Kim ngạch xuất khẩu nông sản Campuchia sang Trung Quốc bỗng vụt sáng, Việt Nam đang bị vượt mặt?
08:25 09.12.2022 (Đã cập nhật: 10:37 09.12.2022)
© Sputnik / Mikhail Fomichev
/ Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) – Trung Quốc cũng đang là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Campuchia. Trong khi, gạo Việt xuất khẩu sang thị trường này lại quay đầu giảm. Các mặt hàng trái cây Campuchia liên tục được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Dù thâm nhập thị trường sau, liệu nông sản Việt Nam có bị soán ngôi tại thị trường tỷ dân?
Nông sản Việt ồ ạt xuất sang thị trường tỷ dân: vừa mừng, vừa lo
Hơn 100 tấn sầu riêng tỉnh Đắk Lắk được xuất chính ngạch sang Trung Quốc vào giữa tháng 9 sau khoảng 4 năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đàm phán với các cơ quan chức năng của Trung Quốc. Thế nhưng, đây không phải là niềm vui duy nhất và đầu tiên của ngành hàng trái cây Việt trong năm nay.
Đầu tiên phải kể đến trái chanh dây được nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc từ ngày 1-7. Sau đó, Trung Quốc tiếp tục đồng ý nhập khẩu sầu riêng, chuối xanh, và giờ là khoai lang cùng tổ yến. Như vậy tính đến nay Việt Nam đang có 13 nông sản được xuất khẩu chính ngạch vào nước này.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ trong tháng 9-2022, tính từ thời điểm lô hàng sầu riêng đầu tiên nói trên của Việt Nam xuất chính ngạch đi Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này tăng 1.344,6% so với tháng 8-2022, đạt giá trị trên 12 triệu USD. Tính chung 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 16 triệu USD, tăng 94,4% so với cùng kỳ.
Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều loại nông sản Việt được cấp phép vào thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Anh… Bức tranh xuất khẩu nông sản thêm nhiều tín hiệu lạc quan trong những tháng cuối năm. Song từ đây cũng đặt ra nhiều thách thức cho ngành nông sản Việt.
Nông sản Campuchia sắp “vượt mặt” Việt Nam ở thị trường tỷ dân
Đối với thị trường rộng lớn như Trung Quốc, ngoài Thái Lan, Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ một số nước Đông Nam Á khác như Campuchia, Lào,...
Riêng với mặt hàng gạo, dù đi sau Việt Nam nhưng Campuchia nhanh chóng trở thành nhà cung cấp gạo lớn thứ 4 vào châu Âu. Trung Quốc cũng đang là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Campuchia. Trong khi, gạo Việt xuất khẩu sang thị trường này lại quay đầu giảm.
Đáng chú ý, các mặt hàng trái cây Campuchia liên tục được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Mới đây nhất, sau chuối và xoài, nhãn là mặt hàng trái cây tươi thứ 3 của Campuchia được cơ quan kiểm dịch thực vật của Trung Quốc cho phép nhập khẩu. Campuchia cũng đang hoàn tất thủ tục cuối cùng để xuất khẩu lô hàng cá tra đầu tiên vào Trung Quốc. Là thị trường sang sau, song Campuchia đang thích ứng khá nhanh nên kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đang tăng trưởng tốt.
Phân tích với Sputnik, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp - nông thôn (Bộ NN&PTNT Việt Nam), TS. Trần Công Thắng cho rằng:
“Campuchia hay Lào gần đây đẩy mạnh việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng là điều dễ hiểu, bởi đây là thị trường gần. Câu chuyện ở đây là họ có chính sách để kết nối, hạ tầng giao thông phát triển thuận lợi. Bản thân họ cũng có những chính sách thu hút trực tiếp các nhà đầu tư của Trung Quốc vào thị trường đó rất nhiều”.
Có thể thấy, hiện có một vài mặt hàng đã có cạnh tranh. Đối với thị trường rộng lớn như Trung Quốc, trước Campuchia, Việt Nam cũng đã cạnh tranh nông sản với rất nhiều các nước khác như Thái Lan.
Cụ thể, với sầu riêng, Việt Nam mới được phía Trung Quốc cấp 51 mã vùng trồng và 25 mã cơ sở đóng gói. Số lượng mã được cấp còn ít nên lượng hàng xuất sang chưa nhiều. Trong khi với Thái Lan, riêng mã cơ sở đóng gói đã được phía Trung Quốc cấp gần 600 mã.
Hơn nữa, Trung Quốc đã mở cửa nhập khẩu với hơn 20 loại trái cây nông sản của Thái Lan, trong khi với Việt Nam mới chỉ có 12 loại. Đây cũng chính là một trong những điểm yếu của nông sản Việt Nam so với các nước đối thủ trên thị trường tỷ dân.
