Văn học Nga sẽ trở lại Việt Nam?

Cho đến những năm 90 của thế kỷ XX, văn học nước ngoài được độc giả Việt Nam yêu thích nhất là văn học Nga. Năm 1945–1990, hơn 900 tác phẩm văn học của các nhà văn Nga và Liên Xô được dịch sang tiếng Việt đã được xuất bản ở Việt Nam, trong đó các tác phẩm văn học kinh điển chiếm ưu thế.
Sputnik
Nhờ các dịch giả tài năng thời bấy giờ mà độc giả Việt Nam được làm quen với các tác phẩm của các nhà văn Pushkin, Lermontov và Yesenin, Tolstoy, Chekhov và Dostoevsky, Sholokhov, Pasternak và Paustovsky. Sách của các nhà văn Nga sống ở nước ngoài cũng được dịch sang tiếng Việt, ví dụ như những tác phẩm của nhà văn Bunin, Solzhenitsyn, Brodsky. Trong số các dịch giả văn xuôi và thơ Nga có những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam.

Kỳ công của các dịch giả

Giờ đây điều này được cho vào dĩ vãng, tiếng Nga và văn học Nga đã mất dần vị thế trong xã hội Việt Nam. Tiếng Anh đã trở thành ngoại ngữ phổ biến nhất. Những tác phẩm của các nhà văn từ Mỹ, các nước châu Âu và các nước phát triển Đông Á được dịch sang tiếng Việt đã tràn ngập các kệ sách. Số lượng sinh viên học tiếng Nga đã giảm đáng kể. Hơn nữa, sau khi tốt nghiệp đại học, nhiều người trong số họ phải làm việc ở chuyên ngành khác.
Tuy nhiên, việc dịch văn học Nga sang tiếng Việt vẫn tiếp tục. Hơn nữa, bên cạnh những ngôi sao sáng trong đội ngũ dịch giả đã xuất hiện những cái tên mới, nhờ họ các tác phẩm của Nabokov và Zoshchenko, Platonov và Bykov, Astafiev và Bondarev, Ulitskaya, Petrushevskaya và Tokareva, Uspensky và Minaev được xuất bản ở Việt Nam. Nhà xuất bản Kim Đồng vừa ra mắt bộ sách văn học Nga cho trẻ em gồm 45 tập.
Trung tâm Dịch thuật Văn học được thành lập tại Hội Nhà văn Việt Nam, và họ tiếp tục dịch và xuất bản các bài thơ của Pushkin, Lermontov, Rubtsov, Tsvetaeva và Akhmatova. Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây cũng dịch những tác phẩm của các nhà văn Nga. Nhưng số lượng phát hành còn ít, nhiều cuốn sách được xuất bản với chi phí của người dịch và không để rộng rãi độc giả được tiếp cận.
Sinh viên đến từ Việt Nam: "Tôi muốn trở thành cầu nối giữa Nga và Việt Nam"

Chương trình của ông Medvedev

Để đưa văn học Nga trở lại Việt Nam và văn học Việt Nam trở lại Nga, năm 2012, Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev bắt đầu triển khai chương trình dịch và quảng bá các tác phẩm văn học Nga tại Việt Nam và văn học Việt Nam tại Nga. Ngân hàng Nga VTB cung cấp hỗ trợ tài chính, Nhà xuất bản Locked Premium phụ trách xuất bản, và nhiệm vụ phân phối sách tại Việt Nam được giao cho Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội. Để hỗ trợ thực hiện chương trình này, Hội Nhà văn Việt Nam đã thành lập "Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Nga tại Việt Nam và văn học Việt Nam tại Nga" do dịch giả nổi tiếng Hoàng Thúy Toàn đứng đầu, người đã tạo ra Nhà lưu niệm tư nhân độc đáo "Văn học Nga tại Việt Nam".
Chương trình này mang tính chất phi lợi nhuận: những cuốn sách được đóng góp vào các thư viện, trường đại học và các tổ chức công cộng. Trong khuôn khổ chương trình này, 35 tác phẩm của các tác giả cổ điển và hiện đại Nga được dịch sang tiếng Việt đã được xuất bản. Nhà xuất bản đang chuẩn bị phát hành một cuốn sách gồm các tác phẩm của Pushkin. Trong quá trình triển khai chương trình, vấn đề người phiên dịch sang cả tiếng Việt và tiếng Nga trở nên gay gắt. Các dịch giả của trường phái cũ đang rời đi, còn thế hệ mới thì có ít người có thể thực hiện nhiệm vụ này.
Chuyện đáng kinh ngạc
Dịch giả, Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi: Tiếng Nga mang vai trò giải phóng
Gần đây, Viện Dịch thuật Nga bắt đầu quan tâm đến vấn đề này. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận, cung cấp các khoản tài trợ cho các dịch giả và nhà xuất bản văn học Nga ở nước ngoài.

