Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ở kịch bản cao nhất, Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 7,8 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt khoảng 4,2 - 4,5 tỷ USD trong năm 2023.
Kỷ lục
Báo Công Thương dẫn số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu gạo trong tháng 10 của Việt Nam đạt 700.000 tấn, tương ứng 433 triệu USD, đi ngang về lượng và tăng 27% về giá trị so với tháng 10/2022.
Tính chung 10 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7,1 triệu tấn gạo, tương ứng gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Luỹ kế sơ bộ 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt mức cao nhất so với cùng kỳ các năm kể từ ít nhất năm 2009.
Trong khi đó, theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 27/10, so với nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, gạo Việt Nam đang có mức giá cao nhất.
Theo đó, gạo tấm 5% của Việt Nam đang được bán với giá 643 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan lần lượt là 79 USD/tấn và 80 USD/tấn.
Gạo tấm 25% của Việt Nam giao dịch ở mức 628 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan lần lượt là 106 USD/tấn và 140 USD/tấn.
Đồng thời, giá gạo xuất khẩu vẫn giữ ở mức cao, giá lúa gạo tại thị trường cũng đồng loạt tăng lên mức cao chưa từng có.
Theo cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương dẫn báo cáo của các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá lúa tại ruộng và kho tăng mỗi ngày.
Trong đó, tại miền Bắc, giá lúa khô tăng lên 14.000 đồng một kg. Còn các tỉnh miền Tây, điển hình ở vựa lúa gạo An Giang, giá lúa làng nhen (khô) lên 15.000 đồng một kg. Lúa Đài Thơm, nàng hoa tươi lên 9.000 đồng, tăng 1.000 đồng/kg so với vụ trước đó.
Việt Nam tận dụng cơ hội tốt hơn so với cơn sốt năm 2008
Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, so với cơn sốt giá gạo năm 2008, năm nay Việt Nam đã tận dụng tốt hơn cơ hội thị trường.
Đặc biệt, theo tính toán từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ở kịch bản cao nhất, Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 7,8 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt khoảng 4,2 - 4,5 tỷ USD trong năm 2023.
Nhận định về triển vọng giá gạo xuất khẩu, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, giá sẽ neo cao và khó giảm xuống ngưỡng 600 USD/tấn, kể cả trong thời gian thu hoạch vụ Đông Xuân, nguồn cung từ Việt Nam và Thái Lan tăng lên.
"Nhu cầu gạo trên toàn cầu có xu hướng tăng qua các năm, trong khi nguồn cung từ các quốc gia trồng lúa lại giảm do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, do vậy, trong những tháng đầu năm 2024, giá gạo xuất khẩu có thể neo ở mức 640 - 650 USD/tấn", - theo ông Phạm Thái Bình.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng xuất khẩu Tập đoàn Lộc Trời thông tin, giá gạo đang cao hơn nhiều so với mặt bằng những năm trước, đợt tăng giá có thể kéo dài vì lực cầu mạnh hơn cung.
"Nếu tình hình Ấn Độ tiếp tục hạn chế xuất khẩu ra thế giới thì giá gạo có khả năng đạt đến 1.000 USD/tấn, mức kỷ lục năm 2008", - ông Hiếu cho hay.
Gạo Việt đang "sốt giá" trở lại
Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, giá lúa trong dân đang cao kỷ lục đẩy giá gạo nội địa cao hơn giá xuất khẩu.
"Đây cũng là lý do khiến giá gạo xuất khẩu Việt Nam liên tục lội ngược dòng thế giới. Nguồn cung đáp ứng thấp mà giá lại leo thang khiến nhiều doanh nghiệp Việt không dám ký thêm hợp đồng xuất khẩu mới", - báo Công Thương dẫn lời ông Nam cho hay.
Tương tự, ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An nói, thị trường lúa gạo trong nước bước vào cuối vụ thu hoạch, nguồn cung không còn nhiều nhưng giá bán lại biến động theo chiều hướng tăng mạnh.
Đại diện Trung An cho biết, doanh nghiệp đang phải mua lúa tươi tại ruộng với giá 8.000 - 8.200 đồng/kg, mức giá thu mua cao nhất từ trước đến nay.
"So với hồi đầu năm, giá lúa đã tăng khoảng 30%", - ông Phạm Thái Bình thông tin.
Đối với tình hình xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp ký hợp đồng ở ngưỡng 670 - 680 USD/tấn - cũng cao kỷ lục lịch sử.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình lưu ý, nguồn cung gạo cho xuất khẩu của Việt Nam từ giờ đến cuối năm không còn nhiều. Trong khi đó, nhu cầu trên thị trường thế giới vẫn cao, đặc biệt từ Indonesia, Philippines, Trung Quốc.
Đánh giá tình hình hiện tại, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc) cho hay, vụ Thu Đông, sản lượng thu hoạch không nhiều, do đó, doanh nghiệp bán bao nhiêu thì mua bấy nhiêu chứ không dám ký các đơn hàng lớn.
Ông Đôn lý giải điều này là vì nếu có các biến động lớn về thị trường thì doanh nghiệp trở tay không kịp. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường cũng đã định hình được mức giá.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, khách hàng chính của công ty là thị trường Trung Quốc và châu Phi, theo ông Đôn, vừa rồi Việt Hưng cũng đã có một vài đơn hàng và xuất bán cho khách hàng thị trường Trung Quốc với giá khá cao.
Hiện còn một vài đơn hàng nhỏ xuất khẩu đi thị trường châu Phi cũng đã chuẩn bị xong.
Các doanh nghiệp xuất khẩu lưu ý, gạo Việt đang "sốt giá" trở lại do nhu cầu trên thị trường thế giới tăng cao. Trong đó, gạo thơm của Việt Nam chất lượng ngày càng vượt trội và được đánh giá cao nên các quốc gia trên thế giới ưa chuộng.
Một nguyên nhân nữa làm cho giá gạo tăng cao là do tính thời vụ. Vụ Thu Đông của Việt Nam sản lượng thường thấp hơn nhiều so với các vụ khác. Hiện vụ thu hoạch Thu Đông đã vào cuối vụ, lượng lúa trong dân giảm dần nên đẩy giá gạo xuất khẩu tăng cao.
"Vụ Đông Xuân thường là vụ mà các doanh nghiệp phải dự trù và mua hàng vào để dự trữ do đây là vụ mùa có chất lượng gạo tốt. Mặt khác, vụ mùa này bà con thường trúng mùa, nên giá lúa gạo tương đối nhẹ hơn. Vụ Hè Thu và vụ Thu Đông sản lượng ít hơn và giá thu mua lúa gạo thường cao hơn", - ông Nguyễn Văn Đôn bày tỏ.