Nhiều bộ ngành đang đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch rà soát đề xuất 350.000 tỷ đồng chấn hưng văn hóa bởi đây là con số "rất lớn" trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa xây dựng báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 với tổng mức đầu tư 350.000 tỷ đồng giai đoạn 2025-2035.
Đề xuất 350.000 tỷ đồng chấn hưng văn hoá Việt Nam
Liên quan đến đề xuất rót 350.000 tỷ đồng chấn hưng văn hoá Việt Nam, nhiều bộ, ngành đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch rà soát lại.
Kể từ thời điểm công bố, đến nay, đề án Chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030 (trong 4 năm), được thiết kế với tổng số 10 nội dung thành phần, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch (VHTT&DL) với kinh phí lên tới 350.000 tỷ đồng vẫn gây xôn xao dư luận cả nước.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ quý 3 hôm 9/10, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ông Lê Hồng Phong cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa trong giai đoạn mới được xây dựng là "nhằm triển khai thực hiện các quan điểm, Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về chấn hưng, phát triển văn hóa xây dựng con người Việt Nam".
Theo đại diện Bộ Văn hoá, chương trình này khi được ban hành sẽ góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp bách của văn hóa trong thời kỳ mới. Đồng thời, chương trình nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ, phát triển văn hóa bền vững.
"Văn hóa là một lĩnh vực rất rộng, quan điểm tiếp cận đầu tiên khi thiết kế chương trình là ưu tiên những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để đầu tư, tránh dàn trải, cào bằng", - ông Lê Hồng Phong khẳng định.
Theo đại diện Bộ Văn hoá, hiện nhiệm vụ mới chỉ dừng ở bước xin chủ trương đầu tư; tổng hợp những nội dung, nhu cầu có tính cấp thiết từ các Bộ, ngành Trung ương, địa phương.
"Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước để thẩm định chủ trương đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá trước khi trình Quốc hội", - ông Phong cho biết.
350.000 tỷ đồng lấy ở đâu?
Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, trả lời báo VnExpress mới đây cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 xác định văn hóa là trụ cột, nền tảng phát triển xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước.
Tại hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tư tưởng "văn hóa còn thì dân tộc còn". Kết luận số 42 về kinh tế - xã hội năm 2022-2023 của Trung ương cũng yêu cầu triển khai Chương trình quốc gia về phát triển văn hóa. Năm 2022, Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, trình cấp có thẩm quyền xem xét.
"Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm triển khai các quan điểm của Đảng và Nhà nước về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. Chương trình cũng giải quyết những vấn đề thực tiễn cấp bách của văn hóa trong thời kỳ mới và thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam", - Thứ trưởng Việt nói.
Lý giải về tính toán 350.000 tỷ đồng chấn hưng văn hoá, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết, dự kiến giai đoạn đầu (đến 2030) cần 182.000 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách trung ương 110.000 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển 82.500 tỷ; vốn sự nghiệp 27.500 tỷ); vốn địa phương 36.000 tỷ; nguồn khác 36.000 tỷ đồng. Số tiền còn lại dành cho giai đoạn sau.
"Nguồn vốn dự kiến cho Chương trình được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổng hợp trên cơ sở đề xuất của các địa phương, bộ ngành. Hội đồng thẩm định quốc gia sẽ tính toán, đánh giá tính khả thi, hiệu quả, cân đối nguồn lực ngân sách trung ương và địa phương, đề xuất Chính phủ xem xét", - ông nói.
Theo tính toán, 350.000 tỷ đồng dự kiến được đầu tư trong 11 năm, cho tất cả địa phương trên toàn quốc từ cấp xã, huyện, tỉnh.
"Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch không nắm giữ nguồn vốn này mà sẽ được phân bổ về địa phương, bộ ngành, đơn vị. Bộ chỉ tham gia quản lý nhà nước", - Thứ trưởng Đoàn Văn Việt khẳng định.
Chương trình sẽ hỗ trợ trực tiếp hoạt động sáng tạo, sáng tác, kinh doanh dịch vụ và thực hành văn hóa, nhất là khối tư nhân, hướng tới phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam có năng lực cạnh tranh cao.
Chương trình sẽ có nhiều cơ chế, chính sách thu hút hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư vào văn hóa.
Ông Việt nhắc lại, thời gian qua, nguồn lực tài chính đầu tư cho văn hóa vừa quá ít, vừa manh mún, phân tán nên mọi hoạt động đều gặp khó khăn, hiệu quả thấp. Giai đoạn 2017-2021, đầu tư cho văn hóa chưa đến 1% tổng chi ngân sách. Nhiều mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 chưa đạt được.
"Vì vậy, đầu tư nguồn lực dài hạn để chấn hưng, phát triển văn hóa là cần thiết, cấp bách trong bối cảnh hiện nay", - ông Việt khẳng định.
Cơ sở nào để chốt 350.000 tỷ đồng chấn hưng văn hoá?
