JICA đặt kỳ vọng vào nền kinh tế Việt Nam

HÀ NỘI (Sputnik) - Về hoạt động của JICA Việt Nam trong tài khóa 2023, một kết quả nổi bật cần phải kể đến là Thỏa thuận vay ODA được ký kết vào tháng 7 vừa qua cho 3 dự án, với tổng trị giá lên đến hơn 60 tỷ yên trong 3 lĩnh vực.
Sputnik
Thông tin được ông Sugano Yuichi - Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam - đưa ra tại buổi họp báo diễn ra sáng nay (18/10).
"Đây là lần ký nhiều thỏa thuận vay ODA cùng một lúc nhất sau 6 năm kể từ năm 2017", ông Sugano Yuichi nhấn mạnh.
Vốn được giải ngân vào ba lĩnh vực: Cải tạo hạ tầng giao thông công cộng đô thị; Tăng cường chuỗi cung ứng nông sản; Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hậu đại dịch COVID-19.
Dẫn dự báo IMF, ông Sugano Yuichi cho biết tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 4,7% cho cả năm 2023 và 5,8% năm 2024. Mức tăng trưởng này là chậm hơn so với tỉ lệ 8% của năm 2022.
Mặc dù nguyên nhân chính được cho là do tác động suy thoái kinh tế toàn cầu, đại diện JICA Việt Nam vẫn kỳ vọng sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam nhờ sự tăng trưởng của ba yếu tố.
Bao gồm tiêu dùng nội địa, sự tăng cường dòng vốn đầu tư FDI và sự phục hồi của ngành du lịch.
Việt Nam tiếp tục "gọi" thành công 61 tỷ yên vốn ODA
Đồng thời với khoản vay lớn mới được ký kết, ông Sugano Yuichi hy vọng rằng chương trình hỗ trợ này sẽ góp phần phục hồi nền kinh tế Việt Nam.
Về một số lĩnh vực JICA sẽ tập trung hợp tác tại Việt Nam trong thời gian tới, ông Sugano Yuichi nêu rõ: Trước tiên là hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Thứ hai là hợp tác trong phát triển nguồn nhân lực. Thứ ba là hợp tác trong lĩnh vực y tế. Thứ tư là hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu.
Về tuyến đường sắt đô thị (Metro) số 1 TP.HCM, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam thông tin: Theo báo cáo của Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), tiến độ công trình của tuyến đến nay đạt khoảng 96%, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay, và kỳ vọng tuyến metro số 1 có thể đi vào vận hành khai thác từ tháng 7/2024.
Mục đích của nguồn vốn ODA là hợp tác để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Việt Nam sẽ vay ODA gần 2,5 tỷ USD để đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long
Tuy nhiên phía Đại diện JICA Việt Nam cũng khẳng định để việc triển khai các dự án ODA được thuận lợi thì điều quan trọng là nước nhận viện trợ ODA/khoản vay ODA phải có những quy định rõ ràng, dễ hiểu và thủ tục nhanh chóng.
"Sự chậm trễ trong quy trình, thủ tục phê duyệt nội bộ của Chính phủ Việt Nam có thể khiến tổng chi phí dự án tăng do lạm phát, biến động tỉ giá, giá vật tư, thiết bị tăng cao trong thời gian dự án bị kéo dài", Đại diện JICA Việt Nam cho hay.
Đại diện JICA Việt Nam cho biết trong tài khóa 2022, tính từ tháng 4/2022 đến hết tháng 3-2023, tổng giá trị cam kết vốn vay ODA là 18,9 tỉ yen (tương đương gần 31.000 tỉ đồng) (chưa bao gồm "Tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân").
Còn giá trị vốn ODA cho các dự án hợp tác kỹ thuật là 4,7 tỉ yen (tương đương 768 tỉ đồng) và cho các dự án viện trợ không hoàn lại là 700 triệu yen (tương đương 114 tỉ đồng)...
Thảo luận