"Siêu dự án" đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam hơn 58 tỷ USD của Việt Nam có động thái mới

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia. Phó Thủ tướng Phạm Hồng Hà nhận thêm nhiệm vụ mới.
Sputnik
Động thái mới của Chính phủ cho thấy nỗ lực đẩy nhanh kế hoạch hiện thực hoá xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam – "siêu dự án" đóng vai trò như trục xương sống đường sắt huyết mạch của nền kinh tế Việt Nam.

Động thái mới đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: Việt Nam đã lập Ban chỉ đạo

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 1143/QĐ-TTg ngày 3/10/2023 thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.
Theo Quyết định, Việt Nam thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng liên quan đến việc xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quốc gia thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia (không bao gồm các dự án đường sắt đô thị), (gọi tắt là các dự án đường sắt quan trọng quốc gia).
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Trưởng Ban. Phó Trưởng Ban thường trực là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng.
Các Phó Trưởng Ban gồm: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. Các Ủy viên Ban Chỉ đạo là đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan có liên quan.
Các cơ quan có thành viên tham gia Ban Chỉ đạo sử dụng bộ máy hiện có của mình để thực hiện nhiệm vụ giúp việc cho Ban Chỉ đạo, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.
Việt Nam nghiên cứu kinh nghiệm các nước để làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Kết luận quan trọng của Bộ Chính trị

Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam là dự án có tầm chiến lược, tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Đặc biệt, đây là dự án lần đầu triển khai tại Việt Nam, có tính chất phức tạp, quy mô rất lớn cả về vốn đầu tư, tới kỹ thuật.
Việt Nam đã chờ đợi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam hơn 10 năm qua. Giai đoạn 2005-2010, Chính phủ đã giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư để nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam.
Như Sputnik đã thông tin, nghiên cứu được thực hiện bởi Liên danh tư vấn Việt Nam - Nhật Bản (liên danh VJC). Dự án đề xuất quy mô đường đôi, khổ 1.435 mm chỉ chạy riêng tàu khách, tốc độ thiết kế 350 km/h. Chiều dài tuyến là 1.570 km, với 27 ga và 5 depot.
Từ năm 2019, Bộ GTVT đã trình Chính phủ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, với 2 phương án chính được tập trung nghiên cứu.
Phương án thứ nhất: Xây dựng đường sắt Bắc - Nam với đường đôi, khổ ray 1.435 mm, chiều dài 1.545 km, tốc độ khai thác 320 km/h, chỉ chạy tàu khách; kết hợp cải tạo đường sắt hiện hữu để chuyên chở hàng. Tổng mức đầu tư dự kiến cho phương án này khoảng 58,71 tỷ USD.
Phương án thứ hai: Xây dựng tuyến đường sắt Bắc - Nam mới, đường đôi, khổ ray 1.435 mm, kết hợp khai thác cả tàu chở khách và chở hàng; tốc độ khai thác tàu khách tối đa 180 km/h, chạy tàu hàng tối đa 120 km/h. Tổng mức đầu tư dự án theo phương án này khoảng 64,9 tỷ USD.
Dự án dự kiến có điểm đầu từ ga Hà Nội đến Ngọc Hồi (Thanh Trì), điểm cuối là ga Thủ Thiêm (TP.HCM), chạy qua 20 tỉnh thành. Nhà chức trách trước mắt cũng thống nhất, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 58 tỷ USD.
Theo quy hoạch, từ nay tới năm 2030, sẽ triển khai đầu tư xây dựng 2 đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, gồm đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang – TPHCM, hoàn thành toàn tuyến vào năm 2050.
Tuy nhiên đã trải qua hơn một thập kỷ, kể từ khi dự án được manh nha, với nhiều đề xuất, hội thảo, tranh luận trái chiều giữa các chuyên gia về phương án đầu tư, thiết kỹ, kỹ thuật, nhà thầu, đến nay dự án mới chỉ dừng lại ở "đề án" và chờ được phê duyệt đầu tư.
Bộ Chính trị đã đưa ra kết luận liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam vào ngày 08/02. Bộ Chính Trị đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; khởi công các đoạn ưu tiên trong giai đoạn 2026 - 2030 (Hà Nội - Vinh; TP HCM - Nha Trang).
Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: Đề xuất giữ nguyên hướng tuyến, nhà ga qua Hà Nội
Tới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ trình cấp thẩm quyền xem xét, thông qua đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vào năm 2025.
Để chuẩn bị cho dự án, Bộ GTVT đã tổ chức đoàn công tác liên ngành đi nghiên cứu kinh nghiệm tại 4 nước có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển trên thế giới gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha, CHLB Đức.

Các nhiệm vụ chính

Theo Quyết định 1143/QĐ-TTg ngày 3/10/2023, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện thành công Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.
Ban Chỉ đạo được giao đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc, huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ, tổ chức thực hiện thành công Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.
Ban Chỉ đạo cũng chịu trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, điều hòa, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng liên quan đến việc thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.
Ban Chỉ đạo cũng có nhiệm vụ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện các công việc như: Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo đối với Đề án; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong tham mưu, đề xuất các giải pháp thực hiện; kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền và đề xuất các giải pháp trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết các bất cập, phát sinh trong thực tiễn (nếu có).
Ban Chỉ đạo được mời các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học tư vấn trong quá trình chỉ đạo thực hiện Đề án.
Đầu tư 7 tỷ USD làm đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ
Bộ Giao thông vận tải được giao là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, có nhiệm vụ xây dựng Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo trình Trưởng Ban Chỉ đạo ký ban hành.
Bộ GTVT chịu trách nhiệm giúp Trưởng Ban Chỉ đạo trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình công tác của Ban Chỉ đạo và chuẩn bị tài liệu, báo cáo và dự thảo thông báo kết luận của các cuộc họp định kỳ hoặc đột xuất của Ban Chỉ đạo.
Bộ cũng sẽ tổng hợp, báo cáo các hoạt động chung của Ban Chỉ đạo và thực hiện một số nhiệm vụ khác do Trưởng Ban Chỉ đạo giao.
Ban Chỉ đạo có Tổ tư vấn giúp việc hoạt động theo chế độ chuyên gia và chế độ kiêm nhiệm do Thứ trưởng GTVT Nguyễn Danh Huy làm tổ trưởng.
Thảo luận