Được biết, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch có văn bản gửi các bộ, ngành, tổ chức nhiều cuộc hội thảo tham vấn trước khi trình Hội đồng thẩm định nhà nước cho ý kiến, đưa ra con số tổng mức đầu tư cho chương trình là 350.000 tỷ đồng.
Phản hồi, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn hỏa tốc gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch liên quan vấn đề này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Văn hoá bổ sung, hoàn thiện hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch "rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, xác định mục tiêu" của chương trình đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư công, đảm bảo các mục tiêu có tính khả thi, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực thực hiện chương trình. Bộ cũng đề nghị Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch làm rõ quy mô chương trình.
Về tổng mức vốn 350.000 tỷ đồng và cơ cấu nguồn lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng "chương trình chưa nêu cơ sở, phương pháp xác định tổng vốn đầu tư".
"Tổng vốn đầu tư chưa được tính toán dựa trên mục tiêu, quy mô chương trình, chưa thể hiện được tổng thể cơ cấu từng nguồn vốn, chưa thống nhất giữa các tài liệu", - Bộ KH&ĐT thẳng thắn.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch làm rõ cơ sở, phương pháp xác định tổng mức vốn đầu tư chương trình; rà soát, chỉnh sửa tổng vốn đầu tư chương trình theo hướng chia theo từng nguồn vốn, phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn và từng nguồn vốn cụ thể, thống nhất tại các tài liệu.
Ngoài ra chương trình của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch cũng chưa thể hiện khả năng huy động các nguồn lực theo thứ tự ưu tiên hợp lý, bảo đảm đầu tư tập trung, có hiệu quả theo quy định tại khoản 4, điều 29 Luật Đầu tư công.
350.000 tỷ đồng là "rất lớn" khi đất nước còn khó khăn
Đính kèm công văn Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch hôm 16/10, Bộ Nội vụ đồng thuận cho rằng, con số tổng mức đầu tư cho chương trình chấn hưng văn hóa 350.000 tỷ đồng là "rất lớn" với tình hình kinh tế hiện nay của Việt Nam.
Bộ Nội vụ đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần nghiên cứu, rà soát kỹ kinh phí trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn tài lực quốc gia còn hạn chế, phải triển khai đồng bộ nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội để đảm bảo việc bố trí nguồn ngân sách phù hợp để thực hiện chương trình có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả cao.
Cho rằng, lĩnh vực văn hóa khó đo lường kết quả đầu ra, Bộ Y tế đề nghị Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch làm rõ nội hàm các tiêu chí đánh giá hiệu quả để đảm bảo chương trình được triển khai thực hiện hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch và phù hợp với người dân Việt Nam.
Trong khi đó, dù đồng tình cần thiết phải đầu tư xây dựng hạ tầng nhưng Viện Nghiên cứu văn hóa (thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng chương trình của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch xây dựng thiếu cân đối.
Viện này chỉ ra, Bộ Văn hoá tập trung quá nhiều kinh phí để xây dựng, cải tạo các công trình văn hóa mà chưa đi đôi với việc làm thế nào để phát triển các hoạt động văn hóa tương ứng.
Thực tế cho thấy các công trình văn hóa hiện đại như nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, thư viện ở vùng nông thôn được đầu tư rất lớn từ các chương trình phát triển như chương trình Nông thôn mới nhưng chưa được sử dụng đúng công năng và chưa thu hút được các hoạt động văn hóa của người dân địa phương. Tương tự các bảo tàng, thư viện, nhà hát ở thành phố cũng không được khai thác hiệu quả.
Góp ý với Bộ Văn hoá, theo Tuổi trẻ, Viện Nghiên cứu văn hóa (thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đề nghị nên bỏ từ "chấn hưng, phát triển" mà hãy đặt tên là Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Theo Viện Nghiên cứu văn hoá, các từ như "chấn hưng, phát triển" có khả năng dẫn đến sự "đồng phục" hóa văn hóa, trái ngược với quan điểm tôn trọng đa dạng văn hóa của Việt Nam.
Đồng thời, việc sử dụng các từ ngữ như vậy cũng là biểu hiện của quan điểm tiến hóa luận - một quan điểm vốn không còn được hưởng ứng vì bộc lộ nhiều hạn chế.
Thứ trưởng Bộ Văn hoá Đoàn Văn Việt cho biết, trong 10 nội dung thành phần gồm "Phát triển văn hóa, con người Việt Nam; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ; nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; thúc đẩy văn học, nghệ thuật; phát triển công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số; phát triển nguồn nhân lực văn hóa; hội nhập quốc tế; tăng cường giám sát, đánh giá thực hiện chương trình", lĩnh vực cần ưu tiên đầu tiên trước nhất là chấn hưng đạo đức, phát triển văn hóa, con người Việt Nam và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh.
Ở khu vực châu Á, nhiều nước đã phát triển nền công nghiệp văn hóa mạnh mẽ với nhiều thương hiệu toàn cầu như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Việt Nam cũng cần đầu tư vào công nghiệp văn hóa để đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế.
Đại diện Bộ Văn hoá cũng kỳ vọng, chương trình thành công sẽ tạo ra sự chuyển biến căn bản trong sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam.