Người Việt đeo tay giả của Nga - ngôi sao của giải vô địch ở Matxcơva

Anh Quang Huy (từ TP.HCM) sống 26 năm với dị tật bẩm sinh - bàn tay phải bị mất các ngón tay. Vào tháng 8 năm nay, anh được lắp bàn tay giả tại công ty Motorica ở Matxcơva. Và gần như ngay sau đó, anh đã tham gia giải vô địch quốc tế dành cho những người sử dụng chân tay giả được tổ chức tại Matxcơva.
Sputnik
Những người tham gia thi đấu đã tranh tài không phải trong thể thao mà trong các hoạt động hàng ngày: viết thư, nhặt vật thủy tinh mỏng, xỏ chỉ qua kim, sử dụng thiết bị điều khiển bằng sóng vô tuyến, chụp ảnh, đi xe đạp và ba chục loại hoạt động hàng ngày khác. Và anh Quang Huy đã trở thành ngôi sao của giải vô địch này. Rốt cuộc, tham gia vào cuộc thi này thường có những người đã có kinh nghiệm lâu năm trong việc sử dụng tay giả. Còn Quang Huy, người mới được lắp tay giả, đã lên ngôi vô địch vài ngày sau đó, cho thấy kết quả tốt, thậm chí vượt qua nhiều đối thủ.
Kể từ năm 2016, công ty Motorica là nhà phát triển chính thức đầu tiên của Nga làm tay giả. Đây là công ty duy nhất trên thế giới lắp tay giả cho trẻ em từ hai tuổi. Ở hầu hết các khu vực của Nga và hơn một chục quốc gia nước ngoài đang có hàng chục nghìn người khuyết tật vẫn duy trì được nếp sống năng động y như người lành nhờ những bộ phận giả được công ty này sáng chế. Tay giả của công ty Motorica giúp rất nhiều bệnh nhân, cả người khuyết tật bị cắt cụt chi trên và khuyết tật bẩm sinh, tìm ra giải pháp cho vấn đề này.
Một người Việt gắn chân giả "Motorica" của Nga

Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, bà Marina Fadeeva, người đứng đầu bộ phận kinh doanh quốc tế của công ty, cho biết: “Nhiệm vụ của chúng tôi là đưa các công nghệ mới vào sản xuất tay giả giúp cải thiện đáng kể chức năng và tăng tính sẵn có của các phương tiện phục hồi chức năng. Ví dụ: chúng tôi sắp ra mắt hệ thống điều khiển tay giả sử dụng trí tuệ nhân tạo; việc điều khiển sẽ trở nên trực quan như cử động một bàn tay khỏe mạnh.

Mỗi bộ phận giả được chế tạo có tính đến đặc điểm của người sẽ được lắp đặt nó. Điều này đặc biệt quan trọng đối với trẻ em và đối với cườm tay. Chúng tôi sử dụng công nghệ in 3D công nghiệp với vật liệu nhựa, kim loại và composite, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chế tạo các bộ phận giả và tăng đặc tính hoạt động của “chân tay nhân tạo”. Hiện tại, chúng tôi chỉ sản xuất tay giả cho chi trên, nhưng năm tới chúng tôi dự định tung ra thị trường một dòng sản phẩm chi dưới. Đồng thời, chúng tôi đang phát triển bộ phận giả đầu tiên trên thế giới có thể truyền cảm giác. Hiện chúng tôi đang trong giai đoạn nghiên cứu lâm sàng để kết nối bộ phận giả với hệ thần kinh, điều này sẽ cho phép phân biệt vật thể cứng hay mềm cũng như kích thước của nó”.

Motorica đã tiếp cận thị trường Việt Nam như thế nào?

