Tội phạm VN trốn ra nước ngoài né tử hình, Bộ Công an đề xuất Luật Dẫn độ

Bộ Công an đề xuất bổ sung các trường hợp từ chối dẫn độ trong Luật Dẫn độ, dựa trên pháp luật quốc tế hoặc điều ước mà Việt Nam có tham gia.
Sputnik
Bộ Công an cũng đề cập đến thực tế, một số đối tượng tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, lợi dụng việc một số nước châu Âu không quy định hình phạt tử hình nên đã bỏ trốn đến các nước này để "né" tử hình nếu bị dẫn độ về.

Những bất cập trong Luật tương trợ tư pháp 2007

Mới đây, Bộ Tư pháp đã công bố hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ, được Bộ Công an xây dựng trên cơ sở tách ra từ Luật tương trợ tư pháp (TTTP) năm 2007.
Theo nội dung tờ trình của Bộ Công an, từ ngày 7/3/2015, Việt Nam đã gia nhập Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.
Khoản 1 Điều 3 Công ước này quy định, các quốc gia thành viên không được trục xuất, trao trả hoặc dẫn độ một người cho một quốc gia khác nếu có đủ căn cứ để tin rằng người này có nguy cơ phải chịu sự tra tấn ở Quốc gia đó.
Tuy nhiên, Luật TTTP hiện nay chưa có quy định về việc từ chối dẫn độ trong trường hợp có đủ căn cứ để tin rằng người bị yêu cầu dẫn độ có nguy cơ phải chịu sự tra tấn ở quốc gia yêu cầu.
Ngoài ra, theo các điều ước quốc tế song phương về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên cũng như thông lệ quốc tế, các quốc gia thường từ chối dẫn độ trong trường hợp tội phạm được yêu cầu dẫn độ được xác định là tội phạm chính trị hoặc tội phạm quân sự.
Hiện nay, Luật TTTP cũng chưa có quy định cụ thể về trường hợp này, đồng thời chưa có căn cứ để xác định tội phạm chính trị, tội phạm quân sự. Trong trường hợp nhận được yêu cầu dẫn độ có liên quan đến tội phạm chính trị, quân sự, các cơ quan hữu quan của Việt Nam chắc chắn sẽ gặp lúng túng.
Chưa hết, trường hợp có thể từ chối dẫn độ theo Điều 35 Luật TTTP (hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ không phải là tội phạm theo quy định của BLHS Việt Nam) trên thực tế phải là trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ.
Trên nguyên tắc, một người chỉ có thể bị dẫn độ nếu hành vi phạm tội mà người đó bị cáo buộc cấu thành tội phạm theo pháp luật của cả Việt Nam lẫn ở quốc gia yêu cầu (tức là bảo đảm nguyên tắc tội phạm kép).
Vì vậy, nếu như hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ không phải là tội phạm theo quy định của BLHS Việt Nam, phía Việt Nam phải từ chối dẫn độ. Việc quy định đây là trường hợp có thể từ chối dẫn độ là chưa phù hợp, thậm chí mâu thuẫn với chính quy định Điều 33 Luật TTTP (các trường hợp bị dẫn độ).
Bên cạnh đó, Luật TTTP không quy định cụ thể các cơ quan tiến hành tố tụng nào có thẩm quyền từ chối dẫn độ.
Theo Luật TTTP 2007, chỉ có TAND cấp tỉnh có thẩm quyền ra quyết định từ chối dẫn độ. Việc này dẫn đến trường hợp, khi Bộ Công an tiếp nhận và kiểm tra yêu cầu dẫn độ của nước ngoài, dù biết rõ yêu cầu dẫn độ thuộc trường hợp bắt buộc từ chối theo quy định của điều ước quốc tế hoặc pháp luật Việt Nam nhưng vẫn phải làm các thủ tục chuyển hồ sơ đến TAND cấp tỉnh để giải quyết theo trình tự, gây lãng phí không cần thiết.
Việt Nam chưa tổ chức trưng cầu dân ý, còn Luật Biểu tình và Luật Đặc khu thì sao?

