Nga tăng mua hàng dệt may Việt Nam, Mỹ đã giảm tồn kho
© AP Photo / Richard VogelNgành dệt may tại Việt Nam
© AP Photo / Richard Vogel
Đăng ký
Trị giá xuất khẩu hàng dệt may sang Nga trong 8 tháng đầu năm 2023 thậm chí đã vượt qua cả năm 2022 cộng lại.
Hàng dệt may hiện là một trong những mặt hàng Liên bang Nga chi mạnh tay nhất để nhập khẩu từ Việt Nam trong thời gian qua.
Trong khi đó tại Mỹ, lượng hàng tồn kho đã giảm. Đối tác hàng đầu này của Việt Nam đã tăng cường thêm đơn hàng.
Xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vẫn thu về hàng tỷ đô
Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 8, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt hơn 3,44 tỷ USD, tăng 5,5% so với tháng 7/2023.
Tính chung 8 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng dệt may thu về hơn 22,5 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 3 thị trường lớn nhất của hàng dệt may Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm, Mỹ đã chi xấp xỉ 10 tỷ USD nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 44,4%, giảm 22,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhật Bản xếp thứ 2 khi chi ra 2,5 tỷ USD để nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam, với tỷ trọng đạt 11,4% trong 8 tháng đầu năm, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Hàn Quốc là thị trường tỷ USD xếp thứ 3 của hàng dệt may Việt Nam với hơn 2,08 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm, giảm gần 3% và chiếm 9,24% thị phần.
Xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Nga tăng mạnh
Đặc biệt, xuất khẩu hàng dệt may sang Liên bang Nga đã chứng kiến mức tăng trưởng vượt trội trong 8 tháng đầu năm.
Theo Nhịp sống thị trường, riêng trong tháng 8, xuất khẩu mặt hàng này sang Nga đạt hơn 12,7 triệu USD, giảm 36,8% so với tháng 7 nhưng đã tăng 1,45% so với tháng 8/2022.
Tính chung 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu về hơn 247 triệu USD hàng dệt may xuất khẩu sang Nga, tăng đến 72,79% so với năm ngoái.
Đáng chú ý, trị giá xuất khẩu hàng dệt may sang Nga trong 8 tháng thậm chí đã vượt qua cả năm 2022 cộng lại. Cụ thể, trong năm 2022, Nga nhập khẩu hơn 221 triệu USD hàng dệt may của Việt Nam, chiếm 0,5% trong cơ cấu xuất khẩu hàng dệt may (thấp hơn con số 247 triệu USD nói trên).
Kết thúc tháng 8/2023, tỷ trọng của Nga đã tăng gấp đôi lên 1,1%. Điều này cho thấy hàng dệt may Việt Nam đang từng bước chinh phục được người tiêu dùng xứ sở bạch dương.
Về xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nga, kết thúc tháng 8, trị giá xuất khẩu sang Nga đạt 1,046 tỷ USD, giảm nhẹ 4,19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, hàng dệt may chính là mặt hàng đứng đầu về trị giá trong số các mặt hàng xuất khẩu, chiếm 24% trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa sang Nga.
Năm 2022, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 37,5 tỷ USD, đứng thứ 3 về quy mô, sau Trung Quốc và Bangladesh.
Tuy nhiên, về tốc độ tăng trưởng, Việt Nam chỉ đứng sau Bangladesh, với mức tăng 10,5-11%. Đến nay, hàng dệt may Việt Nam đã có mặt tại 71 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Giảm tồn kho tại Mỹ
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam cả năm 2023 ước đạt 40 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2022.
Nhu cầu hàng dệt may thế giới năm 2023 được dự báo giảm 8 - 10%, ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất khẩu dệt may Việt Nam trong năm nay và cả những tháng đầu năm 2024.
Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang cho biết, năm 2023, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi nhiều yếu tố lạm phát, bất ổn chính trị kìm hãm chi tiêu tiêu dùng từ các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Hàng dệt may, do không phải là hàng thiết yếu, đã lâm vào tình trạng bị sụt giảm đơn hàng. Ước tính sơ bộ đến hết tháng 9 năm 2023, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 30,25 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm trên 40% thị phần của ngành dệt may Việt Nam, tiếp đến là Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Nhìn chung, các thị trường nói trên đều ghi nhận kim ngạch giảm sâu do nhu cầu sụt giảm. Ví dụ như EU, trong 7 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 2,3 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ.
Sang tháng 8/2023, xuất khẩu giảm mạnh hơn khi chỉ được 330 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ. Đến tháng 9/2023, tiếp tục giảm sâu do đơn hàng từ các đối tác lớn như Decathlon, Nike, Adidas đã giảm mạnh.
“Trong bức tranh “màu xám” của thị trường 9 tháng đầu năm nay, khối thị trường các nước có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như Nhật Bản, Canada, Úc, New Zealand trở thành “điểm sáng” khi ghi nhận tăng trưởng cao”, ông Giang nói với báo Công Thương.
Ngoài ra, đầu năm 2023, Việt Nam đã mở thêm được nhiều thị trường mới tại châu Phi và Trung Đông. Nhờ đó, kim ngạch của ngành không bị giảm sâu trong bối cảnh sức cầu thị trường giảm mạnh.
Về dự báo của một số tổ chức tài chính cho rằng, thị trưởng Mỹ – thị trường lớn nhất của hàng dệt may Việt Nam – đang có chỉ số tồn kho “chạm đáy”, ông Giang cho biết việc Mỹ giảm tồn kho là đúng sự thực.
“Tuy nhiên chúng tôi nhận định rằng việc giảm tồn kho này không tương xứng với sức mua đang sụt giảm mạnh của người tiêu dùng Mỹ. Do vậy, trước mắt việc giảm tồn kho có thể chỉ giúp xuất khẩu dệt may tăng nhẹ chứ chưa có bứt phá về đơn hàng như trong năm 2019 và năm 2021”, lãnh đạo VITAS phân tích.
Theo ông, hiện ngành dệt may Việt Nam đang trông chờ vào các đơn hàng của năm 2024 ở một số nước EU. Mặc dù vậy, sức mua của thị trường nhìn chung vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Mục tiêu năm 2023 có thể đạt được?
Ông Vũ Đức Giang cho biết, trong năm 2023, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD. Đây là một con số đầy thách thức trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, ông Giang tin rằng con số này là có thể đạt được.
Để hoàn thành mục tiêu, các doanh nghiệp đang thúc đẩy những giải pháp mà VITAS đã định hướng thị trường từ đầu năm, bao gồm: đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa dòng hàng, đa dạng hóa khách hàng nhằm giữ tỷ trọng xuất khẩu.
Cùng với đó, tiếp tục đầu tư vào công nghệ, quản trị số cùng các các giải pháp tiết giảm chi phí, thời gian giao hàng để nâng cao sức cạnh tranh.
Hiệp hội cũng xác định phát triển bền vững là xu thế chung toàn ngành khi tiếp cận các thị trường trên thế giới, nhất là đối với các thị trường có Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
“Cụ thể như trong cam kết của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã đưa ra quan điểm về việc sử dụng xanh, tái chế và đây là những yêu cầu mà những nhãn hàng đòi hỏi nhà sản xuất Việt phải thích ứng. Do vậy đòi hỏi các doanh nghiệp phải tiếp tục đầu tư vào xây dựng liên kết chuỗi tạo động lực cho mục tiêu phát triển từ năm 2024 trở đi”, ông Vũ Đức Giang lưu ý.