Dù các ngân hàng đang dư thừa tiền, tuy nhiên, có thể khẳng định, các biện pháp nới lỏng chính sách của NHNN đã có những hiệu quả nhất định. Nhiều chuyên gia cho rằng, NHNN nhiều khả năng tiếp tục theo đuổi chính sách theo hướng linh hoạt, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Người dân gửi tiền vào ngân hàng nhiều kỷ lục
Tại Việt Nam, người dân gửi tiền vào ngân hàng nhiều kỷ lục. Xu hướng này hưởng lợi từ giai đoạn lãi suất tăng vọt, các ngân hàng đua nhau nâng lãi suất hút tiền về thời gian qua trước Nhà nước chỉ đạo hạ trần lãi suất về mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế.
Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 7/2023, số dư tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đạt 6.389.593 tỷ đồng, tăng 8,93% so với cuối năm 2022.
Như Sputnik thông tin, bất chấp lãi suất tiết kiệm giảm từ đầu tháng 7, dòng tiền trong dân vẫn đang chảy rất mạnh vào hệ thống ngân hàng. Trước đó, NHNN cũng cho biết, tiền gửi tiết kiệm của dân cư đến cuối tháng 6 đạt trên 6,38 triệu tỷ đồng, tăng 8,82% so với cuối năm 2022, tương đương tăng trên 429.000 tỷ đồng.
Nếu so với tháng 6, số dư tháng 7 đã vượt kỷ lục của tháng 6 khi tăng thêm 6.707 tỷ đồng. Cùng với đó, các năm trước, tốc độ tăng tiền gửi của dân cư trong tháng 7 cũng có xu hướng chậm hơn so với các tháng đầu năm.
Có thể thấy, trong vòng 1 năm qua, số dư tiền gửi của dân cư vào ngân hàng tăng liên tục. Số dư tiền gửi của tháng sau luôn cao hơn số dư tiền gửi của tháng trước.
So với thời điểm cuối tháng 8/2022, tổng số dư tiền tiết kiệm của dân cư gửi vào ngân hàng đã tăng thêm gần 752.600 tỷ đồng. Như vậy, tính bình quân, mỗi ngày người dân mang thêm hơn 2.200 tỷ đồng gửi vào ngân hàng.
Ở chiều ngược lại với tiền gửi cá nhân, đối với tiền gửi của các tổ chức kinh tế, Ngân hàng Nhà nước báo xu hướng sụt giảm. Cụ thể, tính đến tháng 7, số dư đạt 5.909.707 tỷ đồng, giảm hơn 74.200 tỷ đồng so với tháng 6, thấp hơn 0,74% so với thời điểm cuối năm ngoái.
Tâm lý “ăn chắc mặc bền” dù lãi suất giảm mạnh
Theo giới chuyên gia, dữ liệu về tiền gửi của người dân đổ vào hệ thống ngân hàng cao kỷ lụccó thể bộc lộ thực tế rằng, các kênh đầu tư khác –dòng tiền tìm nơi trú ẩn như vàng, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu…hiện không còn duy trì được sức hấp như trước trong mắt các nhà đầu tư.
Ngoài các biến động thị trường thì tâm lý “ăn chắc mặc bền” lâu này của người dân cũng sẽ thúc đẩy xu hướng tăng tiền gửi vào ngân hàng như kênh trú ẩn an toàn.
Thực tế này cũng lý giải tại sao dù lãi suất huy động luôn duy trì xu hướng giảm trong phần lớn thời gian kể từ đầu năm nay lượng tiền gửi của dân cư vào hệ thống các ngân hàng liên tục thiết lập kỷ lục.
Từ đầu năm, NHNN đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Mặc dù, giảm lãi suất không phải là “đôi đũa thần” vạn năng của NHNN. Tuy nhiên, hiện lãi suất tái cấp vốn giảm còn 4,5%, lãi suất tái chiết khấu giảm còn 3%, nhằm tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay, kích cầu tăng trưởng tín dụng.
Đáng nói, hiện lãi suất huy động ở các ngân hàng bình quân rất thấp. Trong đó, mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp tục giảm lãi suất huy động 0,2%/năm ở các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên, kéo mức lãi suất cao nhất của ngân hàng này chỉ còn 5,3%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng.
Ba ngân hàng có vốn Nhà nước còn lại của Việt Nam gồm Agribank, VietinBank, BIDV hiện vẫn giữ mức lãi suất huy động như từ giữa tháng 9. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất là 5,5% cho kỳ hạn 12 tháng.
