Samsung thắc mắc vì sao đến nay họ chưa được hoàn số tiền 24 triệu USD cho giai đoạn trước khi chuyển đổi từ doanh nghiệp thông thường sang doanh nghiệp chế xuất, ngoài ra,20 triệu trong vòng 18 tháng (từ tháng 6/2021 đến tháng 12/2022) cũng chưa được hoàn trả.
Tổng cục Thuế lên tiếng
Ngày 5/10,Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã chính thức có phản hồi xung quanh vấn đề chậm trễ hoàn thuế giá trị gia tăng cho Công ty TNHH điện tử Samsung HCMC CE Complex.
Theo Tổng cục Thuế, trong tổng số thuế giá trị gia tăng (GTGT) mà Công ty TNHH điện tử Samsung HCMC CE Complex đang đề nghị hoàn “đang gặp vướng mắc liên quan đến 2 nội dung”.
Thứ nhất, về thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu giai đoạn trước khi công ty chuyển thành doanh nghiệp chế xuất, ngày 25/9, Bộ Tài chính đã có Công văn số 10225/BTC-TCT chỉ đạo Cục Thuế TP.HCM.
Nội dungnêu trường hợp doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là doanh nghiệp chế xuất trước ngày Nghị định số 18/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, trong giai đoạn từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là doanh nghiệp chế xuất đến trước thời điểm doanh nghiệp đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan, doanh nghiệp chưa được áp dụng chính sách thuế đối với khu phi thuế quan theo quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP.
Nếu doanh nghiệp có nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ hoặc mua hàng hóa, dịch vụ từ các nhà cung cấp trong nước, doanh nghiệp đã nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu hoặc phát sinh số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mua trong nước thì doanh nghiệp được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào theo quy định pháp luật về thuế GTGT.
Tổng cục Thuế cho biết đã chỉ đạo cục thuế căn cứ các quy định, hướng dẫn nêu trên và thẩm quyền quyết định hoàn thuế quy định tại luật Quản lý thuế “để xử lý dứt điểm”.
Về thuế GTGT của nguyên vật liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu thay đổi mục đích sử dụng, theo Thanh Niên dẫn lời đại diện Tổng cục Thuế cho biết, đơn vị này đã đồng thời báo cáo Bộ Tài chính và chuyển hồ sơ sang Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) để hướng dẫn phối hợp triển khai công tác hoàn thuế theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Samsung sốt ruột chờ hoàn 44 triệu USD tiền thuế
Trước đó, tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp Hàn Quốc hôm 16/8, đại diện Công ty TNHH điện tử Samsung HCMC CE Complex cho biết, sau hơn 2 năm, tổng cộng số tiền thuế GTGT chờ hoàn của doanh nghiệp này là 44 triệu USD, tương đương khoảng 1.000 tỷ đồng.
Trong đó, 24 triệu USD cho giai đoạn trước khi chuyển đổi sang doanh nghiệp chế xuất; 20 triệu USD trong vòng 18 tháng (từ tháng 6/2021 – 12/2022).
Ông Youn Chel Woon, Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Samsung CE Complex nhấn mạnh, nhà máy Samsung SEHC tại Khu công nghệ cao khu công nghệ cao TP.HCM năm 2020 đã xin phép chuyển đổi từ loại hình doanh nghiệp thông thường sang loại hình doanh nghiệp chế xuất.
Ngày 1/5/2021 nhà máy chính thức nhận được phê duyệt trở thành doanh nghiệp chế xuất.
“Tuy nhiên, trước và sau khi chuyển sang loại hình doanh nghiệp chế xuất (tháng 4/2021 và từ tháng 6/2021 đến 12/2022) tiền hoàn thuế khoảng 44 triệu USD (khoảng 1.000 tỷ đồng), đến nay công ty vẫn chưa nhận được”, đại diện Samsung nói.
Ông Youn cũng cho hay, tháng 7/2022, Cục thuế TP.HCM đã kiểm tra trong 2 tháng để đánh giá tính phù hợp của việc hoàn thuế và 2 lần gửi công văn báo cáo lên Tổng cục Thuế.
Ngày 3/7, Tổng cục Thuế chủ trì một cuộc họp với các bên để thảo luận vấn đề này nhưng chưa có quyết định nào được đưa ra.
Từ thời điểm phát sinh tiền thuế VAT chưa được hoàn đến nay hơn hai năm, hoàn toàn chưa có bất cứ giải quyết nào được thực hiện”, ông Youn Chel Woon cho hay.
Không riêng Samsung, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khác gồm cả một số nhà cung cấp vật tư của Samsung đang khó khăn lớn về việc hoàn thuế VAT
Cùng với đại diện Công ty TNHH điện tử Samsung HCMC CE Complex, tại hội nghị, đại diện Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại miền Trung và miền Nam Việt Nam (KoCham) cũng cho rằng, hoàn thuế GTGT là một trong những vướng mắc chính của các doanh nghiệp nước này khi tiến độ hoàn thuế khá chậm.
“Thời gian giải quyết vấn đề hoàn thuế VAT tốn nhiều thời gian hơn, nên chúng tôi kính đề nghị các cơ quan hữu quan sớm cải thiện về điều này”, ông Choi Bundo, Chủ tịch KoChamđề xuất.
Lãnh đạo KoChamphản hồi đã nhận được thông tin một số doanh nghiệp không thực hiện hoàn thuế liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ. Vị này thắc mắc, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế là hai cơ quan cùng trực thuộc Bộ Tài chính Việt Nam.
“Tuy nhiên, thật khó hiểu khi Tổng cục Thuế lại không chấp thuận hoàn thuế VAT đối với các trường hợp đã được cơ quan hải quan công nhận và cấp phép”, lãnh đạo KoCham nêu vấn đề.
Ngoài việchoàn thuế, việc định giá đất, kế hoạch thay đổi chính sách xuất nhập khẩu tại chỗ và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cũng là trăn trở của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục thuế TP.HCM cho biết, về vướng mắc của Samsung, Cục thuế TP.HCM có nhiều văn bản báo cáo Tổng Cục thuế.
“Hiện nay Cơ quan Hải quan và Thuế đang xin ý kiến Bộ Tài chính quyết định cuối cùng việc cơ quan nào hoàn thuế cho doanh nghiệp”, ông Dũng nói.
Về vấn đề hoàn thuế cho Samsung và thay đổi chính sách xuất nhập khẩu tại chỗ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, TP.HCM sẽ tiếp thu và phản ánh với các bộ ngành trung ương.