Đối với đề xuất nới room ngoại của nhà đầu tư nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước cho biết chỉ ưu tiên nâng sở hữu của nhà đầu tư có thể giúp đỡ ngân hàng nhận chuyển giao các ngân hàng yếu kém, xử lý theo hướng làm mới.
Nhà đầu tư ngoại có thể tham gia xử lý ngân hàng yếu kém
Phát biểu tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ngày 16/10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà đã cập nhật nhiều thông tin quan trọng và nhất quán về chủ trương điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, hướng xử lý các ngân hàng yếu kém của Việt Nam.
Tại sự kiện này, ông Minh Đỗ, Giám đốc Quốc gia Quỹ đầu tư Warburg Pincus đánh giá, điểm mấu chốt để tạo nên thành công của Việt Nam sẽ là tiếp tục duy trì và hoàn thiện các cơ chế, thể chế chính sách để góp phần vào sự phát triển, thịnh vượng và một nền tài chính toàn diện của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông, việc thay đổi Luật có thể cần thời gian từ 3-5 năm. Do đó, việc Thủ tướng, Chính phủ cùng các bộ ban ngành đưa ra các quyết sách phù hợp, kịp thời để ứng phó với tình hình thế giới, tình hình thị trường có những thay đổi khôn lường là vô cùng quan trọng và cấp bách.
Giám đốc Quốc gia Quỹ đầu tư Warburg Pincus đề nghị, Chính phủ có thể xem xét tháo gỡ vấn đề huy động vốn cho các ngân hàng Việt Nam để duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức cần thiết bằng cách tăng giới hạn sở hữu nước ngoài.
Quỹ này cũng đề nghị Việt Nam xem xét hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư cho các dự án điển hình như khách sạn Metropole Hà Nội hay dự án tích hợp Hồ Tràm Grand để có thể nhanh chóng triển khai đầu tư, nâng tầm dự án.
Thông tin trả lời tại hội nghị, ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, hiện nay, quy định của Việt Nam cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tối đa 30% một tổ chức tín dụng trong nước.
Ngân hàng Nhà nước cũng đang cơ cấu lại tổ chức tín dụng trong nước, ưu tiên nâng sở hữu của nhà đầu tư có thể giúp đỡ ngân hàng nhận chuyển giao các ngân hàng yếu kém, xử lý theo hướng làm mới.
"Các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia vào việc xử lý các ngân hàng yếu kém", - Phó Thống đốc khẳng định.
Hồi đầu năm 2023, báo cáo liên quan đến vấn đề nới room ngoại cho tổ chức tín dụng, NHNN từng khuyến cáo chỉ nên mở rộng và khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các tổ chức tín dụng yếu kém và tổ chức tín dụng nhận chuyển giao, chứ chưa nên mở rộng ra tất cả tổ chức tín dụng.
Điều này, theo lãnh đạo NHNN là vì với 27/31 ngân hàng thương mại đã được niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ dễ dàng rút vốn khỏi ngân hàng Việt Nam khi có biến động lớn về kinh tế trong nước hoặc trên thế giới.
Hệ luỵ là sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý kinh tế và điều hành chính sách tiền tệ, nhất là trong tình hình kinh tế thế giới và kinh tế trong nước có nhiều biến động như hiện nay.
Diễn biến thực tế trong vòng 5 năm trở lại đây cho thấy, đã có hiện tượng một số ngân hàng nước ngoài (chủ yếu từ châu Âu) dần dần rút vốn đầu tư ra khỏi ngân hàng của Việt Nam và chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư trong nước hoặc các ngân hàng châu Á đến từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản.
Thêm nữa, theo cơ chế Ratchet tại Hiệp định CPTPP, các nước thành viên không được đảo ngược tiến trình tự do hóa. Tức Việt Nam có thể điều chỉnh tăng tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài vượt giới hạn 30% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại cổ phần nhưng khi điều chỉnh tăng rồi thì không thể điều chỉnh giảm trở lại.
Xử lý ngân hàng yếu kém đã khó, nay càng khó hơn
Như Sputnik đã đưa tin, liên quan tới xử lý ngân hàng yếu kém, phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng lưu ý, đây là việc khó và cần thời gian.
