởng đến khối lượng bán lúa mì của Nga trong giai đoạn đến khi đối thủ cạnh tranh bán hết lúa mì của họ với giá thấp hơn”, - bà Tyurina nói.
Trong khi đó chuyên gia lưu ý rằng trong tháng 9 xuất khẩu chủ yếu vẫn tăng trưởng tích cực bất chấp mức giá đưa ra như vậy.
Chuyên gia cho biết, chẳng hạn, Ai Cập đã trở thành quốc gia dẫn đầu về thu mua lúa mì: hơn 780 nghìn tấn đã được vận chuyển đến nước này (giảm 32% so với tháng 9 năm trước). Vị trí thứ hai thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ (tăng 4%, lên 616 nghìn tấn), vị trí thứ ba thuộc về Iran (490 nghìn tấn, giảm 32%). Indonesia ở vị trí thứ tư: Nga không xuất khẩu sang nước này vào tháng 9 năm ngoái, nhưng vào tháng 9 năm nay đã xuất khẩu 281,5 nghìn tấn. Pakistan lọt vào top 5 - xuất khẩu sang đó tăng 3,2 lần, lên 274 nghìn tấn. Nguồn cung cấp cho Algeria vẫn ở mức năm ngoái – 144 nghìn tấn.
Tyurina cũng gọi việc cung ứng sang các nước Mỹ Latinh là xu hướng dài hạn của vụ mùa: ví dụ, khối lượng xuất khẩu sang Mexico trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái tăng 4,7 lần, sang Brazil - tăng 3,7 lần và việc giao hàng sang Venezuela bắt đầu - 33 nghìn tấn trong tháng 9. Bà nhấn mạnh sự gia tăng đáng kể trong xuất khẩu lúa mì sang Việt Nam - sau khi loại bỏ cỏ kế đồng ra khỏi danh mục kiểm dịch thì lượng xuất khẩu sang nước này đã tăng hơn 6 lần, lên 71,5 nghìn tấn.