Các nhà khoa học Nga tạo ra chương trình mới phát hiện video giả

Các chuyên gia từ Đại học Kỹ thuật Quốc gia Rostov-na-Donu đã tạo ra chương trình mới để xác định nội dung video giả mạo.
Sputnik
Như đang chờ đợi, chương trình này sẽ giúp các nhà báo xác định video giả mạo còn người dùng bình thường có thể nhanh chóng kiểm tra, chẳng hạn như khi thấy có gì đáng ngờ trong video với yêu cầu hỗ trợ tài chính khẩn cấp dường như là sự nhờ vả từ một người họ hàng xa.

"Hiện nay có nhiều mạng lưới thần kinh cho phép bạn dù không là họa sĩ cũng có thể tạo ra một bức tranh khác thường, "sáng tác" một bài thơ hoặc một giai điệu nhạc chỉ bằng vài cú nhấp chuột. Theo nguyên tắc tương tự, sử dụng sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, chuyện tạo một video giả đã chẳng mấy khó khăn. Đồng thời, các hệ thống trí tuệ đang trở nên thông minh hơn mỗi ngày - sản phẩm từ công việc của chúng ngày càng trở nên khó phân biệt hơn với nội dung thực, ngay cả với sự trợ giúp của các chương trình đặc biệt", - anh Alexandr Dzhurov, tác giả của chương trình, hiện là nghiên cứu sinh Bộ môn "An ninh mạng của Hệ thống Thông tin" tại trường Đại học Kỹ thuật Quốc gia Rostov-na-Donu giải thích với nhà báo Sputnik.

Chương trình phát hiện video giả mạo được tạo bằng công nghệ DeepFake của thuật toán GAN (Generative Adversarial Network). Với sự hỗ trợ của mạng thần kinh, công cụ mới có khả năng xác định những dấu hiệu tổng hợp khuôn mặt người trong khuôn hình video với độ chính xác chấp nhận được. Như các nhà phát triển lưu ý, để sử dụng chương trình chống giả mạo này, ta chỉ cần tải xuống video tranh cãi và cho chạy quét qua dòng lệnh. Chương trình sẽ phát hiện tất cả các khung hình có khuôn mặt trong chuỗi video và phân tích từng khung hình để tìm nhiều dấu hiệu giả mạo, chẳng hạn như độ căng của môi khi trò chuyện, so sánh lời nói và vẻ mặt, cũng như các kỹ thuật khác nhau, những sắc thái, cho đến tận các pixel được định vị phi tự nhiên.
Các nhà khoa học Nga tạo ra lớp phủ mới bảo vệ động cơ máy bay

Chương trình mới sẽ được sử dụng ở đâu?

Theo quan điểm của các sáng chế gia, chương trình này sẽ bổ ích cho công việc ở các tổ chức trong lĩnh vực bảo mật kỹ thuật số, bao gồm cả khi tạo hệ thống kiểm soát truy cập không tiếp xúc và mở khóa các tiện ích. Có kỳ vọng rằng sáng chế mới phát triển của Đại học Kỹ thuật Quốc gia Rostov-na-Donu sẽ giúp các nhân viên truyền thông xác định video giả mạo, còn người dùng bình thường sẽ nhanh chóng kiểm tra một video đáng ngờ với lời yêu cầu trợ giúp tài chính khẩn cấp dường như là sự nhờ vả từ một người họ hàng xa, như vậy sẽ bảo vệ bản thân khỏi những kẻ lừa đảo.
Ảnh chụp màn hình của chương trình phát hiện video giả
Tiếp theo, các chuyên gia ở Đại học Kỹ thuật Quốc gia Rostov-na-Donu dự định biến chương trình phát hiện video giả thành một phần trong dự án quy mô lớn hơn nhằm đảm bảo an ninh mạng, giúp bảo vệ sức khỏe thể chất, tâm lý và đạo đức của các công dân Nga.

"Chương trình phát hiện video giả sẽ là một trong những mô-đun của hệ thống phần mềm tương lai về chống thông tin phá hoại. Hệ thống này cho phép bao gồm tất cả các loại nội dung đa phương tiện trên Internet: văn bản - cả in và viết tay, hình ảnh đồ họa, kể cả ảnh và tệp video cũng như các tập tin âm thanh. Tất cả nội dung Internet này có thể được phân tích với sự hỗ trợ của công nghệ mạng thần kinh trí tuệ nhân tạo và đánh giá mức độ nguy hiểm đối với người dùng", - nhà lãnh đạo khoa học của dự án, GS-TSKH Toán-Lý Larisa Cherkesova từ Bộ môn "An ninh mạng của Hệ thống Thông tin" tại Đại học Kỹ thuật Quốc gia Rostov-na-Donu cho biết.

Thảo luận