Bộ Công an đề xuất quy định về từ chối dẫn độ

Từ thực tiễn đã nêu, Bộ Công an đề xuất bổ sung các trường hợp từ chối dẫn độ theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Công ước chống tra tấn) hoặc theo thông lệ hoặc pháp luật quốc tế (tội phạm liên quan đến chính trị, quân sự, tội phạm không bảo đảm nguyên tắc tội phạm kép).
Theo đó, bổ sung các trường hợp từ chối dẫn độ nhằm bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như thông lệ quốc tế.
Bổ sung quy định về thẩm quyền của Bộ Công an từ chối dẫn độ trong trường hợp yêu cầu dẫn độ thuộc các trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ.
Bổ sung quy định về các trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ, bao gồm:
Một là, người bị yêu cầu dẫn độ có khả năng bị truy bức, tra tấn ở nước yêu cầu dẫn độ do có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quốc tịch, dân tộc, thành phần xã hội hoặc quan điểm chính trị hoặc vì lý do khác;
Hai là, hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ không phải là tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Bộ Công an cũng đề xuất bổ sung quy định về trường hợp có thể từ chối dẫn độ, bao gồm tội phạm bị yêu cầu dẫn độ là tội phạm liên quan đến chính trị, quân sự.
Bổ sung quy định về trường hợp, nếu có căn cứ chắc chắn người bị yêu cầu dẫn độ thuộc trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ, cơ quan trung ương của Việt Nam sẽ ra quyết định từ chối dẫn độ mà không cần TAND có thẩm quyền xem xét, thụ lý hồ sơ.
Việt Nam lập Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Chủ tịch là Thứ trưởng Bộ Công an

Nhiều tội phạm lợi dụng để "né" tử hình

Trong tờ trình gửi Bộ Tư pháp, Bộ Công an cho hay, pháp luật Việt Nam hiện vẫn quy định hình phạt tử hình và không hạn chế việc dẫn độ đối với người có thể sẽ bị kết án tử hình.
Tuy nhiên, một số hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam và các nước có quy định chỉ xem xét yêu cầu dẫn độ nếu Việt Nam cam kết không áp dụng án tử hình hoặc tuyên tử hình nhưng không thi hành hình phạt với người bị yêu cầu dẫn độ. Do đó, nếu không cam kết về vấn đề này, việc dẫn độ sẽ bị từ chối.
Ở một số quốc gia, nhất là các nước châu Âu không quy định hình phạt tử hình, do đó khi xử lý các yêu cầu dẫn độ, các quốc gia này đều đề nghị Việt Nam cam kết không tuyên phạt tử hình hoặc tuyên phạt nhưng không thi hành đối với người phạm tội.
Tuy nhiên, việc cam kết không áp dụng án tử hình trong tương trợ tư pháp hình sự là một vấn đề rất lớn, phức tạp, chưa được quy định trong Luật TTTP. Nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nắm được tình tiết này đã cố tình bỏ trốn đến các quốc gia như vậy với hy vọng rằng nếu bị dẫn độ về Việt Nam thì sẽ không bị tử hình.
"Vì vậy, nếu như chính thức luật hóa quy định về việc cam kết không áp dụng hình phạt tử hình trong dẫn độ thì phải được tiến hành thận trọng, chặt chẽ", - tờ trình nhấn mạnh.
Đồng thời, Bộ Công an cũng đề xuất bổ sung quy định Chủ tịch nước là người có thẩm quyền quyết định đưa ra cam kết không áp dụng hình phạt tử hình hoặc tuyên hình phạt tử hình nhưng không thi hành hình phạt tử hình.
Cũng có ý kiến đề xuất cân nhắc áp dụng quy định cam kết không áp dụng hình phạt tử hình cả trong trường hợp Việt Nam là quốc gia được yêu cầu dẫn độ.
Theo đó, trường hợp pháp luật của nước yêu cầu dẫn độ tội phạm quy định tội đó có thể bị hình phạt tử hình nhưng pháp luật Việt Nam lại quy định không đến mức tử hình.
Trong trường hợp này sẽ áp dụng nguyên tắc pháp luật có lợi cho người phạm tội, Việt Nam sẽ yêu cầu nước bạn không áp dụng tử hình với tội phạm được dẫn độ từ Việt Nam.
Thảo luận