Theo các chuyên gia, cuộc nghiên cứu về tảo nâu chỉ ra rằng các loài thực vật ở vùng phía bắc có thể là nguyên liệu thực vật tái tạo cho các công nghệ không chất thải. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Algal Research.
Các nhà khoa học của NArFU đã nghiên cứu vùng Biển Trắng và phát hiện ra một số loài tảo biển có tiềm năng công nghiệp cao.
Các nhà nghiên cứu giải thích, sự quan tâm đến hệ thực vật của Biển Trắng là do sự đa dạng của loài tảo phát triển ở vùng biển này. Ở đây có tới 160 loài, 10 trong số đó có tầm quan trọng lớn về mặt thương mại, và quần thể tảo địa phương có năng suất rất cao và được phục hồi 70% chỉ sau hai đến ba năm.
“Do đặc thù công việc của các trung tâm khoa học và thực tiễn nghiên cứu về tảo ở châu Á, sự chú ý lớn nhất hướng đến các loài thực vật tương đối lớn sống trôi nổi ở vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới. Còn các loài thực vật của khu vực Bắc Cực ngày nay ít được nghiên cứu, đó là lý do tại sao chưa có bằng chứng nào cho việc sử dụng chúng hiệu quả ở quy mô công nghiệp”, - Giáo sư Konstantin Bogolitsyn của NArFU giải thích.
Tảo là nguồn dinh dưỡng và dược liệu quý giá
Theo Giáo sư Bogolitsyn, tảo là nguồn cung cấp các hoạt chất sinh học cho một số cộng đồng dân cư trên thế giới. Tảo được gọi là siêu thực phẩm. Các loại thực phẩm này chứa nhiều chất dinh dưỡng - polysaccharide sinh học quý như alginate, laminaran, fucoidan, axit amin thiết yếu, khoáng chất quan trọng (iốt, kali, selen, magiê, sắt, kẽm, v.v.), vitamin A, C, D, E.
Theo các nhà khoa học, tảo có thể thay thế 25% lượng protein tiêu thụ của châu Âu, 50% tổng lượng tiêu thụ dầu thực vật và có thể trở thành nguồn cung cấp đầy đủ các axit amin thiết yếu (không được tổng hợp trong cơ thể con người).
Nhà khoa học cho biết thêm, kết quả khoa học của nhiều năm nghiên cứu được trình bày trong các ấn phẩm này giúp đưa ra đánh giá toàn diện về thành phần của tảo nâu Bắc Cực (Phaeophyceae) để phát hiện ra nhiều loại hoạt chất sinh học có khả năng chống oxy hóa, kháng khuẩn, kháng virus, chống ung thư, kích thích miễn dịch, bảo vệ thần kinh và tim mạch. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các loài tảo phía bắc không thua kém về thành phần so với các loài tảo phía nam và vượt trội hơn chúng ở một số chỉ số (thành phần và hoạt tính).
"Một xu hướng quan trọng toàn cầu là sự chuyển đổi từ nhựa tổng hợp làm từ các sản phẩm dầu mỏ sang nhựa sinh học thân thiện với môi trường, có khả năng phân hủy sinh học, tương thích sinh học và không độc hại. Thành phần chính và đi kèm của chúng có thể là các chất chứa trong tảo biển - fucoidans, alginates, cellulose", – Giáo sư Bogolitsyn nhấn mạnh.
Ông nói thêm rằng, việc tạo ra những vật liệu mới như vậy đang tích cực phát triển dưới hình thức khởi nghiệp, bao gồm cả lĩnh vực y học tái tạo, ngành sản xuất các loại đồ nội thất và quần áo có thể tái chế và phân hủy sinh học, điều này cũng có thể làm giảm đáng kể tải trọng do con người gây ra lên môi trường sinh thái.