Việt Nam làm chủ công nghệ sửa chữa tiêm kích chiến đấu Su-27, Su-30

Nhà máy A32 thuộc Cục Kỹ thuật, Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ), Bộ Quốc phòng Việt Nam đến nay đã làm chủ nhiều công nghệ, dây chuyền sửa chữa, nâng cấp giờ bay cho các dòng tiêm kích phản lực như Mig-21, Su-22, Su-27, Su-30.
Sputnik
Ngoài ra, những năm qua, nhà máy A32 đã sửa chữa thành công nhiều chủng loại máy bay, tên lửa, radar, tàu ngầm và thiết bị khác…cho các đơn vị trong Quân đội Việt Nam.

Lính thợ A32 ‘chữa bệnh’ cho các tiêm kích chiến đấu Việt Nam

Nhà máy A32 có truyền thống hơn nửa thế kỷ sửa chữa, khắc phục hỏng hóc rất nhiều loại máy bay, đội ngũ cán bộ, kỹ sư dày dạn kinh nghiệm. Đến nay, nhà máy đã làm chủ công nghệ, dây chuyền, sản xuất, sửa chữa phụ tùng thay thế, thiết bị lẻ cho các dòng Su-22, Su-27, Su-30.
Báo Quân đội Nhân dân mới đây đã có bài viết đáng chú ý về cách lính thợ A32 “chữa bệnh” cho máy bay phản lực chiến đấu của Việt Nam. Được biết, ngoài Su-22, thời gian qua, nhà máy A32 đã làm chủ được công nghệ sửa chữa máy bay Su-27, Su-30 nhằm sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn máy bay Su-27SK/UBK và sửa chữa tăng hạn, tăng giờ máy bay Su-30MK2 đã được trang bị của Quân chủng, đáp ứng yêu cầu chủ động trong tác chiến bảo vệ Tổ quốc.
Thông tin từ Đại tá Đỗ Văn Tài, Giám đốc Nhà máy A32 cho biết, dây chuyền công nghệ sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng máy bay Su-27 và sửa chữa cục bộ máy bay Su-30 đi vào hoạt động từ năm 2013, đã góp phần giúp đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân nhà máy từng bước tiếp cận và làm chủ công nghệ mới.
Đặc biệt, để tiếp cận với dây chuyền sửa chữa mới các thiết bị hiện đại, nhà máy cũng có bước đầu gặp khó khăn, do linh kiện vật tư phải nhập từ nước ngoài, thiết bị kiểm tra khan hiếm, một số kỹ sư, nhân viên kỹ thuật còn bỡ ngỡ...
Thượng tướng Bế Xuân Trường kiểm tra Nhà máy A32.
Lãnh đạo đơn vị cho biết, để hoàn thành tốt nhiệm vụ sửa chữa, nâng cấp các chiến đấu cơ cho Bộ Tư lệnh, nhà máy tập trung giải quyết vấn đề huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, tay nghề cho cán bộ, nhân viên kỹ thuật bằng hình thức tại chức và cử hàng chục cán bộ đi tập huấn nước ngoài, nghiên cứu tài liệu của nhà sản xuất, biên soạn quy trình công nghệ.
Đồng thời, còn phải lập hồ sơ đến việc thực hành sửa chữa qua các công đoạn như tiếp nhận máy bay, phát hiện hỏng hóc ban đầu, tháo dỡ, sửa chữa kết cấu đường dây, đường ống, bàn giao thiết bị lẻ cho các xưởng, tiếp nhận linh kiện, lắp ráp, hiệu chỉnh...

