Việt Nam phải bồi thường cho chủ sở hữu ấn vàng Hoàng đế chi bảo

Đến nay, Việt Nam đã đạt được kết quả hồi hương ấn vàng bằng “con đường ngoại giao văn hóa” chứ không phải thông qua quá trình đấu giá, đại diện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết.
Sputnik
Dù vậy, phía Việt Nam vẫn phải bồi thường cho chủ sở hữu chiếc ấn, theo quy định của luật pháp nước sở tại. Khi thủ tục này hoàn tất, chủ sở hữu sẽ có văn bản từ bỏ mọi quyền liên quan đến kim ấn, theo thông tin mới nhất từ Cục Di sản Văn hóa.

Lộ trình hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo

Trong buổi họp báo thường kỳ chiều 9/10, bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cung cấp thông tin về lộ trình hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo.
Theo Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền, từ ngày 19/10/2022 đến nay, Việt Nam đã làm tất cả các biện pháp, nỗ lực đàm phán qua con đường ngoại giao.
“Đến thời điểm hiện tại, phía Việt Nam đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý chứng minh ấn vàng Hoàng đế chi bảo thuộc quyền sở hữu của nhà nước Việt Nam”, bà Hiền khẳng định.
Hà Nội tiến hành khai quật khảo cổ Thành cổ Sơn Tây
Theo Cục trưởng Cục Di sản, suốt từ tháng 10 năm ngoái, thông qua biện pháp ngoại giao văn hoá, phía Việt Nam đã tập hợp các hồ sơ pháp lý liên quan chứng minh nguồn gốc của ấn vàng Hoàng đế chi bảo, đồng thời đàm phán, thương lượng để triển khai các bước tiếp theo đưa ấn vàng hồi hương về Việt Nam.
“Chúng ta đã thương lượng và đạt thỏa thuận dựa trên việc bồi thường quyền lợi cho các bên liên quan đến sở hữu tài sản theo Luật dân sự của Pháp”, bà Hiền thông tin.
Cụ thể, theo Luật dân sự của Pháp, những người sở hữu một tài sản lâu năm mà không có tranh chấp thì tài sản này thuộc quyền sở hữu của người đó.

“Tức là, để hồi hương ấn vàng về Việt Nam, chúng ta không chỉ tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam mà còn phải tuân theo quy định pháp luật của nước sở tại, cụ thể là Pháp”, theo Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá Lê Thị Thu Hiền.

Về lộ trình, bà Hiền xác nhận, đại diện pháp luật của Việt Nam vừa hoàn thành hai thủ tục pháp lý quan trọng là văn bản cho phép xuất khẩu cổ vật ra khỏi Pháp và văn bản cho phép xuất khẩu cổ vật ra khỏi châu Âu.
“Dự kiến cuối tháng 10/2023, các thủ tục pháp lý liên quan đến ấn vàng tại Pháp sẽ được hoàn thiện”, Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền thông tin tại buổi họp báo chiều nay.

Việt Nam vẫn phải bồi thường

Theo đại diện Bộ Văn hoá, thông qua luật sư, các bên đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý liên quan đến ấn vàng và quyền của người liên quan, trước khi bàn giao hồ sơ gốc để chúng ta có cơ sở làm thủ tục pháp lý tại Việt Nam.
Không có chuyện ấn "Hoàng đế chi bảo" bị bán ra nước ngoài một lần nữa
“Cho đến nay chúng ta đã đạt được kết quả là hồi hương ấn vàng bằng con đường ngoại giao văn hóa chứ không phải thông qua quá trình đấu giá”, bà Hiền nhắc lại.
Tức phía Việt Nam vẫn phải bồi thường cho chủ sở hữu chiếc ấn, theo quy định của luật pháp nước sở tại. Khi thủ tục này hoàn tất, chủ sở hữu sẽ có văn bản từ bỏ mọi quyền liên quan đến kim ấn.
Lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Cục Di sản Văn hoá và các cơ quan chuyên môn phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để thực hiện những thủ tục pháp lý về phía Việt Nam để đưa ấn vàng về nước.
“Đại diện của Việt Nam đang phối hợp cùng luật sư của hãng Millon để hoàn thiện tất cả các hồ sơ pháp lý vào cuối tháng Mười. Ngay sau đó, ấn vàng sẽ được đưa về cố hương”, bà Hiền tái khẳng định.

Nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Thế Hồng thương lượng mua ấn vàng thành công

Như Sputnik thông tin, ngày 19/10/2022, website của hãng đấu giá Millon (thành lập năm 1928, có trụ sở chính tại Paris, Pháp) đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có 2 cổ vật của nhà Nguyễn.
Một trong 2 cổ vật này được xác định là kim ấn nhà Nguyễn, làm bằng vàng quý hiếm, đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1791-1841). Cổ vật cao 10,4cm, mặt ấn hình vuông (13,8cm x 13,7cm), nặng 10,78kg.
Kim ấn Hoàng đế chi bảo này được các chuyên gia xác định là hiện vật nguyên gốc, chuẩn xác, được đúc vào năm Minh Mạng thứ 4 (năm 1823) như ghi chép trong sử sách (Đại Nam thực lục, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ).
Sự tồn tại của kim ấn cũng được nêu trong biên bản, hình ảnh bàn giao ấn kiếm của chính quyền thực dân Pháp cho Quốc trưởng Bảo Đại ngày 8/3/1952, hiện đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
Thủ tục hồi hương ấn vàng vua Minh Mạng đang được hoàn thiện
Về mô tả, các bản lưu cho thấy, quai ấn đúc hình con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn về phía trước, tư thế vững vàng. Trán rồng có khắc chữ, vây lưng và đuôi rồng dựng đứng.
Bốn chân rồng đúc hiển thị rõ năm móng. Phần mặt dưới khắc nổi 4 chữ triện "Hoàng đế chi bảo".
Ngay sau khi nắm được thông tin về việc bảo vật của Việt Nam được rao đấu giá ở Pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với nhiều bộ ban ngành và các cơ quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an, lên kế hoạch hồi hương ấn cổ thông qua con đường ngoại giao văn hóa.
Phái đoàn Việt Nam đã thông qua mọi kênh, trong đó có trao đổi thư, công hàm chính thức, tiếp xúc, gặp gỡ với cố vấn đối ngoại của tổng thống Pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Pháp, lãnh đạo UNESCO và các bộ phận chuyên ngành liên quan, đề nghị can thiệp, ngừng việc đấu giá cổ vật.
Ngày 31/10/2022, đại diện Việt Nam và hãng đấu giá Millon đã thống nhất thỏa thuận tạm hoãn đấu giá ấn vàng Hoàng đế chi bảo.
Theo nhà chức trách Việt Nam, sau khi làm việc với đoàn công tác liên ngành của Việt Nam, Millon đã thống nhất chuyển giao ấn vàng “trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu giữa hai bên, mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Cộng hòa Pháp”.
Sau đó, ấn vàng Hoàng đế chi bảo được ông Nguyễn Thế Hồng, Chủ tịch Hội Cổ vật Bắc Ninh mua trực tiếp từ Nhà đấu giá Millon với giá hơn 153 tỷ đồng. Việc thương lượng mua ấn vàng đã thành công.
Ông Nguyễn Thế Hồng đang phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch để hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo về Việt Nam.
Thảo luận