Trao đổi với Sputnik, TS. Trần Công Thắng cho hay, từ trước đến nay Việt Nam vẫn có lợi thế về mặt sản xuất, đồng thời cũng ký nhiều cam kết về FDI. Số lượng sản phẩm xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng tăng nhưng so với tiềm năng còn rất hạn chế. Xuất khẩu được rồi thì nguồn hàng làm sao cho đủ, lâu dài, đó mới là vấn đề.
“Để duy trì và phát triển, cần có chính sách thương mại kèm theo chính sách sản phẩm và chính sách phân phối. Vấn đề cần bàn ở đây là làm sao để duy trì nguồn hàng xuất đi đều đặn với quy mô lớn. Trong khi nhìn chung sản xuất của Việt Nam vẫn còn manh mún. Một vài các cơ sở sản xuất về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn về môi trường chưa đủ. Việt Nam cần tổ chức nhiều cơ sở để đảm bảo hơn”, ông Thắng nói thêm.
Nhìn chung, quy mô của thị trường rất lớn. Quan trọng nhất, Việt Nam cần cải thiện chất lượng sản phẩm để đáp ứng. Nếu không cải thiện, không chỉ riêng Campuchia mà các nước Đông Nam Á khác đều có đủ cơ sở và thế mạnh để cạnh tranh với Việt Nam.
Và để ngành nông sản Việt giữ được thị trường và cạnh tranh lành mạnh khi cạnh tranh với các nước trên cùng thị trường xuất khẩu, Việt Nam cần tính đến việc làm sao sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường; sau đó mới đưa sản phẩm xuất sang các nước.
“Hiện nay, Việt Nam bước đầu thâm nhập được thị trường. Đây là tín hiệu và cơ hội rất tốt. Một trong những mấu chốt cơ bản là đáp ứng được về mặt tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về mặt vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cần một số tiêu chuẩn khác như một số nước yêu cầu là tiêu chuẩn về môi trường, tiêu chuẩn về mặt xã hội”, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp - nông thôn nêu rõ.
Câu chuyện thứ hai là để đưa vào thị trường như thế, cần có những chính sách, chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm hay chính sách xây dựng thương hiệu. Tiếp nữa, dần dần Việt Nam phải ứng dụng công nghệ để làm sao để giá thành sản phẩm có thể cạnh tranh được.
“Cùng với đó, hiện nay một số dịch vụ hỗ trợ, kết nối Logistics của Việt Nam vẫn còn chưa phát triển. Muốn sản phẩm phát triển nông sản của Việt Nam vươn tầm thế giới thì những dịch vụ đó cũng phải nâng cấp hơn nữa. Ví dụ, nếu muốn xuất khẩu những sản phẩm kích thước to và tươi thì câu chuyện về logistics rất đáng quan tâm”, ông Thắng nhấn mạnh với Sputnik.
Chính sách “Zero Covid” là cơ hội để Việt Nam đa dạng hóa thị trường
Đến nay, Trung Quốc vẫn chưa bỏ hoàn toàn chính sách Zero Covid, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng như đồng Baht của Thái Lan mất giá hơn so với VND và đồng USD, nên nước này có xu hướng nhập khẩu nhiều các sản phẩm của Thái Lan hơn.
Trao đổi với Sputnik, ông Thắng đánh giá rằng, một mặt, chính sách Zero Covid của Trung Quốc cũng làm cho xuất khẩu trái cây của Việt Nam giảm đi, cụ thể là vào năm 2021. Tuy nhiên, mặt khác nhiều sản phẩm khác sản lượng xuất khẩu lại tăng lên. Ví dụ như mặt hàng thủy sản, Việt Nam vẫn đáp ứng tốt tiêu chuẩn của họ thì vẫn xuất đi đều.
“Thực ra, việc này đã có ảnh hưởng phần nào. Nhưng câu chuyện ở đây là nếu xuất sản phẩm đa dạng, xuất đi chính ngạch nhiều lên thì một số doanh nghiệp họ vẫn đi đều. Đặc biệt, từ câu chuyện chính sách Zero Covid, rất nhiều doanh nghiệp năm bắt cơ hội chuyển hướng mở rộng thị trường sang EU hay Mỹ thì có nguồn hàng rất đều, thậm chí cũng không đủ cầu, nhất là đối với các doanh nghiệp có chứng nhận tiêu chuẩn đầy đủ của thị trường nhập khẩu”, ông Thắng nói.
Thị trường thế giới đang trong xu hướng biến chuyển. Người tiêu dùng không chỉ ăn ngon, ăn sạch mà còn quan tâm đến các sản phẩm có lợi cho sức khỏe, môi trường. Ngay cả Trung Quốc, thị trường vốn được đánh giá là "dễ tính", song vài năm gần đây, họ cũng dần “khó tính” hơn, như nâng chuẩn, siết chặt các điều kiện về an toàn thực phẩm với hàng hóa nhập khẩu. Và dù ở bất cứ thị trường nào, muốn “sống khỏe” Việt Nam cần thay đổi tư duy sản xuất cũng như cách tiếp cận thị trường, làm thương hiệu…