Làm chủ công nghệ nguồn

Với tinh thần lao động hăng say, sáng tạo, những lính thợ Nhà máy A32 đã vươn lên làm chủ khoa học công nghệ, tạo bước chuyển mạnh mẽ, từ một cơ sở bảo đảm kỹ thuật cho các loại máy bay thế hệ cũ (MiG-21, Su-22), vươn lên từng bước làm chủ công tác bảo đảm kỹ thuật cho các loại máy bay thế hệ mới, công nghệ cao, như Su-27, Su-30.
Được biết, trước đây việc tăng tổng niên hạn, sửa chữa lớn các dòng máy bay Su-27, Su-30 của Việt Nam đều phải gửi ra nước ngoài rất tốn kém, mất thời gian, ảnh hưởng đến hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị không quân.
Năm 2011, lãnh đạo nhà máyA32 đã đề xuất cho đơn vị tự nghiên cứu sửa chữa lớn và tăng tổng niên hạn máy bay Su-27 và sửa chữa cục bộ máy bay Su-30. Được cấp trên nhất trí, nhà máy đã cử hàng chục cán bộ đi học tập nước ngoài; dịch hàng nghìn trang tài liệu liên quan, biên soạn quy trình công nghệ; mời chuyên gia nước ngoài tư vấn, giúp đỡ; tổ chức tập huấn, huấn luyện cho công nhân.
Đến nay, nhà máy A32 xây dựng thành công dây chuyền công nghệ sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng máy bay Su-27 và sửa chữa cục bộ máy bay Su-30, tiếp tục đầu tư để sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng máy bay Su-30. Theo thông tin trên Báo Phòng không – Không quân, tháng 5/2016, chiếc máy bay Su-27 số hiệu 8526 đã được sửa chữa, tăng niên hạn và bàn giao cho Sư đoàn 372. Tháng 11/2017, chiếc Su-30MK2 số hiệu 8534 được Nhà máy tăng niên hạn sử dụng lên 1300 giờ/15 năm sử dụng và đã bàn giao cho Sư đoàn 370. Nhà máy còn sửa chữa thêm 4 máy bay S-27 đảm bảo chất lượng và an toàn.
Tướng Lương Cường: Việt Nam kiên định chính sách quốc phòng "4 không"
Đặc biệt, những năm gần đây, năng lực sản xuất vật tư kỹ thuật phục vụ sửa chữa của nhà máy được nâng lên rõ rệt. Đơn vị đã làm chủ những công nghệ nguồn hàng đầu, như: Cắt gọt công nghệ cao, nhiệt luyện, mạ (gồm nhiều loại), lưu hóa cao su... góp phần chủ động trong công tác bảo đảm kỹ thuật cho các loại máy bay thế hệ mới, hiện đại của Quân chủng Phòng không – Không quân.
Thượng tá Phạm Bá Nguyên, Phó giám đốc Kỹ thuật Nhà máy A32 có rất nhiều kinh nghiệmdo bản thân người lính A32 này đã gắn bó với nghề ‘tìm và trị bệnh’ các loại máy bay khá lâu. Thượng tá Nguyên cho biết, việc sửa chữa chủng loại máy bay phản lực đòi hỏi phải tuân thủ quy trình hết sức nghiêm ngặt.
“Chỉ cần một sai sót nhỏ, một linh kiện không đúng niên hạn, một đinh ốc đặt sai vị trí thì nguy cơ mất an toàn là rất cao”, - Phó giám đốc Kỹ thuật Nhà máy A32 khẳng định.
Thượng tá cho biết, khi vào phân xưởng, mọi người đều luôn ghi nhớ “Trung thực, thận trọng, tỉ mỉ, khoa học, chính xác”. Mỗi mảng kỹ thuật đều có hồ sơ chi tiết, trước khi tháo gỡ, lắp ráp đều phải chụp ảnh lưu để so sánh; khi bàn giao các linh kiện giữa các bộ phận đều có sổ sách đăng ký và phiếu bàn giao.
Tại Phân xưởng 6 - phân xưởng đầu tàu chuyên sửa chữa các dòng máy bay phản lực – như một nhà máy sửa chữa thu nhỏ với hàng nghìn linh kiện của máy bay sau khi tháo rời, kiểm tra, sửa chữa từ các phân xưởng khác được tập kết về để lắp ráp, kết nối các bộ phận với nhau. Tiếp đó là thông mạch, khởi động lại thành máy bay hoàn chỉnh, tiến hành bay thử rồi bàn giao cho các đơn vị chiến đấu.
Ở Việt Nam đề nghị cấm chụp ảnh, phát tán công trình quốc phòng, khu quân sự
Đại tá Phạm Ngọc Bôn, Chính ủy Nhà máy A32 cho biết, phân xưởng 6 là nơi tổng lắp ráp, kiểm thử, bay thử cho máy bay Su-27. Đây cũng là nơi sửa chữa cục bộ, tăng hạn sử dụng thay Foam (Chất chống cháy nổ thùng dầu của máy bay chiến đấu) và cơ động sửa chữa nắp buồng lái dòng máy bay Su cho các đơn vị.
“Thế nên yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân viên phải cẩn trọng, tỉ mỉ. Do vậy đội ngũ cán bộ, kỹ sư và nhân viên kỹ thuật, thợ máy phải làm việc thông tầm, xuyên đêm”, - Đại tá Phạm Ngọc Bôn nói.
Chính uỷ Bôn cũng cho biết, thời gian tới, sẽ có hai chiếc máy bay Su-30MK2 được “xuất xưởng” và bàn cho cho đơn vị bạn từ phân xưởng 6 này.

