Chỉ ra “ngôi sao sáng” của nền kinh tế Việt Nam

Xuất khẩu nông sản trở thành “ngôi sao sáng” trong bức tranh kinh tế còn khó khăn chung của Việt Nam.
Sputnik
Theo Ngân hàng HSBC, khi 90% xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi suy thoái thương mại trong năm nay thì 10% xuất khẩu nông sản còn lại đã bất ngờ vươn lên bất chấp nghịch cảnh.
Đặc biệt, Việt Nam đã đạt mức xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc cao kỷ lục (tăng 1.400% so với cùng kỳ năm trước) tính đến quý 3/2023. Đồng thời, vẫn duy trì vị thế vững vàng của nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Loại “trái cây vua” của Việt Nam xuất khẩu tăng 1.400%

Ngân hàng HSBC Việt Nam vừa công bố báo cáo mới phân tích về tình hình xuất khẩu và kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Trong báo cáo “Vietnam at a glance: Xuất khẩu nông sản vững vàng giữ thành”, vừa được HSBC Việt Nam công bố, ngân hàng này khẳng định, Việt Nam từ lâu được ca ngợi là một điển hình về sự phát triển khi chuyển dịch từ nền kinh tế dựa vào nông nghiệp để trở thành ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.
“Tuy nhiên, khi 90% xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi suy thoái thương mại trong năm nay, 10% xuất khẩu nông sản còn lại đã bất ngờ vươn lên bất chấp nghịch cảnh”, - HSBC khẳng định và tin rằng Việt Nam đã được hưởng lợi đáng kể từ cơ cấu đa dạng trong danh mục xuất khẩu nông sản.
Theo Doanh nghiệp và Kinh tế xanh dẫn báo cáo của HSBC cho biết, Việt Nam được hưởng lợi trong vai trò một nước xuất khẩu truyền thống cũng như một nước xuất khẩu mới nổi.
Trung Quốc ồ ạt mua nông sản Việt Nam
Là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tăng nhờ nhu cầu tăng vọt từ các nước trong khu vực và cuộc chạy đua giá gạo toàn cầu gần đây.
Trong khi đó, nông dân trồng sầu riêng của Việt Nam đã chứng kiến xuất khẩu tăng vọt (tăng 1.400% so với cùng kỳ năm trước tính đến quý 3/2023), nhờ niềm yêu thích mới của người tiêu dùng Trung Quốc đối với loại trái cây vua này và việc triển khai Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnerships - RCEP).
Tại báo cáo, các chuyên gia của HSBC đánh giá, sau tháng 9/2023 có dấu hiệu phục hồi, xuất khẩu Việt Nam trong tháng 10/2023 tiếp tục lấy lại đà tăng trưởng, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù mỗi sản phẩm một khác nhưng các dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang phục hồi ổn định khỏi suy thoái thương mại toàn cầu.
Ngân hàng HSBC cũng chỉ ra rằng, điều đáng mừng là sự phục hồi của Việt Nam không chỉ giới hạn ở lĩnh vực bên ngoài. Sau khi tiêu dùng nội địa cải thiện đôi chút trong quý III/2023, doanh số bán lẻ tiếp tục phục hồi, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, lạm phát cũng khởi đầu quý IV/2023 với một số tin vui. Đà lạm phát chỉ tăng nhẹ, lên 0,1% so với tháng trước, tương đương với mức lạm phát so với cùng kỳ năm trước là 3,6%, dưới mức dự báo của thị trường (Bloomberg: 4,0%; HSBC: 3,9%, trước đó: 3,7%). Nguyên nhân phần lớn là do giá lương thực giảm và giá dầu giảm.
4 lô hàng nông sản "biến mất" ở UAE: Thủ tướng ra chỉ đạo gỡ khó
Mặc dù vẫn có rủi ro tăng nhưng nhóm phân tích của HSBC vẫn cho rằng, lạm phát nhìn chung vẫn nằm trong tầm kiểm soát và kỳ vọng lạm phát sẽ vẫn ở dưới mức trần 4,5%, sau đó sẽ ở mức khoảng 3,3% vào năm 2024.
Đáng chú ý, dù các nước trong khu vực như Indonesia và Philippines, có động thái rục rịch tăng lãi suất nhưng các chuyên gia của HSBC không kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có động thái tương tự vì lạm phát dường như không phải là mối quan ngại cấp bách và vẫn giữ nguyên dự báo lãi suất chính sách ở mức 4,5% cho năm 2023.

