Một lãnh đạo công ty may cho rằng, 9 tháng đầu năm 2023 là thời gian khó khăn nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.
Sau 9 tháng đầy u ám, dệt may Việt Nam hy vọng tình hình thị trường toàn cầu có thể trở nên khởi sắc hơn trong năm 2024.
Dệt may Việt Nam vật lộn với khó khăn
Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu, 9 tháng đầu năm 2023 là thời gian khó khăn nhất trong lịch sử hoạt động của công ty.
Lý do là vì, ngay cả thời điểm dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề, việc giữ được hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng “không căng thẳng như hiện tại”.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 thì cho hay, May 10 có thế mạnh về sơ mi nhưng năm 2023 lại thiệt hại nặng nhất về mặt hàng này.
Cụ thể, May 10 phải làm đơn hàng quần, áo polo, áo T-shirt ở xí nghiệp sơ mi. Trước đây, sơ mi chiếm tỷ trọng 60% của công ty, nhưng hiện nay chỉ chiếm 39%. Xu thế và hành vi tiêu dùng đã ảnh hưởng đến thị trường, bởi tại Mỹ hiện có xu thế “làm việc ở nhà”, họ không dùng thời trang công sở như áo sơ mi khi đi làm.
Đồng tình với các ý kiến trên, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Nhà Bè Phạm Phú Cường cho biết, hiện veston của May Nhà Bè đã chuyển về các nhà máy địa phương để sản xuất, sẵn sàng “tấn công” những mặt hàng khó, không cho khách hàng vào một giỏ, không nhận đơn hàng quá 15% khả năng sản xuất…
Đơn hàng từ Decathlon, Nike, Adidas giảm mạnh
Theo số liệu thống kê, tính đến hết tháng 9/2023, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 29,7 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm trên 40% thị phần dệt may Việt Nam. Lần lượt xếp ở vị trí tiếp theo là Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Vinatex cho hay, nhìn chung các thị trường lớn hầu như đều ghi nhận kim ngạch xuất khẩu giảm do nhu cầu chững lại. Chẳng hạn như EU, đến tháng 9/2023 cũng vẫn có xu hướng giảm do đơn hàng từ các đối tác lớn như Decathlon, Nike, Adidas giảm mạnh.
Nửa đầu năm 2023, dệt may Việt Nam cũng để mất 1,3% thị phần tại thị trường Mỹ. Trong khi đó, dệt may Việt Nam xuất sang Trung Quốc trong 8 tháng cũng chỉ đạt 7,5 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù vậy, vẫn có “điểm sáng” trong bức tranh đầy u ám của 9 tháng đầu năm. Đó là sự tăng trưởng cao trong số các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như Nhật Bản, Canada, Úc, New Zealand.
Ngành dệt may cũng mở thêm được một số thị trường mới tại châu Phi và Trung Đông, qua đó giúp kim ngạch xuất khẩu của ngành không bị giảm sâu trong bối cảnh sức cầu các thị trường giảm mạnh.
Mong đợi tình hình khởi sắc hơn trong năm 2024
Đại diện Vinatex cho rằng, chưa có nhiều sự khởi sắc trong các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Đơn hàng chưa có dấu hiệu tăng, có đơn vị còn phải “ăn đong” đơn hàng từng tháng.
Giá gia công vẫn thấp hơn 30% so với trước đây. Sự cạnh tranh về giá với các nước khác như Pakistan, Indonesia và đặc biệt là Bangladesh càng trở nên khốc liệt. Chưa kể, yêu cầu của các nhà mua hàng cũng ngày càng tăng, đơn hàng nhỏ, khó, đòi hỏi chất lượng cao đang là xu thế.
Dù vậy, xu hướng thị trường quý IV/2023 đã xuất hiện những chuyển biến tích cực khi FED không tăng lãi suất trong tháng 9 mà lùi xuống cuối năm. Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai thị trường cho thấy khả năng phục hồi tốt, chỉ số quản trị mua hàng đều trên 50 điểm (cao hơn mức dự báo).
Trong khi đó, lạm phát EU tháng 9 giảm 4,3% và tháng 9/2023 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Thị trường xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt đỉnh 4,06 tỷ USD trong tháng 8/2023, có giảm trong tháng 9 nhưng xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc vẫn tăng lần lượt 2% và 11% so với cùng kỳ.
Ngành khăn - gia dụng tiếp tục giữ vững lợi thế về giá nguyên liệu và thị trường đầu ra. Đa số các đơn vị ngành may non tải trong quý IV/2023 nhưng có dấu hiệu khách hàng tăng cường trao đổi.
Nhận định về thị trường năm 2024, đại diện Vinatex và các đơn vị thành viên đều dự báo khó khăn vẫn bao trùm, suy giảm kinh tế thế giới, khủng hoảng địa chính trị lan rộng, hành vi người tiêu dùng thay đổi, cạnh tranh về giá từ quốc gia đối thủ… là những yếu tố bất lợi với doanh nghiệp dệt may.
“Cầu hàng hóa dệt may năm 2024 nhiều khả năng cải thiện hơn 2023, tuy nhiên mức độ cải thiện nhỏ, tổng cầu 2024 dự kiến vẫn thấp hơn 2022 từ 5-7%; xu thế giảm số lượng hàng hóa để chuẩn bị dần cho việc có khả năng áp dụng EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất); đơn giá có thể tăng hơn nhưng trên nền số lượng giảm và yêu cầu chất lượng, tiêu chuẩn phi tài chính khác cao lên”, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Vinatex đánh giá.
Theo ông, Việt Nam đang có những thuận lợi như lãi suất quay về mức trước dịch bệnh, các quốc gia cạnh tranh đã giảm mạnh đồng nội tệ trong hai năm 2022, 2023 nên còn ít dư địa. Chính sách miễn giảm thuế phí của Nhà nước có thể được kéo dài trong năm 2024.
Theo lãnh đạo Vinatex, năm 2024, thị trường Mỹ sẽ tốt hơn năm 2023, trong khi EU dự kiến đến quý III/2024 mới dần “ấm” lên.
Trước những bất định hiện nay, doanh nghiệp nên đa dạng hóa thị trường, cẩn trọng trong việc đa dạng hóa sản phẩm vì còn liên quan đến đầu tư thiết bị.
Doanh nghiệp cần xác định ngắn hạn và trung hạn khi nghiên cứu thị trường để điều chỉnh các đơn hàng.