Trong suốt những năm chiến tranh thế giới thứ hai là cuộc xung đột đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại, sự chú ý của báo chí cách mạng xuất bản bất hợp pháp ở Việt Nam đã chịu áp lực “kép” từ phía chính quyền thuộc địa của chính phủ Pháp ở Vichy hợp tác với Đức Quốc xã và Quân phiệt Nhật chiếm đóng Đông Dương.
Dự báo chính xác của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Và ở đây không thể không nhắc đến hai lời tiên tri chính xác của Hồ Chí Minh. Vào mùa thu năm 1941, khi quân đội phát xít Đức tiến sát Mátxcơva chỉ còn cách thủ đô Liên Xô khoảng 20 km, ông đã nói rằng, chiến tranh sẽ kết thúc với chiến thắng của Liên Xô, điều này sẽ xảy ra vào năm 1945, và cùng năm đó sẽ là thời điểm Việt Nam giành được tự do và độc lập. Những người thợ sắp chữ ở nhà in bí mật cho rằng đây có thể là lỗi đánh máy nên đã nhờ Hồ Chí Minh kiểm tra lại cụm từ đó.
Nhưng ông khẳng định: “Mọi chuyện đều đúng, mọi chuyện sẽ như vậy”.
Hồng quân đang chiến đấu vì các dân tộc Đông Dương
Đảng Cộng sản Việt Nam và báo chí cách mạng đã gắn liền triển vọng giải phóng quê hương với thắng lợi của Liên Xô. Cũng nên nhớ rằng một nhóm tình nguyện viên Việt Nam đã chiến đấu trong hàng ngũ Hồng quân chống lại Đức Quốc xã: họ đã tham gia bảo vệ Mátxcơva và cuộc phản công sau đó. Các chiến sĩ người Việt được truy tặng huân chương “Chiến tranh vệ quốc” hạng nhất của Liên Xô.
Vào năm 1942, báo “Cờ giải phóng” đã viết: “Liên bang Xô Viết đang chiến đấu vì lợi ích của toàn nhân loại, vì tất cả các dân tộc đang rên xiết dưới gót sắt của bè lũ phát xít. Chúng tôi không ngần ngại tuyên bố rằng, những người lính Hồng quân đang chiến đấu vì các dân tộc Đông Dương”.
Và báo “Chiến đấu” đã viết: “Hồng quân đang chiến đấu chống lại kẻ thù của chúng ta. Nếu phát xít Đức và Ý bị đánh bại, thì Nhật và Pháp cũng sẽ thất bại. Chỉ có chiến thắng của Liên Xô mới có thể tạo cơ sở để hy vọng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam”.
Ngày 10 tháng 10 năm1942, báo “Cờ giải phóng” ghi nhận: “Những người lính Hồng quân đang đổ máu ở Rzhev và Stalingrad cũng đang chiến đấu vì các dân tộc Đông Dương. Chúng ta phải hỗ trợ Liên Xô trong cuộc đấu tranh của họ. Nếu binh lính Đông Dương được Pháp hoặc Nhật cử đi đánh Liên Xô thì phải chuyển sang phía Hồng quân”.
Tháng 11 năm 1942, báo “Chiến đấu” đã viết: “Thắng lợi của Liên Xô sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công của cách mạng nước ta. Chỉ có chiến thắng của Liên Xô mới có thể hy vọng vào chiến thắng của chúng ta”.
Với niềm hân hoan chân thành, báo chí cách mạng Việt Nam đã đưa tin về những thắng lợi của Hồng quân ở vùng Kavkaz, ở Stalingrad và Kursk, về việc giải phóng các nước Đông Âu, về việc quân đội Liên Xô tiến vào lãnh thổ Đức.
Vào tháng 8 năm 1944, báo “Đuổi giặc nước” đã viết: “Thời cơ của trận chiến quyết định vì tự do của chúng ta đang đến gần”. Vào tháng 11 cùng năm, báo “Cờ giải phóng” đã viết: “Hồng quân đã đẩy lùi sự tấn công dữ dội của bè lũ phát xít, quét sạch quân xâm lược khỏi vùng đất của mình và giúp các dân tộc châu Âu giải phóng khỏi ách phát xít”.
Những người yêu nước Việt Nam đánh giá cao vai trò của Liên Xô trong việc đánh bại chủ nghĩa phát xít.
Tháng 6 năm 1945, báo “Cờ giải phóng” viết: “Trùm phát xít Đức bị đánh bại chủ yếu nhờ chiến công của Hồng quân. Liên Xô đã hứng chịu tổn thất to lớn để bảo vệ toàn bộ nền văn minh thế giới. Bây giờ công lý đã chiến thắng, sự man rợ đã rút lui. Nền văn minh thế giới đã được cứu vãn".
Mùa thu năm 1944, sau khi trở về Việt Nam, trong cuộc gặp đầu tiên với các đồng chí đảng viên, Hồ Chí Minh nói: "Khi Hồng quân đến được Berlin sào huyệt cuối cùng của phát xít Đức, chúng ta sẽ bắt đầu giành chính quyền về tay nhân dân”.