Các nhà văn Nga "đổ bộ" vào Việt Nam

"Viện Dịch thuật được thành lập vào tháng 5 năm 2011.Trong thời gian này, với sự hỗ trợ của Viện chúng tôi, gần 1.200 cuốn sách bằng 48 ngoại ngữ đã được xuất bản ở 53 quốc gia. Là một phần của chương trình hỗ trợ các dịch giả, Viện tổ chức Đại hội dịch giả quốc tế, nơi quy tụ những người tham gia từ khắp nơi trên thế giới, các hội thảo dịch thuật và hội nghị khoa học dành riêng cho các vấn đề dịch thuật. Chúng tôi đã lập danh những tác phẩm văn học của các nhà văn Nga mà chúng tôi cung cấp để dịch cho các đối tác nước ngoài", - giám đốc điều hành của Viện ông Evgeny Reznichenko cho biết trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Sputnik.

"Năm nay, lần đầu tiên chúng tôi đưa các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Nga tham gia Hội chợ sách quốc tế tại Hà Nội. Lần này, chương trình "cuộc đổ Bộ văn hóa của Nga" rất đa dạng và thú vị. Các nhà văn gặp gỡ độc giả, trò chuyện về văn học Nga và giới thiệu tác phẩm của mình tại nhiều địa điểm khác nhau: tại Trung tâm Khoa học và Văn hoá Nga và Đại học Quốc gia Hà Nội, tại Học viện Âm nhạc Việt Nam và Học viện Báo chí và Truyền thông, và tại hai trường học", - ông nói thêm.

Dịch giả Việt Nam Phan Xuân Loan

"Chúng tôi rất thích sự hưởng ứng nhiệt tình của những người trẻ Việt Nam"

Một trong những nhà văn Nga đương đại nổi tiếng nhất Evgeny Vodolazkin đã tham gia buổi Đối thoại giới thiệu cuốn tiểu thuyết "Phi công" được Phan Xuân Loan dịch sang tiếng Việt, cuốn sách này hiện đang chờ xuất bản với sự hỗ trợ của Viện Dịch thuật Nga. Còn khán giả tập trung tại Trung tâm Khoa học và Văn hoá Nga đã lắng nghe những bài thơ của nhà thơ xuất sắc Evgeny Chigrin do chính tác giả thể hiện và các bản dịch được thực hiện bởi nhà thơ và dịch giả nổi tiếng Mai Văn Phấn.
"Tôi rất thích sự hưởng ứng nhiệt tình của những người trẻ Việt Nam. Rõ ràng là họ quan tâm, đặt ra những câu hỏi thông minh và sâu sắc về văn học Nga, về quá trình viết một cuốn sách, về sự sáng tạo", - nhà văn Evgeny Vodolazkin nói trong cuộc trò chuyện với phóng viên Sputnik.
Nhà văn Evgeny Vodolazkin
Nhà văn và nhà thơ Anastasia Strokina đã trò chuyện dưới hình thức đối thoại với các bạn trẻ Việt Nam tại một trường học thuộc Đại sứ quán Nga tại Việt Nam và tại Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Phú ở Hải Phòng. Cô giới thiệu cuốn sách của mình về Leo Tolstoy và nói về những địa danh huyền bí của nước Nga, còn các em học sinh Việt Nam đã giới thiệu với cô những địa điểm thú vị trên đất nước họ.

Nhà văn Anastasia Strokina chia sẻ về các cuộc gặp này: "Tôi đã có các cuộc trò chuyện rất thú vị với các em học sinh Việt Nam - họ thân thiện, cởi mở và lịch sự. Năm tới tôi dự định dịch và xuất bản ở Nga một số tác phẩm văn học Việt Nam dành cho thiếu nhi và một tập thơ của các nhà thơ Việt Nam".

Viện Dịch thuật dự định mở rộng hợp tác với các nhà văn, nhà xuất bản Việt Nam.
"Năm tới, chúng tôi chắc chắn sẽ đưa một nhóm nhà văn đến Việt Nam với những cuốn sách mới, dự án mới, chương trình mới và sẽ cố gắng làm mọi thứ có thể để độc giả Việt Nam tìm hiểu thêm về văn học Nga hiện đại", - ông Evgeny Reznichenko, giám đốc điều hành của Viện Dịch thuật Nga, cho biết.
Thảo luận