Thống đốc nói, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt. Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành cũng đã trình, xin chủ trương của cấp có thẩm quyền để tích cực xử lý.
"Việc xử lý ngân hàng yếu kém trong điều kiện bình thường đã khó, trong bối cảnh nửa nhiệm kỳ với kinh tế thế giới và trong nước vô cùng khó khăn thì còn khó khăn hơn nữa", - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng thẳng thắn.
Lãnh đạo NHNN cho biết, việc xử lý các ngân hàng yếu kém vẫn đang ở trong cái giai đoạn hoàn tất.
Chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt
Như đề cập trước đó, hiện nay trong hệ thống, ngoài 3 ngân hàng mua lại 0 đồng (OceanBank, CB, GPBank) và 2 ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt (SCB, DongABank).
Nêu tại báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN cũng cho biết, đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt (OceanBank, GPBank, CB, DongABank).
Lãnh đạo NHNN cho biết, nhà điều hành tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp xử lý các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, chỉ đạo các bên liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định để hoàn thiện phương án chuyển giao bắt buộc, trình Chính phủ phê duyệt.
NHNN đã quyết liệt chỉ đạo các ngân hàng mua bắt buộc triển khai thuê tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và phối hợp với tổ chức tư vấn để thực hiện việc xác định giá trị doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Sau khi các tổ chức tư vấn định giá phát hành chứng thư thẩm định giá, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá doanh nghiệp của 3 ngân hàng mua bắt buộc.
Kiểm toán Nhà nước đang làm việc với NHNN, 3 ngân hàng mua bắt buộc, đơn vị tư vấn để đối chiếu số liệu kiểm toán trước khi gửi NHNN báo cáo kết quả kiểm toán theo quy định.
Riêng với SCB, như Sputnik cũng đã đưa tin, NHNN cho biết, trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng và đề xuất chủ trương cơ cấu lại của SCB cùng Ban Kiểm soát đặc biệt SCB, NHNN đang tìm kiếm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại SCB để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại SCB theo quy định.
VND biến động khoảng 3,9%
Tại hội nghị ngày 16/10, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà nhấn mạnh, thời gian qua, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt tiền tệ, NHNN vẫn cố gắng điều hành ổn định thị trường tiền tệ, ổn định tỷ giá.
Các tổ chức tín dụng luôn đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua và bán ngoại tệ của các chủ thể kinh tế, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài.
Năm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng là một trong số ít ngân hàng trung ương có thể giảm lãi suất điều hành, qua đó lãi suất của thị trường cũng giảm, thể hiện rõ qua mặt bằng lãi suất và thanh khoản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài trong tiếp cận vốn, tín dụng nếu cần thiết với chi phí thấp hơn.
Về vấn đề tỷ giá vốn rất được nhà đầu tư rất quan tâm, Phó Thống đốc nêu rõ, NHNN luôn sẵn sàng can thiệp thị trường để đảm bảo khi thị trường thừa ngoại tệ thì NHNN can thiệp để mua vào.
Đặc biệt, năm 2022, khi thị trường rất khó khăn, Mỹ thắt chặt tiền tệ, rút tiền về thì hệ thống ngân hàng luôn đảm bảo nguồn cung ngoại tệ cho thị trường.
"Từ đầu năm đến nay, ngoại tệ và tỷ giá biến động khoảng 3,9%, là mức hợp lý so với các nước xung quanh và khu vực", - Phó Thống đốc bày tỏ.
Về thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước luôn đảm bảo thanh khoản, có ý nghĩa quan trọng cho môi trường tài chính, kinh tế và tất cả các chủ thể như người dân, doanh nghiệp.
Phó Thống đốc đánh giá, gần 40 năm qua, vốn FDI rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước thấy rằng chiến lược đồng hành và phát triển đầu tư nước ngoài bền vững, dài hạn rất đáng hoan nghênh.
"Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, để đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia đối với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, cần xem xét cẩn trọng các dòng vốn "nóng", mang tính "đầu cơ", hay dòng vốn đơn thuần mang tính đầu cơ tài chính", - Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà tái khẳng định quan điểm nhất quán của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.