Sau khi đánh bại phát xít Đức, Liên Xô tuyên chiến với quân phiệt Nhật
Ngày 30 tháng 4 năm 1945, Hồng quân Liên Xô cắm lá cờ đỏ trên nóc tòa nhà Quốc hội ở thành phố Berlin. Đó là một sự trùng hợp mang tính biểu tượng: ba mươi năm sau, ngày 30 tháng 4 năm 1975, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam cũng cắm lá cờ lên Dinh Độc lập tại Sài Gòn. Ngày 8 tháng 5 năm 1945 theo giờ Berlin, Đức Quốc xã phải ký văn bản đầu hàng vô điều kiện. Tuy nhiên, trên lãnh thổ của nhiều quốc gia Viễn Đông, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, cuộc chiến với quân phiệt Nhật Bản vẫn tiếp tục.
Báo chí cách mạng Việt Nam bày tỏ tin tưởng rằng, sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử ở châu Âu, Liên Xô sẽ không quên châu Á.
Vào tháng 5 năm 1945, báo “Cờ giải phóng” viết: "Chúng tôi tin chắc rằng, sau khi đánh bại chủ nghĩa phát xít Đức, Liên Xô sẽ điều động lực lượng của mình để đánh bại Nhật Bản. Đồng bào hãy sẵn sàng đợi lệnh khởi nghĩa vũ trang! Hãy để chủ nghĩa anh hùng của những người lính Liên Xô trở thành tấm gương cho chúng ta!"
Đầu tháng 6, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào đã quyết nghị thành lập Khu giải phóng ở Việt Bắc.
Ngày 16 tháng 6 năm 1945, báo “Cờ giải phóng” viết: “Sau khi giải phóng các dân tộc châu Âu khỏi chủ nghĩa Hitler, Hồng quân sẽ không quên nhiệm vụ giải phóng các dân tộc phương Đông khỏi quân phiệt Nhật Bản”.
Những người yêu nước Việt Nam đã có đủ cơ sở để tin tưởng như vậy. Tất nhiên, khi đó quyết định của Liên Xô tham chiến với Nhật Bản ba tháng sau thất bại của Đức được đưa ra vào tháng 2 năm 1945 tại hội nghị của các nhà lãnh đạo Liên Xô, Mỹ và Anh ở Crưm đã là một bí mật. Nhưng, thậm chí ba năm trước đó, ngay sau khi Hồng quân đánh bại phát xít Đức gần Mátxcơva, giới lãnh đạo Liên Xô đã cử những người cách mạng từ các nước Viễn Đông và Đông Nam Á đang ở Mátxcơva về quê hương của họ để chuẩn bị cơ sở cho việc mở rộng phong trào chống quân phiệt Nhật Bản có tính đến cuộc tấn công tất yếu của Liên Xô vào Nhật Bản. Trong số đó có ông Vương Thúc Tình, người đã đưa một nhóm người Việt Nam từ Quảng Châu sang Nga vào đầu những năm ba mươi, sau đó cùng họ bảo vệ Matxcơva trong đội ngũ Lữ đoàn súng trường cơ giới OMSBON.
Đúng ba tháng sau khi Đức Quốc xã thất bại, Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản. Vào đêm nay 8/8 rạng sáng ngày 9/8, quân đội Liên Xô đã mở cuộc tấn công vào tập đoàn quân chủ lực của Nhật Bản trên mặt trận dài khoảng năm nghìn km. Tập đoàn quân Kwantung gồm một triệu người đóng ở Đông Bắc Trung Quốc và Triều Tiên.
Các lực lượng yêu nước Việt Nam đã khéo léo, kịp thời tận dụng thời cơ thuận lợi do các thắng lợi của quân đội Liên Xô tạo ra. Chỉ hai ngày sau khi Liên Xô mở cuộc tấn công, tiếng trống khởi nghĩa vang lên từ người dân tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 12/8, chính quyền cách mạng lâm thời được thành lập ở Hà Tĩnh. Ngày 13/8, Hội nghị toàn quốc họp ở Tân Trào đã ra lệnh Tổng khởi nghĩa. Dưới ảnh hưởng của thông tin về chiến thắng của quân đội Xô Viết, Nghệ An và Thanh Hóa đã thiết lập nên chính quyền nhân dân. Ngày 19/8, lính Nhật bắt đầu đầu hàng hầu như khắp nơi ở Mãn Châu. Đến tối cùng ngày, nhân dân đã chiếm tất cả những cơ sở quan trọng nhất ở Hà Nội. Ngày 23/8, Tổng khởi nghĩa ở Huế đã chiếm dinh thự của Trần Trọng Kim, người đứng đầu chính phủ bù nhìn thân Nhật. Ngày hôm sau, vua Bảo Đại đọc lời tuyên bố thoái vị, rồi trao ấn kiếm cho dại diện của Chính phủ cách mạng. Ngày 25/8, Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi ở Sài Gòn, hai ngày sau Chính phủ Cách mạng lâm thời mà người đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã được thành lập ở Việt Nam. Rồi vào ngày 2/9, khi Nhật Bản ký văn bản đầu hàng vô điều kiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập trên Quảng trường Ba Đình.