‘Xuất khẩu nông sản vươn lên như điểm sáng duy nhất’

Tại báo cáo, các chuyên gia của HSBC cho rằng, đối với một quốc gia điển hình như Việt Nam, năm 2023 rõ ràng là một năm đầy thử thách cho động lực tăng trưởng thương mại trọng yếu.
Mặc dù chu kỳ thương mại toàn cầu đã có dấu hiệu phục hồi sơ khởi, xuất khẩu của Việt Nam vẫn bị suy giảm 7% tính từ đầu năm 2023 tới nay, một cản trở đáng kể đối với tăng trưởng.
Trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa từ các nước phương Tây sụt giảm, các mặt hàng chủ đạo của Việt Nam xuất đi, từ điện tử tiêu dùng và may mặc/da giày đến đồ nội thất gỗ và máy móc, đều rơi vào tình trạng ảm đạm.
“Trong bối cảnh đó, xuất khẩu nông sản vươn lên như điểm sáng duy nhất bất chấp bối cảnh sụt giảm thương mại”, - tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ dẫn báo cáo của HSBC cho biết.
Ngân hàng này lưu ý, mặc dù lĩnh vực cơ bản chỉ chiếm khoảng 10% tổng GDP nhưng vai trò của lĩnh vực này không thể xem nhẹ. Xét cho cùng, 1/3 lao động của Việt Nam vẫn tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù tỷ lệ này đã giảm so với mức đỉnh là 40% cách đây một thập kỷ do có thêm lao động trẻ chuyển sang lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.
Vì sao Indonesia đổ “tiền núi” mua nông sản Việt Nam?
“Không giống như những lĩnh vực khác ghi nhận mức sụt giảm hai con số, xuất khẩu nông nghiệp đã vững vàng đi qua giông bão, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước tính trên cơ sở bình quân 3 tháng”, - báo cáo của HSBC khẳng định.
Nhóm phân tích cũng lưu ý, với nguồn tài nguyên dồi dào, Việt Nam tận hưởng một nền tảng nông nghiệp đa dạng. Thủy sản chiếm gần 40% trong cơ cấu xuất khẩu nông nghiệp, sau đó là tới cà phê Robusta (14%), gạo (12%) và trái cây/rau củ (11%).
Tuy nhiên, HSBC lưu ý, cơ cấu không phải lúc nào cũng cố định như vậy: Việt Nam có chiến lược đa dạng hóa xuất khẩu không chỉ tập trung vào gạo, bởi thị phần mặt hàng này đã chững lại trong vòng một thập kỷ qua.
Thay vào đó, Việt Nam đã chủ động canh tác trái cây và rau củ để xuất khẩu. Trong số các điểm đến, châu Á chiếm chủ yếu, trong đó: Trung Quốc (25%) và ASEAN (18%), hai thị trường này cộng lại chiếm hơn 40% tổng xuất khẩu nông sản của Việt Nam, sau đó là tới các nước phương Tây với 27% thị phần.
Nói chung, nhu cầu từ Trung Quốc không đủ để bù đắp cho sự suy yếu trong xuất khẩu của ASEAN, mặc dù đúng là gia tăng nhu cầu của Trung Quốc đã mạnh lên. Trong trường hợp của Việt Nam, xuất khẩu sang Trung Quốc đã trở lại mức tăng trưởng khá kể từ quý II/2023, một nửa tăng trưởng đến từ kết quả vượt trội của xuất khẩu nông sản. Nguyên nhân chính cũng nhờ triển khai RCEP từ tháng 1/2022.
Kim ngạch xuất khẩu nông sản Campuchia sang Trung Quốc bỗng vụt sáng, Việt Nam đang bị vượt mặt?
Trong khi Trung Quốc là một quốc gia nhập khẩu quan trọng đối với mặt hàng gạo và thủy sản của Việt Nam - quốc gia này chiếm tỷ trọng chính lên đến 65% thị phần trái cây/rau củ của Việt Nam, điều này lý giải vì sao thị phần đã tăng gấp 3 lần trong thập kỷ qua. Sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, xuất khẩu trái cây nhiệt đới của Việt Nam đã tăng đáng kể, một phần để hưởng ứng nghị định thư ký kết giữa hai nước trong năm 2022.
Hiện nay, 80% thanh long và 90% vải thiều của Việt Nam được xuất khẩu sang nước láng giềng phía Bắc. Đặc biệt, niềm yêu thích mới của người tiêu dùng Trung Quốc dành cho sầu riêng đã mang lại lợi ích đáng kể cho hoạt động xuất khẩu sầu riêng ở ASEAN. Việt Nam đã đạt mức xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc cao kỷ lục (tăng 1.400% so với cùng kỳ năm trước) tính đến quý III/2023, kết quả này đảm bảo cho sầu riêng vị trí hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây của Việt Nam với tỷ trọng lên đến gần 40%.