Không ngừng nâng cao trình độ, năng lực

Thiếu tá Nguyễn Huy Trung, Phó quản đốc Phân xưởng 6 thông tin, mỗi chiếc Su-27, Su-30 được đưa đến sửa chữa, tăng tổng niên hạn phải qua 11 phân xưởng của nhà máy.
Mỗi công đoạn ở các phân xưởng đều được ghi chép cẩn thận, chi tiết, bảo đảm tuân thủ quy trình hết sức nghiêm ngặt. Do đặc thù nhiệm vụ nên Phân xưởng 6 được Ban giám đốc Nhà máy ưu tiên số cán bộ, kỹ sư, nhân viên đầu ngành như: Máy bay động cơ, vô tuyến điện tử, vũ khí hàng không, tổ sửa chữa nắp buồng lái..
Đại úy QNCN Ngô Mậu Phú, Tổ trưởng Tổ bộ môn bày tỏ, đa số đội ngũ cán bộ, kỹ sư và nhân viên kỹ thuật làm việc theo kinh nghiệm, nhưng trên dây chuyền sửa chữa mới, các thuật ngữ, hướng dẫn đều bằng tiếng Nga nên đòi hỏi đội ngũ lính thợ phải thông thạo tiếng Nga.
Đại uý Phú khẳng định: “Mỗi khi nhà máy mở khóa học ngoại ngữ là anh em chúng tôi hào hứng tham gia 100% quân số. Nhờ vậy, đến nay đội ngũ kỹ sư, nhân viên kỹ thuật và thợ máy đã đọc được hầu hết các thông số, hướng dẫn trên tài liệu và khí tài, máy móc”.
Trung tá Lê Văn Bắc, Chủ nhiệm Chính trị Nhà máy A32 cho biết, để nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoài việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi mọi mặt để khuyến khích người lao động học tập, phát triển đúng chuyên môn, nâng cao trình độ, làm tốt công tác tạo nguồn, đưa cán bộ, công nhân đi đào tạo lại, đào tạo nâng cao tại các nhà trường trong và ngoài Quân đội theo chỉ tiêu hằng năm.
Mỹ sắp chuyển giao cho Việt Nam 12 máy bay huấn luyện T-6
Các cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, phân xưởng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, bồi dưỡng lực lượng lao động tại Nhà máy. Trong đó chú trọng huấn luyện chuyển đổi, chuyển loại theo chương trình của Bộ Quốc phòng, Quân chủng và yêu cầu nhiệm vụ của từng vị trí công việc cho các đối tượng, nhất là kỹ sư, nhân viên kỹ thuật mới nhận công tác để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Nội dung, chương trình huấn luyện bảo đảm cân đối, hài hòa giữa lý thuyết và thực hành trực tiếp trên máy, học đến đâu thực hành đến đó, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho người lao động”, - Trung tá Lê Văn Bắc thông tin.
Bản thân nhà máy A32 cũng đã thành lập và duy trì một tổ sáng tạo khoa học kỹ thuật trẻ gồm các kỹ sư dưới 35 tuổi tham gia. Điều đáng ghi nhận là từ năm 2014 đến nay tổ sáng tạo khoa học kỹ thuật trẻ đã có hàng trăm đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được công nhận và áp dụng vào thực tiễn phục vụ công tác sửa chữa máy bay trên dây chuyền. Hiện nay 100% kỹ sư đều biết tiếng Nga và đang được theo học các khóa tiếng Anh, vi tính để bổ sung thêm kiến thức và kỹ năng công tác.
Thời gian tới, nhà máy A32 của Việt Nam phấn đấu tự chủ sản xuất khoảng 35% vật tư kim loại và 95% vật tư phi kim loại trên các loại máy bay.
Nói về mục tiêu này, Chính uỷ, Đại tá Phạm Ngọc Bôn cho biết, trong những năm qua Đảng ủy – Ban giám đốc nhà máy đặc biệt coi trọng đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ, chủ động mời chuyên gia nước ngoài tư vấn, giúp đỡ chuyên sâu về kỹ thuật; tổ chức tập huấn, huấn luyện chuyên ngành, tham quan, học tập kinh nghiệm, mô hình, công nghệ ở các đơn vị bạn, các nước có ngành công nghiệp hàng không phát triển để người lao động nắm bắt làm chủ các dây chuyền công nghệ, máy móc đảm bảo sửa chữa các loại máy bay hiện đại.
5 tiêm kích mạnh nhất Đông Nam Á, Việt Nam có 2 máy bay chiến đấu đặc biệt nguy hiểm
“Nhà máy cũng khuyến khích, động viên người lao động nêu cao tinh thần tự học tập, tích cực tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ kiến thức, tay nghề trước đòi hỏi ngày càng cao của yêu cầu, nhiệm vụ”, - Đại tá Phạm Ngọc Bôn cho biết.
Thảo luận