Ở nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất huy động niêm yết những ngày đầu tháng 10 theo xu hướng giảm, với mức giảm 0,1-1%/năm so với cùng kỳ tháng 9.Không còn ngân hàng nào niêm yết lãi suất 10-13% như thời đỉnh điểm.
Biểu lãi suất huy động phổ biến được các ngân hàng áp dụng là 5,5-6%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Ở kỳ hạn 6-9 tháng, mức áp dụng là dưới 5%/năm. Kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng chỉ còn quanh 4%/năm.
Như vậy, các mức lãi suất huy động hiện nay được đánh giá là thấp hơn so với thời điểm diễn ra dịch Covid-19.
Ngân hàng vẫn đang thừa tiền
Thực tế, lãi suất đầu vào giảm sâu trong bối cảnh các ngân hàng Việt Nam vẫn đang loay hoay chữa bệnh thừa tiền, tức tiền huy động nhiều hơn cho vay.
Phát biểu tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra chiều 30/9, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tính đến 30/9, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại đạt khoảng 12.900.000 tỷ đồng, tăng khoảng 5,9% so với cuối năm 2022.
Ở chiều ngược lại - cho vay, tính đến hết tháng 9, tổng dư nợ của nền kinh tế đạt khoảng 12.630.000 tỷ đồng, ước tăng 6,1-6,2% so với cuối năm 2022.
Trong khi đó, kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý 4/2023 vừa được Vụ Dự báo, Thống kê công bố, huy động vốn toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 3,2% trong quý 4/2023 và tăng 8,7% trong năm 2023.
Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 4,6% trong quý 4/2023 và cả năm tăng 12,3%.
Các ngân hàng thương mại dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng có thể cải thiện tốt hơn trong quý IV/2023.
“Các tổ chức này kỳ vọng tình hình kinh tế tích cực hơn, ngành sản xuất, xuất khẩu dần phục hồi, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng cải thiện nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán”, - Vụ Dự báo, NHNN cho biết.
Do lượng tiền thừa hiện rất lớn nên các tổ chức tín dụng dự báo tình hình thanh khoản sẽ tiếp tục dồi dào trong quý IV/2023 và cả năm 2023.
Ngân hàng cũng kỳ vọng bình quân mặt bằng lãi suất huy động và cho vay toàn hệ thống tiếp tục giảm 0,26 - 0,35 điểm %.
Tính từ đầu tháng 9 đến nay, có 32 ngân hàng đã giảm lãi suất huy động, trong đó nhiều ngân hàng thậm chí có tới 3 – 4 đợt giảm lãi suất huy động.
Giảm mặt bằng lãi suất cho vay và cẩn trọng với lạm phát
Nhiều kỳ vọng mong thời tiền rẻ quay trở lại, chính sách tiền tệ được nới lỏng và phía các ngân hàng cho vay tăng cường để kích thích hoạt động kinh tế. Khi đó, người dùng và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với tín dụng lãi suất thấp hơn.
Chính phủ mới đây đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bám sát diễn biến thị trường để tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, NHNN điều hành “không tạo ra những biến động mạnh, thay đổi đột ngột, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân”.
NHNN điều hành tỷ giá phù hợp với tình hình, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Ngoài ra, NHNN cần tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay để tăng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp và thúc đẩy giải ngân các gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Đồng thời, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Chính phủ cũng yêu cầu NHNN giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, có giải pháp hạn chế nợ xấu phát sinh tăng, nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Về phần mình, trước đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng đã lưu ý, việc điều hành chính sách tiền tệ hết sức khó khăn trong khi thách thức do kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Thống đốc nhắc lại, trong điều hành kinh tế vĩ mô, cần có cái nhìn xuyên suốt, không chỉ nhìn vào mục tiêu một năm.
“Việc điều hành cần nhìn vào xu hướng, những rủi ro trong thời gian tới để chủ động điều hành, tránh để lạm phát bùng lên, mất thời gian dài đưa giảm trở lại, gây hệ lụy tiêu cực đối với nền kinh tế”, - bà Hồng nhấn mạnh.
Lãnh đạo NHNN cho rằng, lạm phát có xu hướng tăng liên tục trong 3 tháng qua. Cùng với rủi ro về giá dầu, giá lương thực, tăng lương trong năm 2024 là những yếu tố cần được theo dõi sát, đặc biệt là chính sách quản lý giá (tính toán mức độ, thời điểm phù hợp, lưu ý tác động vòng 2).
Do vậy, cần có các giải pháp chính sách tổng thể, hướng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô một cách bền vững, xuyên suốt.