Gạo Việt Nam là nguồn cung không thể thiếu cho một số quốc gia

Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các nước trong khu vực, đặc biệt là từ Thái Lan, quốc gia thống trị 95% xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc. Dù vậy, Thái Lan không phải là đối thủ duy nhất.
Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ thị trường sầu riêng nội địa của Trung Quốc. Trên thực tế, cạnh tranh không chỉ giới hạn ở sầu riêng, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng đang phải chịu sự cạnh tranh từ các sản phẩm nội địa Trung Quốc như: Dừa, thanh long và xoài.
Không chỉ xuất khẩu trái cây đang bùng nổ. Là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Ấn Độ (40%) và Thái Lan (15%), Việt Nam (13%) đã được hưởng lợi đáng kể từ cuộc chạy đua giá gạo gần đây trên thị trường gạo toàn cầu.
Kể từ tháng 7/2023, giá xuất khẩu tiêu chuẩn của gạo Thái Lan đã tăng 40% so với cùng kỳ năm trước lên mức cao nhất trong vòng 15 năm, một phần do lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ đối với một số sản phẩm gạo và gián đoạn thời tiết. Kể từ đó, những diễn biến này dẫn đến xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức tăng trưởng ấn tượng 50% so với cùng kỳ năm trước.
Indonesia trở thành khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam
Báo cáo của Ngân hàng HSBC cho rằng, mặc dù cơ hội mở ra, Việt Nam vẫn đang phải tìm cách cân bằng nhu cầu an ninh lương thực trong nước với nhu cầu xuất khẩu ngày càng tăng. Các quan chức giữ mức dự báo cẩn trọng rằng Việt Nam có thể xuất khẩu 7 đến 8 triệu tấn gạo trong năm nay, nghĩa là tăng tối đa cũng chỉ là 14% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam đã chủ động giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu gạo cũng như đa dạng hóa thị trường tiêu thụ. Theo chiến lược xuất khẩu gạo mới công bố gần đây, Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm xuất khẩu gạo xuống chỉ còn 4 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030, bằng một nửa so với mức ước tính của năm nay, với lý do cần “thúc đẩy gạo chất lượng cao, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và thích ứng với biến đổi khí hậu”.
“Động thái này ẩn chứa nhiều thông điệp đối với các đối tác thương mại, đặc biệt là các nước ASEAN”, - theo báo cáo của HSBC.
Cụ thể, đơn vị này lý giải, hiện tại, 3 nước ASEAN nằm trong top 6 nước mua nhiều gạo của Việt Nam nhất, riêng Philippines đã chiếm tới 45%, sau đó là tới Malaysia và Singapore.
“Xuất khẩu gạo của Việt Nam là nguồn cung không thể thiếu cho các quốc gia này, với tỷ trọng tương ứng là 80%, 34% và 23% trong danh mục nhập khẩu gạo”, - HSBC lưu ý.
Nhìn chung, trong một năm đầy thách thức như năm 2023, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã vươn lên bất chấp nghịch cảnh. Mặc dù tỷ trọng dưới 10% trong tổng danh mục xuất khẩu không bù đắp được hết cho tất cả những trở ngại thương mại nhưng xuất khẩu nông sản chắc chắn giúp làm dịu bớt tình hình.
Gạo Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục
Trong thời gian tới, điều quan trọng là Việt Nam phải tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) và tập trung đưa sản phẩm xuất khẩu đạt các tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao hơn nữa tiềm năng thị trường.
Thảo luận