Các chuyên gia lắp chân tay giả của Việt Nam bắt đầu quan tâm đến các sản phẩm mác Motorica vào tháng 10 năm 2019, tại Diễn đàn doanh nghiệp Nga-Việt ở Matxcơva. Và chỉ hai tháng sau đó công ty đã tham gia Triển lãm Y tế Quốc tế tại Hà Nội.
Nước Nga - Cầu nối hợp tác giữa các dân tộc

Bà Marina Fadeeva cho biết: “Đến nay, chúng tôi đã thiết lập quan hệ đối tác với một trong những công ty chân tay giả lớn nhất ở Việt Nam và bắt đầu làm việc với những bệnh nhân khuyết tật và những doanh nghiệp sản xuất các dụng cụ chỉnh hình. Công ty Motorica đã tiến hành hai hoạt động giới thiệu sản phẩm kéo dài ba ngày với sự tham gia của các chuyên gia địa phương từ 15 phòng khám trong lĩnh vực chân tay giả tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi hoạt động có sự tham gia của 10 đến 15 chuyên gia và kỹ thuật viên của công ty. Các chuyên gia của chúng tôi đã đến Việt Nam mang theo tay giả mác Motorica, tiến hành các lớp học lý thuyết và thực hành, chia sẻ kinh nghiệm. Chúng tôi dự định tiếp tục hoạt động này.

Chúng tôi đang thảo luận về chương trình hợp tác với cơ sở chỉnh hình lớn nhất - Trung tâm VIETCOT tại Hà Nội. Đến nay, ở Việt Nam có khoảng mười người được lắp tay giả của chúng tôi. Việc lắp ráp được thực hiện tại Việt Nam bởi các bác sĩ địa phương được các chuyên gia của chúng tôi đào tạo; chúng tôi đã gửi cho họ các tay giả. Tôi cần lưu ý rằng, trình độ chuyên nghiệp của các bác sĩ Việt Nam lắp tay, chân giả là khá cao. Theo chúng tôi, trường phái chỉnh hình chân tay giả của Việt Nam là một trong những trường phái tốt nhất trên thế giới”.

Tham gia triển lãm ở Hà Nội

Anh Quang Huy – khách mời của công ty

Nói về anh Quang Huy từ TP.HCM, người bị dị tật bẩm sinh không có các ngón tay phải, đây là một trường hợp đặc biệt, bà Marina Fadeeva cho biết với Sputnik.

“Anh ấy đã biết về các bộ phận giả của công ty chúng tôi cũng như về cuộc thi đấu do công ty Motorica tổ chức khi đến phòng khám địa phương của đối tác Việt Nam ngay trước khi cuộc thi bắt đầu. Đối tác đã kể cho chúng tôi biết về ước mơ “kép” của Quang Huy: có được bàn tay mới và tham dự giải vô địch. Nhưng không còn thời gian để chế tạo bộ phận giả cần thiết và gửi đến Thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, Motorica đã mời Quang Huy sang Matxcơva và chi trả chi phí đi lại, ăn ở cho anh tại đây. Lấy cảm hứng từ những thành công tại cuộc thi đấu, giờ đây ở nhà anh ấy sử dụng tay giả của chúng tôi như thể đó là bàn tay của chính mình”, - bà Marina Fadeeva nói.

Hà Nội ‘host’ sự kiện mang tính bước ngoặt về giáo dục và y tế giữa Nga và Châu Á
Ngoài Việt Nam, các bộ phận giả mác Motorica cũng được sử dụng ở Ấn Độ, Malaysia, Indonesia và Philippines. Trong thời gian tới, công ty có kế hoạch thâm nhập thị trường Thái Lan và Campuchia. Ở tất cả các quốc gia có sự hiện diện của công ty, Motorica cố gắng đảm bảo để giá chân tay giả của mình không cao hơn giá chân tay giả của các công ty hàng đầu ở phương Tây.
Bà Marina Fadeeva cho biết với Sputnik rằng, đầu tháng 12 năm nay, Motorica dự kiến ​​tham gia Hội chợ thương mại quốc tế Vietnam EXPO tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Thảo luận